Tái cơ cấu nông nghiệp sẽ tác động đến 25 triệu người làm nông nghiệp
Điều này được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp sơ kết 1 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN).
Bộ trưởng Cao Đức Phát (Ảnh: HNV) |
Thực tế, sau khi vượt ngưỡng sản xuất nông nghiệp chỉ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa định hướng xuất khẩu. Hội nhập quốc tế toàn ngành ngày càng trở nên sâu rộng nên sản xuất nông nghiệp Việt Nam ngày càng chịu tác động mạnh mẽ từ thị trường quốc tế. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu, Bộ NN&PTNT đã đưa ra định hướng và các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) và được toàn ngành cùng các địa phương triển khai ngay trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013. Đến ngày 10/5/2014, đã có 23/63 tỉnh, thành phố đã ban hành đề án (hoặc có kế hoạch hành động) TCCNN của địa phương mình và nhiều địa phương đã triển khai trong thực tiễn.
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết về sự cần thiết của TCCNN hiện nay?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu tới 30% sản lượng gạo, trên 90% cà phê, khoảng 80 – 90% điều và hồ tiêu… Nền nông nghiệp Việt Nam đang rất mở, phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường xuất khẩu, đòi hỏi sản xuất quy mô lớn hơn, hàng hóa có chất lượng cao hơn, độ đồng đều của sản phẩm tốt hơn.
Bây giờ, không phải tính mấy tấn/ha như trước kia nữa mà phải tính bao nhiêu tiền/ha. Sản xuất quy mô nhỏ không còn thích ứng vì chi phí sản xuất quá cao, không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của xuất khẩu. Tuy nhiên, “tư duy số lượng” từ trước đến nay trong thực tế sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chưa thay đổi kịp. Do vậy, thay đổi tư duy, điều quan trọng nhất để chuyển từ nông nghiệp số lượng sang nông nghiệp hiệu quả.
Chính vì lẽ đó, việc thực hiện TCCNN thực sự là cần thiết. Đây có thể xem như là sự thay đổi có tính chất “giường cột” của ngành.
PV: Vậy theo Bộ trưởng, cần triển khai những giải pháp gì để TCCNN đạt được hiệu quả đề ra?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thực tế, trong thời gian qua, việc triển khai Đề án TCCNN chưa đồng bộ, tăng trưởng của ngành và thu nhập cho nông dân còn hạn chế. Do đó, trong 2 năm tới đây (2014-2015), Bộ NN&PTNT sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đưa đề án này vào sâu rộng hơn trong toàn ngành Nông nghiệp.
Theo đó, việc đầu tiên là phải tuyên truyền tạo sự quyết tâm cao trong toàn ngành. Việc TCCNN sẽ có tác động đến 25 triệu người làm nông nghiệp, chính vì vậy phải tạo ra nhận thức chung thống nhất và quyết tâm cao trong toàn ngành. Đây không phải việc ứng phó tình huống mà là việc thay đổi căn bản trong nông nghiệp.
Tiếp đó, việc TCCNN cũng cần được rà soát theo từng lĩnh vực và cụ thể hóa theo lĩnh vực chuyên ngành. Hiện nay, việc cụ thể hóa theo lĩnh vực ở cấp Bộ đã căn bản hoàn thành nhưng ở các địa phương thì chưa đồng bộ. Tính đến thời điểm này, mới chỉ có hơn 20 địa phương có đề án của riêng mình.
Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. Trung ương đã xây dựng danh mục về cơ chế chính sách cho việc TCCNN để địa phương tham khảo nhưng đề nghị các địa phương phải chủ động ban hành chính sách thúc đẩy các hướng mà địa phương đang cần điều chỉnh.
Bên cạnh đó, cần tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN). Việc ứng dụng KHCN cần tạo sự chuyển biến từ trong việc sử dụng nguồn lực trong nghiên cứu, không nghiên cứu manh mún và không có đầu ra cho các đề tài. Nghiên cứu cần gắn với chuyển giao và gắn với đòi hỏi của thực tiễn.
Cùng với đó, cần phát triển các hình thức kinh tế nông nghiệp phù hợp. Ngành lâm nghiệp cần nhanh chóng đổi mới, sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh. Lĩnh vực kinh tế hợp tác cần đi theo 2 hướng là xây dựng các hợp tác xã chuyên ngành và liên kết 4 nhà theo Quyết định 62 của Thủ tướng. Việc liên kết là con đường tất yếu để nông dân thoát cảnh “được mùa mất giá”.
Toàn ngành Nông nghiệp và các địa phương là cần nghiêm túc rà soát điều chỉnh về đầu tư công và có những chính sách cụ thể và hiệu quả để thu hút đầu tư tư nhân vào ngành Nông nghiệp.
Việc đào tạo nghề cho nông dân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được toàn ngành và từng địa phương thay đổi cho hiệu quả hơn. Mỗi xã phải chọn những cây con chủ lực, quy hoạch sản xuất tập trung, thu hút nông dân tham gia sản xuất tại các vùng trọng điểm này và đào tạo tại chỗ luôn.
PV: Đề án TCCNN được xây dựng với triển khai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.Bộ trưởng đánh giá thế nào về định hướng này. Theo Bộ trưởng, từ nay đến cuối 2014 và đầu 2015, các địa phương cần phải triển khai cụ thể như thế nào?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Điều quan trọng để thực hiện Đề án tái cơ cấu đó là môi trường cơ cấu đầu tư và tổ chức. Ngay cả cơ cấu đầu tư trong nghiên cứu khoa học cũng được điều chỉnh theo hướng tập trung cao độ để tạo chuyển biến trên thực tế đối với những lĩnh vực trọng tâm của ngành, phát huy cao hơn những lợi thế của ngành.
Định hướng lớn của tái cơ cấu là chuyển từ phát triển chủ yếu về số lượng đẩy mạnh sang phát triển về chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả, mục tiêu cụ thể của năm 2013 là tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành từ 13% trở lên.
Đặc biệt, trong 2 năm 2014-2015, cần thiết phải đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG Nông thôn mới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế và và làm chuyên nghiệp hơn khâu thị trường. Tất nhiên, cũng cần chú ý tới việc kiện toàn bộ máy, tổ chức và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ tái cơ cấu hiệu quả. Riêng giai đoạn, từ nay đến cuối 2014 cũng như đầu 2015, các địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trên địa bàn của mình, phát huy cao hơn lợi thế, phù hợp với tình hình của từng địa phương, phổ biến trong hệ thống và tới bà con nông dân tạo sự đồng thuận và quyết tâm triển khai tái cơ cấu
PV: Vậy Đề án có tính tới phương án tăng thu nhập cho bà con nông dân, tránh đầu tư dàn trải?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đúng như vậy, đối với từng tỉnh, huyện, xã, cần xác định rõ cây trồng, vật nuôi nào là lợi thế và tập trung cao độ trong 1-2 năm tới vào hoàn thiện làm cây trồng vật nuôi đó phát huy hiệu quả, thực sự mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho bà con nông dân.
Ngoài ra, cũng cần phải thấy chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” là một hướng đi đúng trong nông nghiệp. Trên cơ sở đó, cần tập trung phát huy lợi thế chuyển dịch sản phẩm nông nghiệp, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, có như vậy mới cạnh tranh thành công và mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho bà con nông dân và đất nước.
PV: Trong TCCNN, ngành nhấn mạnh nhiều tới lĩnh vực thủy sản? Bộ trưởng nhận định cụ thể như thế nào về tái cơ cấu thủy sản trong tổng thể chung TCCNN?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trước hết, chúng tôi xác định thủy sản là ngành mũi nhọn và nhiều tiềm năng của đất nước. Trong điều chỉnh cơ cấu các ngành của NN&PTNT, chúng tôi chủ trương tập trung cao hơn, phát huy lợi thế về thủy sản. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng chính sách ưu đãi cao nhất cho thủy sản, đặc biệt chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác trên biển vừa phát triển kinh tế, đồng thời bảo vệ độc lập chủ quyền trên biển của đất nước chúng ta.
Hiện, chúng tôi đang dự kiến đề xuất Chính phủ tăng cường và có chính sách ưu đãi cao về tín dụng để ngư dân hiện đại hóa đội tàu cá, tăng cường đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đánh bắt trên biển của ngư dân.
Hướng chính là khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ, áp dụng phương tiện hiện đại hơn để đạt hiệu quả cao hơn và để giúp ngư dân thực hiện chủ trương đó đề xuất Chính phủ có chính sách ưu đãi hơn về tín dụng, đồng thời hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trên bờ hỗ trợ ngư dân đánh bắt an toàn và hiệu quả
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()