Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Chuyển biến theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững
(LSO) – Thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp có chuyển biến tích cực. Trong đó, vùng sản xuất sản phẩm chủ lực được hình thành rõ nét; việc liên kết, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển, mở rộng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
Hình thành rõ nét vùng sản xuất sản phẩm chủ lực
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2016 – 2020, với việc triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành rõ nét vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực. Trong đó, vùng sản xuất rau tập trung tại các xã: Tân Liên, Gia Cát (huyện Cao Lộc), xã Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) và đang có xu hướng mở rộng ra các huyện: Lộc Bình, Văn Quan, Bắc Sơn,… Diện tích rau hằng năm ổn định khoảng 8.300 ha. Trong đó, diện tích các loại rau đặc sản, có giá trị kinh tế (cải bắp ngồng, cải ngồng hoa vàng, rau bò khai,…) được mở rộng từ 2.530 ha năm 2016 lên 2.848 ha năm 2020 (tăng 318 ha). Dự ước, tổng giá trị sản phẩm rau thu được năm 2020 đạt khoảng 1.120 tỷ đồng. Vùng na sản xuất tập trung tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích năm 2020 là 3.500 ha (tăng 558 ha so với năm 2016), năng suất tăng từ 92,1 tạ/ha năm 2016 lên 99,8 tạ/ha năm 2020 (tăng 7,7 tạ/ha); tổng giá trị sản xuất na thu được năm 2020 dự ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Vùng trồng thuốc lá tập trung ở các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích hiện nay khoảng 2.400 ha.
Người dân thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) chăm sóc na
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, hình thành vùng trồng hồi ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích trên 25.000 ha, chiếm 74,1% tổng số diện tích hồi toàn tỉnh. Sản lượng hoa hồi khô bình quân hằng năm đạt 13 – 14 nghìn tấn/năm, ước giá trị sản phẩm năm 2020 đạt khoảng 1.558 tỷ đồng; Vùng trồng thông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc với diện tích 108.600 ha, chiếm 84,5% tổng số diện tích thông toàn tỉnh. Khai thác nhựa thông đạt khoảng 35 – 40 nghìn tấn/năm, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng; Vùng trồng keo, bạch đàn tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình Lập với diện tích 35.331 ha, chiếm 69,1% tổng số diện tích keo, bạch đàn toàn tỉnh. Sản lượng gỗ khai thác năm 2020 ước được khoảng 400 nghìn mét khối/năm, giá trị đạt khoảng 700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh phát triển các vùng sản xuất các sản phẩm đặc sản khác như: vùng quýt tại các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn với diện tích 1.400 ha, sản lượng đạt trên 3.349 tấn/năm, giá trị thu được gần 100 tỷ đồng/năm; vùng hồng tại các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc với diện tích 1.700 ha, diện tích đã cho thu hoạch trên 1.200 ha, sản lượng đạt 6.000 tấn, giá trị đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm; vùng cây thạch đen tại các huyện: Tràng Định, Bình Gia, diện tích 1.885 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn, giá trị đạt 180 tỷ đồng/năm…
Thu hút đầu tư, liên kết sản xuất
Giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp không chỉ đạt được kết quả quan trọng trong hình thành vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, mà còn thu hút đầu tư, liên kết sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2020, số lượng doanh nghiệp, HTX đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng mạnh, hiện nay, toàn tỉnh có 1.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng trên 400 doanh nghiệp so với năm 2016); 180 HTX nông nghiệp, tăng 105 HTX so với năm 2016. Các doanh nghiệp, HTX hoạt động tích cực, nhiều dự án được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, giai đoạn 2017 – 2020, toàn tỉnh có 28 dự án của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.
Với sự đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, việc liên kết sản xuất có bước phát triển, trên địa bàn đã hình thành các hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa người dân và doanh nghiệp, HTX có hiệu quả. Điển hình như: Công ty Cổ phần Non Nước, Công ty Cổ phần Phú Lộc Phú Tài (thành phố Lạng Sơn) hợp tác với một số HTX đầu tư, liên kết với các hộ dân từ khâu trồng đến tiêu thụ sản phẩm chanh leo tại các huyện: Lộc Bình, Bắc Sơn; HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quyết Thắng liên kết với Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C Bắc Giang để cung cấp sản phẩm măng tươi và măng đã qua sơ chế; HTX Rau an toàn Tân Liên, HTX Rau củ quả sạch Gia Cát, huyện Cao Lộc liên kết với Công ty An Gia trong việc tư vấn kĩ thuật và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn,…
Việc đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp, HTX góp phần hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn. Đến nay, đã có 6 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được cấp giấy xác nhận (chuỗi rau của tổ hợp tác sản xuất rau củ quả sạch thôn Bắc Đông, xã Gia Cát, chuỗi rau của tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Nà Hán, xã Tân Liên (huyện Cao Lộc); chuỗi rau, nấm của HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thịnh Phương, thành phố Lạng Sơn; chuỗi na của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư, huyện Chi Lăng; chuỗi gạo nếp cái hoa vàng của HTX Kinh doanh tổng hợp xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn; chuỗi gạo bao thai hồng của HTX Nông sản Tràng Định). Các sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn, giá của các sản phẩm chuỗi ổn định, giúp các cơ sở sản xuất yên tâm và chủ động trong khâu sản xuất.
Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc triển khai nhiều giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016 – 2020 đạt được kết quả tích cực. Trong đó hình thành rõ nét vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, HTX đầu tư, hoạt động, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ở mức khá, bình quân giai đoạn 2017 – 2020 đạt 2,97%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước năm 2020 đạt 13.590 triệu đồng (theo giá hiện hành) tăng 1,2 lần so với năm 2016; các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành rõ nét, vị trí ngành nông nghiệp ngày một khẳng định, các mặt hàng nông lâm sản đặc sản của tỉnh (như: na, hoa hồi, rau…) đã có thương hiệu và khẳng định vị trí trên thị trường, có mặt trong các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội.
Trong thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ; phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
Phát triển sản xuất na theo VietGAP, xây dựng mô hình vườn mẫu thu hút du lịch”
“Với gần 1 ha cây na dai (gần 1.000 cây), để nâng cao giá trị sản phẩm quả na, từ năm 2018, gia đình tôi áp dụng sản xuất na theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt- VietGAP. Khi trồng theo VietGAP, chất lượng na được đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, quả to đều, đặc biệt, na được gắn tem mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, na được tiêu thụ thuận lợi, các tư thương đến tận vườn thu mua, đưa vào hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, từ 2019 đến nay, tôi áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nên ngoài thu na chính vụ, tôi còn thu na gối vụ – trái vụ với sản lượng trên 4 tấn quả/vụ.
Song song với đó, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm, tôi xây dựng từ 3 đến 4 vườn na mẫu, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch trong và ngoài địa bàn đến tham quan, thu mua na. Từ đó, tôi thu nhập trên 500 triệu đồng/năm (tăng 200 triệu/năm so với trước năm 2018). Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì sản xuất na theo VietGAP và xây dựng vườn mẫu thu hút khách du lịch, nâng cao giá trị kinh tế”.
Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng)
Phát triển vùng chuyên canh gắn với du lịch sinh thái
“Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, Công ty tập trung phát triển thành vùng chuyên canh, trong đó, từ 2016, công ty triển khai trồng 5 ha cây chanh leo tại xã Bắc Quỳnh. Đầu năm 2020, công ty liên kết với người dân và tiếp tục phát triển trồng 10 ha cam tại xã Tân Hương. Để sản phẩm đạt hiệu quả, công ty phối hợp với chuyên gia kỹ thuật của Viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt, công ty phối hợp với các công ty du lịch để đón các đoàn khách tham quan du lịch trải nghiệm. Vì vậy, các mô hình trồng chanh leo, cam được công ty xây dựng khu vực tham quan, nghỉ ngơi tại các vườn để đón tiếp các đoàn khách du lịch đến du lịch trải nghiệm. Từ năm 2016 đến năm 2020, công ty đón trên 3.000 đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm vườn chanh leo. Dự kiến năm 2021 có thêm hàng nghìn lượt khách đến tham quan tại vườn cam”.
Bà Tô Thị Thu Sen, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Nông nghiệp Việt, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn
Ý kiến ()