Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Phát triển bền vững, giá trị gia tăng
(LSO) – Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển nhanh và bền vững, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn, đã có thời điểm nông nghiệp được coi là “trụ đỡ”, tạo sự phát triển ổn định để thúc đẩy các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh phát triển. Đó là hiệu quả rõ nét từ việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ thiên tai, dịch bệnh, nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 2,09%. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng ở mức 3,06%, cao hơn tăng trưởng của tất cả các ngành kinh tế khác. Với tỷ trọng chiếm trên 23% trong cơ cấu kinh tế, mỗi điểm phần trăm tăng trưởng của ngành nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với tăng trưởng chung của tỉnh.
Đây không phải là kết quả của những giải pháp tức thời trong năm 2020 mà là kết quả của cả một quá trình triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân.
Mô hình trồng nấm tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Ảnh: ĐÌNH QUYẾT
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đây là định hướng quan trọng, từ quan điểm, mục tiêu đến nội dung và các giải pháp triển khai thực hiện. Từ định hướng tổng quát ấy, đầu tháng 11/2014, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các chương trình cụ thể, từ phát triển sản phẩm chủ lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn đầu tư công, đến nâng cao hiệu quả của hệ thống dịch vụ nông nghiệp, đào tạo nhân lực…
Đây là bước cụ thể hóa ban đầu để các cấp, ngành hình dung được những nhiệm vụ cụ thể trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngày 29/6/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong năm chương trình trọng tâm. Ngay sau đó, ngày 15/7/2016, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 22 về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020. Đây là bước cụ thể hóa tiếp theo, cũng vẫn những chương trình ấy, nhưng mục tiêu, giải pháp đã cụ thể hơn theo hướng rõ việc, rõ đầu mối thực hiện, rõ địa bàn triển khai…
Thực hiện chương trình, các cấp, ngành đã tích cực nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Theo đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách vay vốn và hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ, nhóm hộ đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Qua 5 năm, đã có trên 78 nghìn tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất gần 40 tỷ đồng.
Cùng với xây dựng các cơ chế chính sách, UBND tỉnh chỉ đạo ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong 5 năm qua, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức trên 6,7 nghìn lớp tập huấn kỹ thuật với gần 260 nghìn lượt người tham dự. Nội dung chủ yếu tập trung vào hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, ngành chuyên môn nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn 40 đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác bình tuyển cây đầu dòng các cây trồng chủ lực, đặc sản địa phương như: na, hồng, đào… phục vụ nhu cầu cây giống cho người dân; quan tâm xây dựng và phát triển các vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn tiên tiến, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 1,3 nghìn héc-ta các lại cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường các sản phẩm chủ lực của tỉnh được các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh. Một mặt, tỉnh tranh thủ giới thiệu tiềm năng về sản xuất nông nghiệp và các nông sản đặc sản đến các đoàn công tác nước ngoài thăm và làm việc tại Lạng Sơn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… Qua đó, vận động nguồn tài trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xúc tiến mở rộng hợp tác với các đối tác này. Mặt khác, ngành chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh đăng ký tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình giới thiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, hội chợ nông nghiệp quốc tế… để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.
Song song với các giải pháp đó, kết cấu hạ tầng thiết yếu cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã mở mới và bê tông hóa được trên 2,2 nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn với kinh phí trên 600 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp gần 200 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 76/181 xã đạt tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cũng trong 5 năm qua, với nguồn vốn trên 530 tỷ đồng, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được hàng trăm công trình thủy lợi, nâng tổng số công trình kiên cố hóa đến nay lên trên 2,6 nghìn công trình; gần 1,4 nghìn ki-lô-mét kênh mương được kiên cố hóa, chiếm tỷ lệ 50,62%; có 73,6% diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động được nước tưới… Đó là những yếu tố góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đó, trong 5 năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch mạnh theo hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng cây ăn quả tại Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn; vùng gỗ nguyên liệu như: Đình Lập, Lộc Bình; vùng trồng hồi ở Văn Quan, Cao Lộc; vùng trồng thạch đen ở Tràng Định, Bình Gia… Toàn tỉnh đã xây dựng được 5 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng 12 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 8 sản phẩm 3 sao.
Trong sản xuất đã hình thành các mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã từ các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 20 doanh nghiệp hợp đồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nhà nông; 58 hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất với hộ gia đình. Những mối liên kết xuất hiện ngày càng nhiều góp phần rất lớn thúc đẩy việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất và thay đổi tư duy sản xuất của nhà nông, đó là: sản xuất những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất và cung cấp những thứ mình có.
Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp không ngừng tăng lên theo từng năm, đến năm 2020, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, tăng 1,37 lần so với năm 2015. Trong đó, giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực đạt trên 8,4 nghìn tỷ đồng chiếm 62,1% tổng giá trị sản xuất toàn ngành, vượt 12,1% so với mục tiêu Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra.
Giá trị sản xuất tăng không phải là tức thời ở từng thời điểm mà tăng theo hướng bền vững. Ví như trong lĩnh vực chăn nuôi, trong năm 2019 và 2020, lĩnh vực này chịu tác động nhiều nhất do dịch bệnh, nhưng với những chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh và hướng chuyển dịch hợp lý, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 vẫn đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015. Giờ đây xu hướng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang ngày càng phát triển theo xu hướng chăn nuôi với quy mô lớn, đầu tư bài bản, áp dụng kỹ thuật cao từ đó hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được xác định là một trong năm chương trình trọng tâm trong Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tuy nhiên, nếu như khóa trước xác định là “Thực hiện” thì Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII xác định là “Đẩy mạnh thực hiện”. Sự phát triển, bổ sung này có ý nghĩa rất quan trọng, nếu như giai đoạn trước, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, tạo nền tảng, thì giai đoạn này việc triển khai sẽ được thực hiện quyết liệt hơn, với quyết tâm lớn hơn.
Với những hướng đi, giải pháp hợp lý, sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã không ngừng gia tăng về giá trị và ngày càng bền vững hơn. Đây là nền tảng quan trọng để các cấp, ngành tiếp tục triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân, xây dựng nông thôn mới; tạo sự phát triển ổn định, bền vững, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
“Để tạo bước chuyển nhanh hơn, bền vững hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sản xuất. Trong đó tập trung phát triển sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và kết nối với thị trường tiêu thụ; xây dựng vùng nguyên liệu, cây ăn quả, nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tận dụng tối đa mặt nước hiện có để mở rộng diện tích nuôi các loại cá truyền thống; quan tâm đầu tư, mở rộng mô hình nuôi cá lồng tại các địa phương có tiềm năng”. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Ý kiến ()