Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Hữu Lũng: Tập trung nâng cao giá trị cây ăn quả
(LSO) – Những năm gần đây, cùng với việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, huyện Hữu Lũng còn triển khai các giải pháp nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Từ đó, giá trị cây ăn quả được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trong những năm qua, phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Hữu Lũng phát triển mạnh mẽ. Chỉ riêng từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã trồng mới được hơn 430 ha cây ăn quả các loại gồm: na, táo đại, cam, bưởi, dứa…
Không chỉ nhân rộng về diện tích, để nâng cao giá trị cây ăn quả, huyện Hữu Lũng còn tập trung sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…). Trong đó nổi bật nhất là phát triển cây na.
Mô hình trồng cây ăn quả của HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Cai Kinh
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Cây na được trồng trên địa bàn 9 xã của huyện với tổng diện tích khoảng 1.500 ha. Xác định cây na là một trong những cây ăn quả thế mạnh của huyện trong những năm qua, phòng chuyên môn đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trung bình mỗi năm, phòng phối hợp tổ chức được 20 lớp tập huấn với trên 1.000 lượt người tham gia. Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật, Nhà nước còn hỗ trợ thêm vật tư để phục vụ sản xuất. Chỉ trong 3 năm (2017 – 2020), trên địa bàn huyện đã có 242,5 ha na được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và 35 ha na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Việc sản xuất na theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt được người dân tích cực hưởng ứng tham gia và đã đạt được những kết quả tích cực. Chị Đỗ Thị Sao, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông lâm nghiệp xã Cai Kinh cho biết: Gia đình tôi có khoảng 450 cây na được trồng từ 10 năm về trước. Năm 2018, gia đình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ na năm 2019, sản lượng na của gia đình được 7,5 tấn, giá trung bình bán được từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg, tổng thu nhập được khoảng 300 triệu đồng, thu nhập cao hơn 15% so với trước khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ na năm 2020, dự kiến sản lượng và năng suất cao hơn năm 2019.
Ngoài cây na, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng còn có một số mô hình trồng cây ăn quả khác theo tiêu chuẩn VietGAP như: bưởi, táo đại, dứa, cam, nhãn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Báo, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất cây ăn quả thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến cho biết: Năm 2018, hợp tác xã bắt đầu sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 25 ha. Từ khi sản xuất theo hướng VietGAP, cộng với diện tích bưởi cho thu hoạch ngày một tăng giúp giá trị cây bưởi của hợp tác xã tăng lên từ 1,5 đến 2 lần. Hai năm trở lại đây, hợp tác xã có thêm hàng chục hộ thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm từ cây ăn quả.
Cùng với 2 trường hợp kể trên, từ năm 2018 đến nay, nhiều hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Cụ thể, đến nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện là 4.838 ha, trong đó có 442,5 ha cây ăn quả được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Bên cạnh tập trung trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, để nâng cao giá trị cây ăn quả, huyện Hữu Lũng còn tập trung hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm như: xây dựng nhãn hiệu tập thể “quả tươi Hữu Lũng”, hỗ trợ tem nhãn truy xuất nguồn gốc, bao bì; quảng bá sản phẩm thông qua ngày hội hoa quả tươi cũng như quảng bá, trưng bày sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh…
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của huyện, sự chủ động vào cuộc của người dân, các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Hữu Lũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định hơn cho người dân. Hiện nay, giá trị cây ăn quả mang lại trên địa bàn huyện tăng từ 15 – 20% so với năm 2017. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Cụ thể năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 32 triệu đồng/người/năm thì dự kiến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 45 triệu đồng/người/năm. Đến nay, trung bình mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 11,78 tiêu chí nông thôn mới, tăng gần 2 tiêu chí/xã so với năm 2017.
Ý kiến ()