Phó Thủ tướng phát biểu ý kiến khẳng định những thành công bước đầu của Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin. Sau bốn tháng tích cực triển khai thực hiện Quyết định 926/QĐ-TTg ngày 18-6-2010, công tác kiện toàn tổ chức bộ máy lãnh đạo, công tác cơ cấu tổ chức sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu tài chính của Tập đoàn đã đạt được những kết quả đáng mừng. Toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh như đóng tàu, vận tải biển, công nghiệp hỗ trợ ngành đóng tàu đã bước đầu hoạt động trở lại, công nhân có việc làm. Một số doanh nghiệp thành viên đã bắt đầu ổn định sản xuất và phát triển… Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và các cơ quan thành viên trong năm nay là phải làm 'sống lại' Vinashin, để Vinashin trở thành Tập đoàn chủ lực của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển nước ta, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển đến năm 2020.
Tuy công tác tái cơ cấu đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng Tập đoàn Vinashin vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trước mắt. Để đạt được mục tiêu trên, cần hoàn thiện thể chế pháp luật cho hoạt động của Tập đoàn, xây dựng chiến lược phát triển của toàn ngành ngay trong quý I trình Thủ tướng phê duyệt; triển khai thực hiện Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn. Hai bộ Giao thông vận tải, Tài chính phối hợp, chỉ đạo Tập đoàn xác định vốn điều lệ chính thức phù hợp quy mô, nhiệm vụ được giao, chiến lược phát triển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 ngay trong tháng 2 tới. Đồng thời, kiện toàn hoạt động của các tổ chức, đoàn thể, chú trọng đến công tác Đảng, sớm tổ chức Đại hội Đảng bộ Tập đoàn; tiếp tục hoàn thiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phấn đấu tạo đủ việc làm và nâng cao đời sống cho công nhân.
Trong thời gian tới, một số nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chỉ đạo Tập đoàn triển khai thực hiện Quyết định 2108/QĐ-TTg về tái cơ cấu Vinashin; phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phê duyệt chiến lược và quy hoạch phát triển Tập đoàn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ; kiện toàn bộ máy tổ chức, quản trị doanh nghiệp, hợp lý hóa sản xuất; tháo gỡ vướng mắc về tín dụng, tạo điều kiện cho Vinashin cơ cấu nợ, vay mới tại các ngân hàng thương mại…
Thời điểm này, Vinashin đã cơ bản hoàn thành việc bàn giao các đơn vị, dự án về Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), các doanh nghiệp, dự án đã phục hồi sản xuất trở lại. Toàn bộ lao động của Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã trở lại làm việc; KCN Soài Rạp (Tiền Giang) diện tích 285 ha đã được đăng ký sử dụng hết và chuyển đổi thành KCN dịch vụ tổng hợp Dầu khí,… Đội tàu 26 chiếc chuyển về Vinalines đã được duy tu, sửa chữa, 23 tàu đã đi vào hoạt động, tàu Hoa Sen đã được khai thác, người lao động có việc làm, thu nhập cao hơn trước. Các KCN Sông Hậu và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang, KCN và Nhà máy đóng tàu Cà Mau chuyển từ đóng sang sửa chữa tàu và xin bổ sung vào quy hoạch đóng và sửa chữa tàu biển Việt Nam… mô hình của Tập đoàn Vinashin sau tái cơ cấu gồm công ty mẹ là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, 19 công ty con, một công ty liên kết và 22 công ty cháu, tổng tài sản hơn 68 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả hơn 53 nghìn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tạm tính tại thời điểm phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động là 9.520 tỷ đồng, tổng số lao động 29.660 người, có khả năng đóng được tàu trọng tải đến 150 nghìn tấn, sửa chữa tàu đến 200 nghìn tấn, công suất đóng mới đạt 1,5 triệu tấn tàu/năm, công nghiệp hỗ trợ bảo đảm phục vụ đạt 20% sản lượng đóng mới. Hơn 200 đơn vị sau tái cơ cấu sẽ được sắp xếp theo các hình thức bán, cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể, phá sản để thu hồi vốn đã đầu tư, trả nợ.
Triển khai Đề án tái cơ cấu theo Quyết định 2108/QĐ-TTg, Tập đoàn đã hoàn thành cơ bản việc tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân sự, đang tiến hành đổi mới phương thức quản lý tại công ty mẹ, xây dựng lại phương án tái cấu trúc các đơn vị cần giữ lại, kiện toàn đội ngũ cán bộ, điều hành của ba tổng công ty lớn. Tập đoàn đang khẩn trương tiến hành xây dựng quy trình chuyển nhượng vốn, thoái vốn tại các đơn vị không cần nắm giữ… Tập đoàn dự kiến hoàn thành tái cơ cấu 25 đơn vị trong quý I, 30 đơn vị trong quý II, 37 đơn vị trong quý III và 25 đơn vị trong quý IV.
Năm 2010, tổng sản lượng của Vinashin đạt gần 11.500 tỷ đồng, doanh thu hơn 10.300 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 278 triệu USD; bàn giao 64 tàu với tổng giá trị hợp đồng 577 triệu USD, trong đó có 28 tàu xuất khẩu. Năm nay, dự kiến tổng sản lượng của Tập đoàn đạt 22.763 tỷ đồng, doanh thu 21.143 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 352 triệu USD.
Ý kiến ()