Tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học
Ảnh minh họa |
Khánh Hòa: Thúc đẩy tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học
Khánh Hòa đang hướng dẫn người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, tính đến cuối tháng 3/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là khoảng 249.250 con, bằng gần 95% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vào tháng 12/2018.
Về điều kiện tái đàn trên địa bàn tỉnh cơ bản là đảm bảo, bởi từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình bệnh DTLCP đã được kiểm soát. Hầu hết các địa phương của Khánh Hòa qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện bắt tay vào tái đàn do hầu hết chưa bảo đảm đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học. Mặt khác khi bị DTLCP, trên 2.200 con nái trong các nông hộ buộc tiêu hủy nên nguồn cung cấp lợn giống cho người nuôi gặp khó khăn.
Để thúc đẩy tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo cung ứng cho thị trường, hiện địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đúng với hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chât, vôi bột; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học. Đảm bảo yêu cầu về con giống sạch bệnh, thức ăn và nước uống an toàn; thực hiện tốt quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng; kiểm soát vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào trại; kiểm soát tốt phương tiện vận chuyển, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi.
Đồng thời xử lý tốt chất thải chăn nuôi, kiểm soát môi trường chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh thông thường. Vệ sinh sát trùng định kỳ chuồng trại và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ trong chăn nuôi….
Bên cạnh đó, Chi cục còn hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch là chính; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, sát trùng phòng dịch; rà soát, kịp thời tiêm vaccine cho đàn vật nuôi, phòng các bệnh truyền nhiễm theo quy định, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao. Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây thiệt hại về kinh tế.
Hà Tĩnh: Không vội tái đàn nếu chưa đảm bảo an toàn sinh học
Tháng 5/2019, DTLCP khởi phát tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Sau hơn 1 năm quần thảo, đại dịch này đã “ăn” hơn 44.000 con lợn, làm giảm sâu cả tổng đàn (từ 406.000 con xuống còn 362.000 con) và tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng.
Hiện tại, DTLCP ở Hà Tĩnh tuy đã được khống chế nhưng chưa triệt để, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát. Đặc biệt, trong bối cảnh giá thịt lợn đang lập đỉnh sẽ khó tránh khỏi việc bà con liều mình tái đàn. Vì vậy, ngành chuyên môn Hà Tĩnh đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường giám sát, khuyến cáo công tác đảm bảo an toàn sinh học tại các trang trại, gia trại, đặc biệt là hộ chăn nuôi. Tuyệt đối không vội tái đàn khi chưa đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đối với khối trang trại, gia trại, tập trung chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi, từ nuôi chuồng hở sang chuồng khép kín. Chi phí đầu tư cho việc chuyển đổi này, bình quân trên dưới 300 triệu đồng/trang trại.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, để đẩy nhanh việc tái đàn, tăng đàn lợn, mới đây trang trại 10 ha của Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, đóng tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng đã nhập 250 con lợn nái bố mẹ từ Thái Lan về để chuẩn bị cung cấp con giống cho trang trại và chăn nuôi nông hộ trên địa bàn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cho phép nhập khẩu lợn giống bố mẹ. Vì vậy, công tác kiểm dịch được cơ quan chức năng địa phương giám sát hết sức nghiêm ngặt.
Ngoài chỉ đạo các trang trại, gia trại, nông hộ chủ động tái đàn tại chỗ, tỉnh Hà Tĩnh đang hoàn thiện dự thảo chính sách hỗ trợ tái đàn lợn, dự kiến trình Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuối tháng 5/2020.
Nghệ An: Tăng nhanh đàn lợn trong trang trại
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện có 438 trang trại lợn (theo quy định của Luật Chăn nuôi ).
Trong đó có 24 trang trại quy mô lớn, 75 trang trại quy mô vừa và 339 trang trại quy mô nhỏ. Tính đến tháng 4/2020, tổng đàn lợn của tỉnh Nghệ An đạt 901.449 con, giảm 39.741 con so với thời điểm trước khi có DTLCP. Nhưng kể từ đầu năm tới nay, khi DTLCP cơ bản đã được không chế, và giá lợn hơi, lợn thịt tăng lên thì tất cả các trang trại chăn nuôi đã thúc đẩy công việc tăng đàn. Tính đến tháng 5/2020, đàn lợn trong hệ thống trang trại đã tăng 37.336 con, nâng tổng số đàn lợn trang trại lên đến 256.543 con. Trong đó đàn lợn nái trang trại đã tăng lên 5.000 con.
Nhiều trang trại lớn của Masan, CP Việt Nam, Mavin… không những tăng nhanh đàn lợn thịt, mà lợn nái và đực giống cũng tăng cao về số lượng. Các công ty này hiện có 20.990 con lợn nái và 338 con lợn đực giống. Hiện Mavin đang đầu tư xây dựng trại lợn nái sản xuất giống tại huyện Anh Sơn với quy mô 10.000 nái cụ kỵ, ông bà.
“Vựa heo” miền Trung tái đàn chắc ăn, không nhắm mắt làm liều
Khôi phục đàn lợn sau DTLCP, “vựa heo” lớn nhất miền Trung đẩy mạnh tái đàn nhưng không “nhắm mắt làm liều”, mà tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học.
Trong thời gian DTLCP hoành hành khắp các vùng chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Định, huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo” lớn nhất miền Trung với tổng đàn lợn trên 300.000 con cũng không ngoại lệ.
Theo thống kê của UBND huyện Hoài Ân, hiện ở địa phương này có 4 trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp công nghệ cao, 62 trang trại chăn nuôi lợn có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, 1.926 gia trại và trên 8.000 hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ.
Đặc biệt, từ các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn đến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Hoài Ân đều có nuôi lợn nái sinh sản để chủ động nguồn lợn giống. Đây là lợi thế lớn khi người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn trong bối cảnh lợn giống đắt như hiện nay.
Ý kiến ()