Tái cơ cấu sản xuất: Cần thêm những chính sách
LSO - Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là chương trình lớn và rất cần thiết để nâng cao hiệu quả của sản xuất, gắn liền với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tại cuộc họp bàn về Chương trình hành động tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng mới đây, nhiều đại biểu cho rằng cần phải đánh giá các cơ chế chính sách trong lĩnh vực nông lâm nghiệp để từ đó tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách tạo động lực cho tái cơ cấu.
Thường trực Ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng nông thôn mới kiểm tra mô hình ớt xuất khẩu tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc
Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ cơ giới hóa tăng cao và phong trào trồng rừng mạnh mẽ đã thu hẹp các bãi chăn thả gia súc. Chính vì vậy đàn đại gia súc trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Tuy nhiên xu hướng giảm chủ yếu trên đàn trâu, còn đàn bò khá ổn định và bắt đầu định hướng sang chăn nuôi hàng hóa. Năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010-2015. Chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua trâu, bò cái sinh sản và trâu bò đực giống.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đã có 1.051 dự án được vay vốn theo chính sách; mua được 1.578 con trâu, bò với tổng kinh phí trên 36,2 tỷ đồng; kinh phí nhà nước hỗ trợ lãi suất gần 2 tỷ đồng. Mặt khác, ngành chuyên môn cũng đã phối hợp đào tạo được 61 truyền tinh viên phục vụ công tác cải tạo đàn bò, đồng thời triển khai dự án “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt tại một số xã của tỉnh Lạng Sơn”. Qua đó đưa chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt có những bước phát triển mới, xuất hiện khá nhiều mô hình điển hình.
Năm 2008, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả giai đoạn 2008-2015. Có thể nói đây là chính sách rất thiết thực, được nhân dân đồng thuận và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ông Nông Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập khẳng định: chính sách đã giải quyết rất kịp thời nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế đồi rừng cho nhân dân. Đến nay đã có trên 2 nghìn dự án được ngân hàng giải ngân với số vốn cho vay hơn 67,3 tỷ đồng. Tổng diện tích cây lâm nghiệp, cây ăn quả trồng được trên 8.000ha. tổng kinh phí ngân sách hỗ trợ lãi suất lên đến trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra các chính sách khác như chính sách xây dựng hệ thống khuyến nông; xây dựng mạng lưới thú y; hỗ trợ rủi ro sau tiêm phòng…đều đã phát huy được những hiệu quả rất tích cực.
Từ năm 2007 đến nay có 6 chính sách phát triển nông lâm nghiệp do UBND tỉnh ban hành vẫn còn hiệu lực. Phải khẳng định là các chính sách này đã tạo động lực không nhỏ cho sự phát triển của sản xuất nông lâm nghiệp trong những năm qua. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những chính sách không còn phù hợp, đồng thời có những chính sách rất phù hợp những hiệu quả lại không đồng đều giữa các huyện trong tỉnh.
Điển hình như chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy chế biến, bảo quản nông lâm sản sau thu hoạch giai đoạn 2008-2015. Đến nay sau hơn 6 năm triển khai, chi có 28 hộ nông dân của 3 huyện tiếp cận với nguồn vốn với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng và kinh phí hỗ trợ lãi suất vỏn vẹn 143 triệu đồng. Nguyên nhân chính là năm 2009, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn, cơ chế ưu đãi hơn chính sách của tỉnh.
Ngoài sự không còn phù hợp của chính sách mua máy chế biến, bảo quản nông lâm sản sau thu hoạch, thì đối với những chính sách đang rất sát thực, hiệu quả lại không đồng đều giữa các huyện trong tỉnh. Điển hình như chính sách hỗ trợ trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả, hiện nay vẫn còn 4 huyện chưa có dự án vay vốn nào. Trong khi đó hơn 88% các dự án vay vốn tập trung ở huyện Đình Lập. Mặc dù tiềm năng chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là đàn bò còn rất lớn ở nhiều huyện, thế nhưng chính sách hỗ trợ phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò lại chỉ có 3 huyện là Chi Lăng, Tràng Định, Hữu Lũng có các dự án vay vốn.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định trong cuộc họp bàn về Chương trình hành động tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp: cơ chế, chính sách là một trong những giải pháp rất quan trọng để triển khai thực hiện. Nhiều đại biểu cho rằng cần đánh giá cụ thể từng chính sách, phân tích hiệu quả và những vấn đề còn tồn tại để kịp thời tham mưu cho tỉnh các chính sách khác phù hợp hơn, sát thực hơn. Chẳng hạn như các chính sách đặc thù khuyến khích, ưu đãi đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp; hỗ trợ thành lập cơ sở sản xuất giống; hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên doanh, liên kết…Đó là những động lực rất quan trong để chương trình tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng giá trị gia tăng đạt được hiệu quả cao.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()