Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Điểm sáng Chi Lăng
(LSO) – Trong những năm qua, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn huyện Chi Lăng đã đạt được những kết quả rõ nét giúp huyện trở thành điểm sáng của cả tỉnh về thực hiện công tác này.
Ngày 27/7/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chi Lăng đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/HU về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM. Để triển khai thực hiện, UBND huyện đã ban hành Chương trình 16/CTr-UBND ngày 30/9/2016 về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM huyện Chi Lăng giai đoạn 2016 – 2020. Ông Vi Nông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Để triển khai có hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình. Yêu cầu cơ sở tích cực tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân sang phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa…
Người dân xã Chi Lăng thu hoạch ổi
Từ sự chỉ đạo sát sao của huyện, các xã, thị trấn đã tích cực triển khai tái cơ cấu nông nghiệp nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng, đặc biệt là tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt. Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Sau những nỗ lực triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM, xã đã đạt những kết quả tích cực, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 130 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả toàn xã lên 600 ha. Ông Hoàng Văn Nhị, thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng cho biết: Nhờ chuyển đổi 7 sào đất trồng lúa sang trồng ổi, những năm gần đây, gia đình tôi thu từ 100 đến 120 triệu đồng/năm, cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Tương tự xã Chi Lăng, việc tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt cũng được nhiều xã tập trung triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh việc trồng mới khoảng 400 ha cây ăn quả, từ năm 2016 đến nay, một số loại cây trồng khác cũng được mở rộng diện tích và hình thành các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện Chi Lăng có vùng trồng na với diện tích trên 1.800 ha; vùng nguyên liệu thuốc lá gần 800 ha; vùng trồng ớt xuất khẩu trên 500 ha; vùng trồng lạc trên 500 ha; vùng trồng hồi trên 1.400 ha…
Cùng với chuyển đổi, mở rộng diện tích một số loại cây trồng thế mạnh, cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng còn tập trung chỉ đạo nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình như sản phẩm na, huyện đã triển khai thực hiện xây dựng vùng sản xuất na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây; tăng cường quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm (3 năm: 2017, 2018, 2019 tổ chức thành công ngày hội na Chi Lăng)… Qua đó, năng suất, chất lượng, giá trị quả na ngày một nâng lên.
Bên cạnh trồng trọt, việc tái cơ cấu trong các lĩnh vực lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản… cũng đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả XDNTM chung trên địa bàn huyện. Đến nay, trung bình mỗi xã trên địa bàn huyện đạt 12,06 tiêu chí, toàn huyện có 6/18 xã đạt chuẩn NTM (giảm 1 xã so với năm 2019 do xã Quang Lang sáp nhập vào thị trấn Đồng Mỏ); trong đó, xã Chi Lăng được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Với những kết quả đạt được, Chi Lăng tiếp tục trở thành điểm sáng trong việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()