Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Chi Lăng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm
(LSO) – Trong những năm qua, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Chi Lăng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Trước đây, kinh tế của người dân trên địa bàn xã Mai Sao chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô, lúa. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên hiệu quả kinh tế thấp, thiếu ổn định. Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, những năm gần đây, người dân xã Mai Sao đã lựa chọn cho mình những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và được nhân rộng nhanh chóng.
Ông Trịnh Quốc Hương, Chủ tịch UBND xã Mai Sao cho biết: Thay vì chỉ tập trung vào cây lúa như trước, những năm gần đây, người dân bắt đầu trồng thêm một số loại cây mới. Trong đó nổi bật như: cây ớt với diện tích khoảng 48 ha; na trên 35 ha; bưởi trên 3,5 ha… Không chỉ trồng ở đất đồi, núi, một số hộ dân mạnh dạn đưa cây na xuống trồng ở chân ruộng trồng lúa không hiệu quả với diện tích ban đầu khoảng 1,5 ha. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp người dân trong xã nâng cao thu nhập, cụ thể: năm 2018, thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm, tăng 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2017.
Người dân thôn Mạn Đường B, xã Mai Sao phát triển kinh tế từ mô hình nuôi thỏ
Tương tự Mai Sao, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Vạn Linh đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn xã mở rộng thêm được một số mô hình sản xuất hiệu quả như: mô hình trồng quýt, na, thuốc lá. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Ví dụ như cách đây khoảng 3 – 4 năm, chăn nuôi của các hộ dân nhỏ lẻ thì hiện nay, xã đã xây dựng được những mô hình chăn nuôi tập trung, tiêu biểu như mô hình nuôi gà vàng, lợn, trâu bò… Hiện nay, tổng đàn trâu bò trên địa bàn xã duy trì trên 3.600 con; đàn gàn trên 60.000 con, tăng gấp đôi so với cách đây 4 năm.
Cùng với 2 xã Mai Sao và Chi Lăng, trong những năm qua, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên địa bàn huyện Chi Lăng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Để triển khai thực hiện, ngày 27/7/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 25, UBND huyện ban hành Chương trình số 16/CTr-UBND về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, huyện đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp có thế mạnh tập trung tại các xã, thị trấn như: vùng nguyên liệu thuốc lá; vùng lạc; vùng ớt; vùng na; vùng hồi; vùng thông; vùng keo, bạch đàn. Các lĩnh vực nông nghiệp cũng được cơ cấu lại. So với năm 2013, diện tích một số cây trồng có xu hướng giảm như: khoai lang, sắn do chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như: na, bưởi và trồng rừng. Hiện nay, diện tích na trên địa bàn huyện trên 1.530 ha, sản lượng bình quân đạt 15 tấn/ha/năm.
Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản… cũng được tái cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tập trung vào cây, con giống phát huy thế mạnh địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu như: bạch đàn, keo, thông, trâu, bò, dê, ngựa, lợn…Việc tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó góp phần quan trọng vào xây dựng NTM. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo bình quân khu vực nông thôn giảm khoảng 2%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 là 28 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2013. Năm 2013, bình quân mỗi xã trên địa bàn đạt 4,95 tiêu chí nông thôn mới thì ước hết năm 2018, trung bình mỗi xã đạt 11,32 tiêu chí.
Ý kiến ()