Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM ở Bắc Sơn: Kết quả nổi bật
(LSO) – Từ những lợi thế về đất đai, điều kiện khí hậu, năng lực sản xuất của người dân, huyện Bắc Sơn xác định muốn tái cơ cấu kinh tế thành công trước tiên phải thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do vậy, trong thời gian qua, Bắc Sơn nổi lên là huyện triển khai tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bài bản, tạo được sức lan tỏa, thu hút người dân tham gia có hiệu quả.
Thực hiện Chương trình hành động số 30/CTr-UBND, ngày 10/11/2014 của UBND tỉnh về thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Sơn đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó, xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề về tích tụ đất đai để từng bước hình thành các khu, vùng sản xuất nông nghiệp thế mạnh, chiến lược. Đồng thời, huyện đẩy mạnh truyền thông lồng ghép với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia khác tại tất cả thôn bản; phát động phong trào thi đua sản xuất giỏi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn và liên kết doanh nghiệp tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, nhận thức của đảng viên, người dân về tái cơ cấu nông nghiệp được nâng lên, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi có bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa.
Phát triển chăn nuôi bò thịt, huớng đi mới trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Bắc Sơn
Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 17-NQ/HU, ngày 10/8/2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tích tụ đất đai, đến nay, toàn huyện hoàn thành rà soát quỹ đất, các xã hoàn thành rà soát xây dựng xong quy hoạch tích tụ đất đai dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân. Tổng diện tích đất người dân sẵn sàng liên kết với doanh nghiệp để thực hiện các dự án nông nghiệp lên tới gần 1.000 ha. Trong đó, nhiều xã triển khai thực hiện có hiệu quả như: Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Long Đống, Trấn Yên, Tân Thành, Chiến Thắng, Vũ Sơn, Đồng Ý, Tân Lập, Tân Hương, Vũ Lăng.
Một số dự án đang được liên kết thực hiện bài bản như: dự án trồng cây cam, chanh leo tại xã Tân Hương quy mô gần 100 ha; dự án trồng hoa phát triển du lịch sinh thái tại xã Trấn Yên với diện tích 30 ha…
Từ những dự án này, đã tạo được sức lan tỏa, thu hút người dân đầu tư sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch sinh thái tại khu vực nông thôn theo hướng nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích. Điển hình như: mô hình trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với du lịch sinh thái vườn cây ăn quả tại xã Chiến Thắng, mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Hữu Vĩnh, cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại các xã: Bắc Sơn, Quỳnh Sơn với diện tích trên 80 ha.
Có một điểm đáng chú ý là trong quá trình triển khai tái cơ cấu, huyện Bắc Sơn đã khai thác tối đa thế mạnh về các loại cây nông sản đặc sản chủ lực chiến lược của địa phương để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Theo đó, các nhóm sản phẩm nông sản được tập trung đầu tư phát triển cả về quy mô diện tích và chất lượng sản phẩm trong thời gian qua như: quýt vàng, lúa nếp cái hoa vàng, lạc. Nhóm cây dược liệu đang tập trung quy hoạch thu hút đầu tư như: cà gai leo, cỏ ngọt, cây sa chi. Riêng cây cà gai leo và sa chi hiện đang triển khai tại các xã: Hữu Vĩnh, Quỳnh Sơn với diện tích gần 20 ha đang phát triển tốt. Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhiều xã tập trung nuôi gia súc lớn theo hướng bán chăn thả có hiệu quả như các xã: Tân Hương, Chiến Thắng, Trấn Yên, Long Đống, Vũ Lăng, Hưng Vũ…
Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện có hiệu quả đã giúp đời sống người dân được nâng cao, năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 18,9 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2017 tăng lên 32 triệu đồng/người/năm và dự kiến năm 2018 đạt 36 triệu đồng/người/năm. Theo thống kê của huyện, từ năm 2013 đến 2017, trong số 5 loại cây trồng chủ lực có tới 4 loại cây trồng đều tăng về diện tích và sản lượng, chất lượng gồm: cây lúa, ngô, lạc, quýt, (chỉ duy nhất diện tích thuốc lá là giảm mạnh). Lĩnh vực trồng rừng, chăn nuôi cũng tăng về tổng đàn và diện tích trồng rừng mới.
Ông Tô Bắc Thái, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Bắc Sơn có bước chuyển rõ nét cả về chất và lượng. Đến thời điểm này, Bắc Sơn là huyện có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất tỉnh, theo kế hoạch hết năm 2018, huyện có 6 xã đạt chuẩn và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 9/20 xã đạt chuẩn.
Ý kiến ()