Tái cơ cấu nông nghiệp
LSO-Những năm gần đây, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Đến nay, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Đại biểu tham quan gian hàng nông sản của huyện Chi Lăng tại Ngày hội na năm 2017 |
Nhằm xây dựng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, ngày 27/7/2016, Đảng bộ huyện Chi Lăng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/HU về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, Chi Lăng đã lựa chọn và đẩy mạnh phát triển các loại cây, con chủ lực theo phương châm khai thác và phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương. Sau một năm thực hiện, ngành nông nghiệp của huyện đã có chuyển biển tích cực.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Tính đến tháng 9/2017, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng nông nghiệp hàng năm đạt khoảng 11.205 ha, tăng 0,05% so với kế hoạch năm. Người dân đã chủ động chuyển đổi những diện tích đất lúa hiệu quả thấp, không chủ động về nguồn nước, sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cây công nghiệp ngắn ngày đã đạt diện tích 1.240 ha, tăng 48,95 % so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 14,18% so với kế hoạch.
Một thành công lớn của huyện Chi Lăng là đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: vùng Na xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang; vải thiều ở xã Quan Sơn; vùng hồi ở xã Gia Lộc, Thượng Cường; vùng cây có múi tại xã Chi Lăng, Quang Lang, Y Tịch… Tổng diện tích cây ăn quả các loại của toàn huyện là 3.100 ha. Phát triển các loại cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hướng tới xuất khẩu, sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trong đó, cây na đã và đang trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện. Năm 2016, diện tích na toàn huyện là 1.500 ha, sản lượng na đạt 15.000 tấn, giá bình quân 20.000 đồng/kg, giá trị kinh tế đạt khoảng 300 tỷ đồng. Đến năm 2017, sản lượng đã tăng lên 15.500 tấn, giá bình quân đạt khoảng 30.000 đồng/kg và giá trị kinh tế ước đạt 465 tỷ đồng.
Hiệu quả từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chi Lăng đã giúp đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Đến thời điển hiện tại, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 18 triệu đồng/năm, tăng 2 triệu đồng so với năm 2016. Huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2016 – 2020 đạt 10 – 12%, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 100 triệu đồng/ha. Cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2030 chiếm 30%.
Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; sử dụng linh hoạt diện tích đất canh tác, cơ cấu diện tích lúa hợp lý, duy trì sản lượng lương thực đạt từ 34 nghìn tấn trở lên; phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của từng vùng. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là giống, biện pháp canh tác, thu hoạch, chế biến, bảo quản nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao thu nhập.
ANH DŨNG
Ý kiến ()