Tái đàn lợn thời điểm cuối năm: Còn nhiều khó khăn
– Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh chưa hoàn toàn được khống chế và mới xuất hiện trở lại tại các huyện, thành phố trong thời gian gần đây. Với khoảng 90% tổng đàn lợn đang được chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ, công tác tái đàn đảm bảo an toàn sinh học hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Những ngày đầu tháng 10/2021, người chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Văn Quan đều cảm thấy lo lắng trước thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại. Nhiều hộ chịu thiệt hại vừa tiếc vừa hối hận vì đã vội tái đàn mà không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, như gia đình anh La Hồng Nguyên, trú tại phố Tâm An, thị trấn Văn Quan. Anh Nguyên chia sẻ: Giữa tháng 9, gia đình tôi đã mua lợn giống từ xã Yên Phúc. Xã này trước đó cũng đã có dịch, nhưng vì mong muốn có đàn lợn ăn Tết nên tôi vẫn mua về nuôi 3 con. Hiện tại 1 con đã tiêu huỷ do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, 2 con còn lại cách ly để theo dõi nhưng tình hình sức khoẻ không mấy khả quan, nên tôi rất lo lắng.
Cán bộ thú y thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan phun tiêu độc khử trùng tại chuồng nuôi của hộ dân trên địa bàn
Được biết, trên địa bàn huyện Văn Quan, từ đầu năm 2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện rải rác tại 16/17 xã, thị trấn, cao điểm từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 7 mới cơ bản được khống chế. Sau đó, người dân bắt đầu tái đàn, nhưng đến cuối tháng 9, dịch bắt đầu xuất hiện trở lại, đến nay, 7/17 xã, thị trấn đã có dịch. So với thời điểm cuối tháng 5, tổng đàn lợn của huyện đã giảm 1/3, chỉ còn khoảng 9.000 con. Ông Hoàng Văn Tăng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Quan cho biết: Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn từ huyện đến cấp xã đã triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tái đàn phải đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Văn Quan gần như 100% theo hình thức nông hộ, nhỏ lẻ nên với tập quán chăn nuôi lâu năm, người dân vẫn tự ý nhập giống từ nhiều nơi, không rõ nguồn gốc, khó đảm bảo về chất lượng con giống; tái đàn nhưng không thông báo cho cơ quan chuyên môn để kiểm dịch; nguồn thức ăn chưa đảm bảo vệ sinh; một bộ phận người dân còn giấu dịch, tiêu huỷ không đúng quy trình; công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại thực hiện chưa thường xuyên…
Không chỉ huyện Văn Quan, từ đầu năm 2021, do tính chất chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ chiếm tới 90%, gây khó khăn trong việc kiểm soát con giống, thực hiện đúng quy trình tiêu huỷ, tái đàn và đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; cộng thêm việc chưa có vắc-xin khiến cho dịch bệnh chưa được xử lý dứt điểm. Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng 107.000 con lợn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng đã giảm khoảng 8% so với thời điểm đầu tháng 5 do có lợn bệnh bị tiêu huỷ và hạn chế tái đàn tại các địa phương.
Để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp 6.397 lít thuốc sát trùng cho 185 xã, phường và thị trấn trên 11 huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn tổ chức phun thuốc tập trung hoặc cấp phát thuốc cho dân tự phun… Các địa phương cũng đã tiến hành tuyên truyền dưới nhiều hình thức như tại các buổi họp thôn, khối phố, qua hệ thống loa phát thanh, truyền hình, phát tờ rơi… Tuy nhiên, một phần cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc tiếp xúc với người dân còn hạn chế, hiệu quả tuyên truyền đạt được chưa cao, nên người dân vẫn chưa hoàn toàn nắm được các quy định để tái đàn an toàn. Dịch bệnh do đó đã xuất hiện trở lại từ cuối tháng 9/2021 tại hầu hết các huyện, thành phố.
Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Chi cục đã tham mưu cho Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện thực hiện những giải pháp trước mắt và lâu dài. Theo đó, trước mắt cần sớm khoanh vùng, dập dịch, đề nghị bà con tại nơi có dịch không tái đàn; tăng cường tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến và qua nhiều kênh khác về việc đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2 dự kiến từ ngày 25/10 đến ngày 25/11. Về lâu dài, các địa phương cần yêu cầu người dân trước khi tái đàn phải thông tin tới cán bộ chủ chốt thôn, chính quyền xã để có sự tư vấn, kiểm dịch kỹ về con giống và quy trình chăn nuôi; chủ động trong việc lấy mẫu lợn gửi đến các cơ quan trung ương để nghiên cứu, sớm tìm ra vắc-xin hoặc thuốc đặc trị. Đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích triển khai các dự án đầu tư vào chăn nuôi lợn với quy mô lớn và vừa để đảm bảo chăn nuôi an toàn.
Thời điểm cuối năm, nhu cầu chăn nuôi của người dân tăng cao, vừa để phục vụ tiêu dùng, vừa đáp ứng thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, như khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người dân cần đặc biệt quan tâm tới các thông tin về tình hình dịch bệnh, tìm hiểu kỹ các quy định và hướng dẫn về chăn nuôi an toàn, tránh nguy cơ thiệt hại khi tái đàn
Ý kiến ()