Tái cơ cấu nông nghiệp các tỉnh trung du, miền núi phía bắc
Với diện tích tự nhiên hơn 10,14 triệu ha, chiếm 30,3% diện tích cả nước, nhưng vùng trung du miền núi phía bắc (TDMNPB) hiện vẫn là nơi khó khăn nhất, với tỷ lệ hộ nghèo gấp đôi bình quân cả nước. Vậy có cách nào để phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần giúp người dân thoát nghèo.
Khắc phục khó khăn
Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình có địa hình cao dốc, chia cắt, khí hậu thời tiết đa dạng lại diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng rét đậm và sương muối… đang là những trở ngại lớn. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người là 0,13 ha, đất lâm nghiệp là 0,49 ha, trong khi khả năng mở rộng hạn chế đã cản trở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là thực hiện công nghiệp hóa trong nông nghiệp. Tài nguyên rừng đang ngày càng suy kiệt do tình trạng phá rừng, phát triển thủy điện ồ ạt đe dọa tới nguồn nước và ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế – xã hội và môi trường của toàn vùng.
Dân cư trong vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ văn hóa chưa cao, nhận thức hạn chế, năng lực kinh doanh, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành sản phẩm cao. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn của các địa phương trong vùng còn chậm chuyển đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường, sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp. Trong khi đó việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn ở mức thấp so với yêu cầu phát triển, nhất là việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ hiện đại trong tạo giống cây trồng, bảo quản, chế biến sau thu hoạch… do đó chi phí sản phẩm cao, tính cạnh tranh hạn chế.
Khai thác lợi thế
Cũng như nhiều vùng quê khác trong cả nước, cơ cấu nông nghiệp của vùng TDMNPB cơ bản vẫn tập trung vào những loại cây chủ lực có lợi thế là lúa, ngô, sắn và cây chè. Trong đó sản xuất lúa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vì sự an toàn lương thực của toàn vùng. Những năm qua nhiều loại giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã được áp dụng vào sản xuất, như các giống lúa thuần cực ngắn ngày, nhưng cho năng suất, chất lượng gạo khá ngon, chống chịu sâu bệnh, ngoài ra các tỉnh TDMNPB còn phát triển nhanh giống lúa chất lượng như Nếp Tú Lệ, Nàng Hương (Yên Bái), nếp Râu, tẻ Già Dui, Khẩu Mang (Hà Giang); Shén Cù (Lào Cai),… Hay các giống lúa chịu hạn như CH207 và CH208, cho các vùng thiếu nước tưới và một số giống lúa cạn thích hợp cho vùng nước trời như LC93-1; CIRAD 141, các giống lúa lai 2, 3 như HYT 100, HYT 92, HYT 83, HYT 102, HYT 103, HYT 108, HYT 106. Cho năng suất 7,0-8,0 tấn/ha, chất lượng gạo tốt, lại chống chịu đạo ôn và bạc lá, có thể gieo trồng cả hai vụ trong năm.
Xuất phát từ phong tục tập quán địa phương, tỉnh nào cũng trồng ngô, lương thực chính của một số dân tộc vùng cao như H'mông, Dao, Nùng,… Sản xuất ngô ở vùng này có thể chia làm hai vùng chính: vùng ngô Ðông Bắc và vùng ngô Tây Bắc. Ðặc biệt những năm qua sản xuất ngô hàng hóa phát triển mạnh ở Ðiện Biên, Sơn La và Hòa Bình.
Trong những năm qua, với lợi thế của vùng, cây chè được phát triển mạnh, hiện chiếm hơn 51% tổng diện tích chè cả nước, với 19 giống chè mới có năng suất, chất lượng đã và đang phổ biến trong sản xuất. Nhờ vậy nhiều địa phương đã hình thành những vùng sản xuất chè lớn như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ…
Mặc dù sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển, nhưng so với mặt bằng chung cả nước, kinh tế toàn vùng TDMNPB vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài chè với diện tích gần 100 nghìn ha, hằng năm cho sản lượng gần 600 nghìn tấn (chiếm hơn 51% diện tích và 65% sản lượng chè cả nước), thì các sản phẩm được coi là chủ yếu trong vùng như lúa chỉ chiếm gần 10%; ngô 36%; sắn 15%… Ðây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng cao nhất cả nước.
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp
Ðể bảo đảm an ninh lương thực cho vùng, tạo nguồn thu nhập và lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản, góp phần xóa đói, giảm nghèo, các ngành chức năng cần phối hợp các tỉnh TDMNPB đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lượng, chất, mẫu mã sản phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lựa chọn cây trồng, vật nuôi, dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh của từng tiểu vùng (đồng bằng, trung du, đồi núi), phù hợp với điều kiện của mỗi tiểu vùng phát triển nông sản đặc sản.
Chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi, các cây trồng, vật nuôi có giá trị, có lợi thế: lúa đặc sản, rau, hoa, cây công nghiệp ngắn ngày (chè, cà-phê, cây ăn quả, mía), chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ðồng thời tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lao động theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp. Ðầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống và mở mang thêm ngành nghề mới. Trong đó, ưu tiên những ngành nghề có lợi thế về nguyên liệu, kỹ năng sản xuất, có khả năng cạnh tranh, những ngành nghề thu hút nhiều lao động, có khả năng áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường và các hoạt động du lịch thương mại.
Ðầu tư xây dựng công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, gắn liền với xây dựng chợ và các trung tâm thương mại, dịch vụ ở nông thôn. Từng bước hiện đại công nghệ sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học để tạo ra và nhân giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, nhất là sử dụng các giống có ưu thế lai, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()