Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp: Động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
LSO- Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hiểu một cách đơn giản là xác định sản phẩm chủ lực và triển khai hệ thống các giải pháp từ khoa học, hạ tầng, nhân lực đến đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, cơ chế chính sách... để phát triển hiệu quả sản phẩm chủ lực gắn liền với thị trường, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Đây cũng chính là động lực thúc đấy quá trình xây dựng nông thôn mới.
Nông dân huyện Chi Lăng thu hoạch ớt – một trong những sản phẩm được xác định là chủ lực trên địa bàn huyện.
Một trong những việc đầu tiên mà xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia triển khai khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới là củng cố hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và xác định các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực để tập trung phát triển.
Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết: qua khảo sát thị trường, lấy ý kiến của nhân dân, xã tập trung các nguồn lực hỗ trợ cho chăn nuôi lợn nái; triển khai dự án vỗ béo bò và cải tạo đàn bò từ giống bản địa thành bò lai sin. Đối với đồi rừng, Tô Hiệu xác định hồi, quýt là sản phẩm chủ lực.
Trong khi đó, trong lĩnh vực trồng trọt, xã thành lập hợp tác xã dịch vụ nông – lâm nghiệp với nhiệm vụ cung ứng giống cây trồng vụ đông xuân với cây trồng chính là khoai tây giống mới, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh.
Với sự hỗ trợ một phần về vốn, khoa học kỹ thuật, đến nay Tô Hiệu đã có gần 300 con lợn nái và bò lai sin; xấp xỉ 400 ha rừng hồi và quýt và hàng chục héc ta khoai tây giống mới mỗi năm. Phát triển sản xuất là chìa khóa để xã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% (năm 2016) và là động lực để Tô Hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015).
Thực tiễn trong quá trình xây dựng nông thôn mới cho thấy, xã nào thực hiện tốt việc tìm hiểu thị trường, xác định đúng sản phẩm chủ lực và có các giải pháp tốt để hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực ấy thì quá trình xây dựng nông thôn mới ở nơi đó được triển khai rất thuận lợi. Ví dụ như xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng tập trung vào chăn nuôi lợn nái; phát triển cây ăn quả mà sản phẩm chủ lực là cây na và từng bước phát triển cam, bưởi diễn.
Những nơi thực hiện chưa tốt việc hỗ trợ sản xuất theo hướng phát triển sản phẩm chủ lực gắn liền với thị trường tiêu thụ thì công cuộc xây dựng nông thôn mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Điển hình như xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, mặc dù trước kia đã từng được Ban chỉ đạo tỉnh chọn làm điểm để tập trung chỉ đạo, nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt chuẩn nông thôn mới.
Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng được Ban chỉ đạo tỉnh rút ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới là: “ Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn gắn liền với thị trường tiêu thụ… là động lực then chốt, yếu tố quyết định cho việc khai thác hiệu quả lợi thế vùng miền, tạo đột phá phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, đây là nội dung trọng tâm, cốt lõi xây dựng nông thôn mới bền vững”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới, bà Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: hiện nay ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chung là phát triển toàn diện lĩnh vực nông, lâm nghiệp; ưu tiên nguồn lực, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực; đổi mới mạnh mẽ các hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường liên kết, ứng dụng khoa học vào sản xuất tạo bước đột phá nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm…
Trong đó từng nội dung cụ thể và các giải pháp đi kèm được phân công cụ thể cho các cấp, ngành có liên quan. Đây được coi là động lực quan trọng để công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được triển khai nhanh và bền vững hơn.
Bài, ảnh: VŨ LÊ MINH
Ý kiến ()