Tái cơ cấu ngành nông nghiệp - lời giải cho phát triển bền vững
Hơn 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là vào năm 2011 xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.Tuy nhiên, hiện nông nghiệp, nông thôn đang bộc lộ những điểm yếu: tăng trưởng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm... Vì thế, tất yếu cần có sự đổi mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm tạo ra những chuyển biến theo hướng nâng cao giá trị cạnh tranh và phát triển bền vững.Định hướng tái cơ cấu trong nông nghiệpVới nông nghiệp, quan trọng nhất là tái cấu trúc sử dụng nguồn lực về đất đai, vốn đầu tư. Tái cấu trúc nông nghiệp không thể không bắt đầu bằng bố trí lại sử dụng không gian nông nghiệp để bảo đảm cho sự phát triển hài hòa giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, đô thị, biến đổi khí hậu, quá trình toàn cầu hóa, gắn với sự phát triển xã hội nông thôn. Một nền nông nghiệp mới, cần...
Hơn 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là vào năm 2011 xuất khẩu nông sản đạt 25 tỷ USD, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, hiện nông nghiệp, nông thôn đang bộc lộ những điểm yếu: tăng trưởng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm… Vì thế, tất yếu cần có sự đổi mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm tạo ra những chuyển biến theo hướng nâng cao giá trị cạnh tranh và phát triển bền vững.
Định hướng tái cơ cấu trong nông nghiệp
Với nông nghiệp, quan trọng nhất là tái cấu trúc sử dụng nguồn lực về đất đai, vốn đầu tư. Tái cấu trúc nông nghiệp không thể không bắt đầu bằng bố trí lại sử dụng không gian nông nghiệp để bảo đảm cho sự phát triển hài hòa giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, đô thị, biến đổi khí hậu, quá trình toàn cầu hóa, gắn với sự phát triển xã hội nông thôn. Một nền nông nghiệp mới, cần được định dạng trên nhiều cấp độ, mô hình phát triển, có sự đa dạng hóa phù hợp vùng, miền, trình độ phát triển kinh tế – xã hội từng địa phương.
Vậy đâu là vùng nông nghiệp lõi, vĩnh viễn, ổn định lâu dài, chỉ để làm nông nghiệp, để các doanh nghiệp, nông dân yên tâm đầu tư hết khả năng. Nhà nước khi đầu tư hỗ trợ nông nghiệp vào đây sẽ không bị lãng phí. Ngoài vùng lõi, đất nông nghiệp lâu dài hơn 50 năm hoặc vĩnh viễn, chúng ta có thể xác định vùng nông nghiệp có thể chuyển đổi sang đô thị, công nghiệp, dịch vụ trong tương lai và chính sách nông nghiệp, nông dân, đất đai, khoa học công nghệ (KHCN)… cho hai vùng này hoàn toàn khác nhau. Tái cấu trúc trong sử dụng không gian, sẽ định hướng cho tái cấu trúc đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, bảo đảm hiệu quả, an toàn, ít rủi ro cho đầu tư.
Trong tái cấu trúc nông nghiệp, cần làm rõ các mô hình nông nghiệp tương lai trong tái cấu trúc gắn với các vùng, miền, xã hội và dân tộc. Những vùng này, cần thúc đẩy mạnh tích tụ đất đai, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, đưa những tiến bộ KHCN mới, để phát triển các chuỗi giá trị cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đâu là vùng sản xuất nông nghiệp ven đô, mô hình nông nghiệp đô thị thế nào, chính sách đất đai, đầu tư, KHCN ra sao để doanh nghiệp và nông dân yên tâm đầu tư. Vùng nông nghiệp ven đô nào sẽ ổn định lâu dài trong tương lai gắn với đô thị, trở thành nơi sản xuất nông nghiệp, đào tạo, du lịch. Những điều này hiện nay đều chưa rõ ở các thành phố lớn, cho nên cần làm rõ trong quá trình tái cấu trúc. Đâu là vùng nông nghiệp, cần đa dạng hóa, bảo đảm việc làm, thu nhập phần lớn cho cư dân nông thôn, là nơi mà công nghiệp dịch vụ chưa đủ sức rút lao động ra khỏi nông nghiệp. Những vùng này, dựa trên tổ chức sản xuất các hộ sản xuất nhỏ và vừa, các chuỗi giá trị ngắn cho thị trường nông thôn, đô thị nhỏ và một phần cho đô thị lớn. Và một vùng sản xuất nông nghiệp khác, đó là vùng sản xuất nông nghiệp đặc thù gắn với vùng đồng bào các dân tộc, biên giới, hải đảo, cần có sự hỗ trợ lớn hơn của Nhà nước. Khi làm rõ các vùng nông nghiệp trong tái cấu trúc, chúng ta sẽ xây dựng được chính sách đa dạng về đất đai, đầu tư, tổ chức sản xuất, KHCN… cho từng vùng nông nghiệp.
Tái cấu trúc theo từng ngành hàng: Việc sắp xếp, tổ chức lại từng ngành hàng rất quan trọng, bảo đảm cho định hướng nguồn lực, chính sách trong hỗ trợ, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước. Với các ngành hàng hiện nay, tái cấu trúc cần bảo đảm tăng giá trị gia tăng cho nông dân, tạo nhiều việc làm, tăng khả năng cạnh tranh, gắn với nâng cao quản lý chất lượng. Trong từng ngành, việc định hướng phát triển các hệ thống sản xuất như cơ cấu giống, quy trình canh tác… cần được xác định rõ với ưu tiên chính sách.
Tái cấu trúc theo tác nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp: Trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta chưa chú ý hơn tới chính sách đa dạng xây dựng tác nhân nông nghiệp cho từng vùng, miền. Cần làm rõ vai trò và định hướng phát triển, tổ chức sản xuất của hộ nông dân quy mô lớn, quy mô nhỏ, hợp tác xã, nông, lâm trường quốc doanh. Đặc biệt, mô hình phát triển nông, lâm trường quốc doanh thành các công ty cổ phần đang bị biến tướng, không hiệu quả, cần được cải tổ. Ở các vùng sản xuất lớn, cần định hướng xây dựng vùng sản xuất có cấp phép gắn với các điều kiện sản xuất như môi trường, bảo hiểm, tài chính minh bạch, tôn trọng hợp đồng… để xây dựng một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Tại các vùng này, cần xây dựng các tổ chức nông dân mạnh, liên huyện, cấp vùng để bảo vệ quyền lợi nông dân, như các hiệp hội trang trại nông dân nuôi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long, hay có thể xây dựng hiệp hội trang trại cà-phê vùng Tây Nguyên. Các vùng sản xuất trình độ thấp hơn, cần hình thành các hợp tác xã, hiệp hội cho sản xuất nhỏ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, khó khăn có thể tham gia quá trình tái cấu trúc nông nghiệp. Những vùng này, Chính phủ có chính sách mang tính chất hỗ trợ, thúc đẩy và hỗ trợ nông dân về vốn, KHCN, thị trường… thông qua tổ chức của họ.
Chính sách trong tái cấu trúc nông nghiệp
Chính sách chỉ có thể được thiết kế khi định hướng tái cấu trúc làm rõ sự đa dạng chính sách đất đai, đầu tư, KHCN… cho từng vùng, miền, đối tượng sản xuất khác nhau. Một số chính sách ưu tiên như: Chính sách giao đất nông nghiệp dài hạn, hàng trăm năm, ở những vùng nông nghiệp quy hoạch lâu dài; ưu tiên cho những hộ sản xuất nông nghiệp trực canh; chính sách đầu tư, tiếp cận vốn ngân sách, ODA cần có sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; chính sách chống sự độc quyền của nhiều công ty nước ngoài và công ty trong nước đối với sản phẩm đầu vào và thu mua đầu ra của nông nghiệp; với các thương nhân, cần có những quy định cấp phép kinh doanh nông sản, minh bạch hóa quá trình kinh doanh nông sản ở khâu thu gom, bảo đảm sự quản lý Nhà nước về quản lý chất lượng, hợp đồng thương mại…; tín dụng nông thôn, cần chính thức hóa kinh doanh tín dụng của các hộ kinh doanh ở nông thôn, các đại lý thương mại ở các vùng Tây Nguyên, miền núi phía bắc để minh bạch hóa, giảm rủi ro, nông dân được bảo vệ tốt hơn…
Nói chung, chính sách tái cấu trúc, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, ưu tiên doanh nghiệp trong nước phù hợp các cam kết quốc tế. Nhà nước nên thúc đẩy vai trò của các tổ chức nghề nghiệp trong điều phối, quản lý các chuỗi ngành hàng nông nghiệp. Hệ thống dịch vụ công cần thay đổi toàn diện, thay vì chỉ là hệ thống sự nghiệp của Nhà nước, cần trở thành hệ thống dịch vụ công thực hiện nhiệm vụ Nhà nước ủy thác, do các tổ chức nghề nghiệp, tư nhân… đảm nhiệm. Hệ thống Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều phối, kết nối, làm những việc khó làm, chứ không như hiện nay là trực tiếp cung ứng dịch vụ.
Quá trình tái cấu trúc, bảo đảm sự chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản xuất chiều rộng, mang tính chỉ đạo sang nền sản xuất nông nghiệp chiều sâu, chế biến sâu, thương mại có thương hiệu, giá trị gia tăng cao, gìn giữ môi trường với đặc trưng vai trò Nhà nước mang tính định hướng và điều phối. Quá trình tái cấu trúc vừa mang tính kinh tế, nhưng cũng cần có tính xã hội, bảo đảm sự tham gia, hưởng lợi của các tầng lớp yếu thế trong xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()