Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp: Nhìn từ nhóm cây lương thực
LSO - Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là chủ trương lớn được chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương. Trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành đã và đang nỗ lực để xây dựng Chương trình hành động thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Một trong những yêu cầu tổng quát của tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là phải phát huy, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thúc đẩy các sản phẩm nông lâm nghiệp mang bản sắc riêng, có lợi thế canh tranh, phù hợp với xu thế, thị hiếu thị trường tiêu thụ…Nhìn một cách tổng quát, Lạng Sơn có rất nhiều nông sản đặc sản, mang tính đặc hữu. Phân tích riêng trong nhóm cây lương thực (chủ yếu là lúa và ngô), Lạng Sơn cũng có thế mạnh riêng. Nhưng để phát huy được thế mạnh ấy cũng cần phải có quy hoạch, tái cơ cấu một cách hợp lý
Nông dân xã Như Khuê, huyện Lộc Bình chăm sóc ngô xuân
Trước tiên nói về cây lúa, chủ trương của tỉnh không xác định đây là loại cây hàng hóa chủ lực. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phân tích: nói lúa trở thành hàng hóa, thực chất hiện nay chỉ có gạo Thất Khê, huyện Tràng Định là có một chút đưa ra thị trường, rồi thêm chút ít nếp cái hoa vàng ở Bắc Sơn, còn lại hầu như không còn vùng nào nữa. Trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích trồng lúa trên địa bàn tỉnh ổn định vào khoảng trên 49 nghìn ha. Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỷ trọng thóc hàng hóa chỉ ở mức 10%. Với điều kiện đất đai của Lạng Sơn, có thể khẳng định cây lúa vẫn rất quan trọng, nhưng chỉ là để đảm bảo an ninh lương thực.
Thế nhưng cây ngô lại hoàn toàn khác. Trong những năm gần đây giá ngô rất ổn định và nhu cầu của thị trường cũng rất lớn. Anh Dương Công Long, nông dân xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn chia sẻ: nếu nhu trước đây mỗi năm gia đình chỉ trồng vài sào ngô, chủ yếu để phục vụ chăn nuôi, thì trong vài năm gần đây, cây ngô đã trở thành cây trồng chủ lực của gia đình. Mọi diện tích lân, lũng, ruộng một vụ chờ nước gia đình anh Long đều tận dụng để trồng ngô. Mỗi năm gia đình thu hơn chục tấn ngô. Giá thị trường luôn ổn định ở mức trên 6.000 đồng/kg, tư thương đến tận nhà mua, mỗi năm từ cây ngô anh Long được thu gần trăm triệu đồng.
Theo thống kê, diện tích trồng ngô của Bắc Sơn hiện nay khoảng 5.000ha, sản lượng hơn 20.000 tấn. Không chỉ trở thành hàng hóa mà ngô còn giúp nhà nông chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Trong vài năm trở lại đây, diện tích ngô trên địa bàn toàn tỉnh ở mức trên 20,6 nghìn ha, bình quân mỗi năm diện tích ngô tăng 3,6%. Cách đây 5 năm, trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình trồng ngô giống mới do khuyến nông triển khai đạt tới 120 tạ/ha. Tính đại trà, năng suất ngô trung bình của Lạng Sơn cũng thuộc tốp đầu so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.
Trong cuộc họp bàn về Chương trình hành động tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh do đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì mới đây, các đại biểu đã đưa ra những con số rất đáng lưu ý. Chẳng hạn mỗi năm cả nước phải nhập ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập lên tới hàng tỷ USD. Tra cứu thông tin chính thống trên trang thông tin thương mại, thì trong 4 tháng đầu năm 2014, cả nước đã nhập khẩu hơn 2 triệu tấn ngô, kim ngạch trên 500 triệu USD; tăng 3 lần về khối lượng và hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ. Theo dự báo, năm 2014, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 3,5 triệu tấn ngô. Nguyên nhân là nhu cầu sản xuất thức ăn tăng, trong khi đó diện tích trồng ngô trong cả nước còn ít và năng suất cũng chưa cao.
Điểm qua một vài thông tin tổng quát để thấy rằng nhu cầu của thị trường đối với ngô là rất lớn. Xét về tiềm năng, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều thế mạnh để phát triển cây ngô. Tổng diện tích cây trồng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trung bình hàng năm ở mức hơn 100 nghìn ha, trong đó diện tích lúa chiếm tới gần 1/2, còn diện tích trồng ngô chỉ khiêm tốn chiếm tỷ lệ chưa đầy 1/5. Như vậy vấn đề tái cơ cấu nhóm cây lương thực ở đây đặt ra rất cụ thể. Tỷ lệ này đã hợp lý chưa? Phát huy được hết tiềm năng của tỉnh chưa? Có thể tái cơ cấu theo hướng nào để đạt được mục đích gia tăng giá trị và bền vững?
Xét về tổng thể, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là chương trình rất lớn. Thế nhưng khi phân tích trong phạm vi hẹp của từng nhóm cây trồng cụ thể thì vấn đề lại rất chi tiết, cụ thể. Chính những vấn đề cụ thể như vậy lại rất cần thiết, cần được cơ quan chuyên ngành phân tích, đánh giá, tham mưu đặt trong chương trình tổng thể về tái cơ cấu. Có như vậy chương trình hành động mới sát thực, phù hợp và thực sự đạt hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()