Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Chìa khóa phát triển nông nghiệp bền vững
Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP
–Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp triển khai chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, chú trọng việc phát triển vùng trồng, sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, quảng bá sản phẩm. Qua đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.
Trong năm 2023, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 4,3% (vượt chỉ tiêu kế hoạch hằng năm đề ra từ 3 – 3,5%). Đây không phải là kết quả của những giải pháp tức thời trong năm 2023 mà là kết quả của một quá trình triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người dân.
Phát triển vùng trồng, tập trung sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt
Thực hiện Chương trình số 22/CTr-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung các loại cây chủ lực, có giá trị cao như: vùng cây ăn quả ở Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn; vùng trồng thạch đen ở Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng; vùng trồng hồi Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng… Những năm tiếp theo, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục hướng dẫn người dân đẩy mạnh mở rộng diện tích các vùng sản xuất tập trung. Trong đó, vùng hồi diện tích hơn 43.000 ha, vùng ớt 1.547 ha, vùng thạch đen 2.385 ha, vùng na 4.509 ha, vùng hồng 2.059 ha…
Sau khi xây dựng, phát triển vùng sản xuất, UBND các huyện, thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Điển hình như huyện Hữu Lũng, việc phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt được đẩy mạnh thực hiện từ năm 2018 với các sản phẩm chủ yếu như: bưởi, táo… Đến nay, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt. Cụ thể, trong năm 2023, Phòng NN&PTNT huyện đã hỗ trợ phát triển 12 ha thanh long VietGAP tại các xã Vân Nham, Thiện Tân, Minh Hoà và 24 na VietGAP tại xã Yên Vượng.
Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bằng những nguồn vốn khác nhau, thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp thực hiện tuyên truyền, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đồng thời, xây dựng, mở rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho người dân. Hiện nay, toàn huyện có hơn 5.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Những diện tích còn lại đều được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn theo quy định.
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.925 ha cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hơn 1.300 ha rau, lúa, khoai lang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các diện tích còn lại cơ bản được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Không chỉ Hữu Lũng, các huyện thành phố đều chú trọng phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các loại cây chủ lực. Trong đó, tập trung phát triển trồng cây ăn quả là chủ yếu, như: huyện Chi Lăng, Bắc Sơn, Văn Lãng… Bên cạnh cây ăn quả, một số sản phẩm cây trồng đặc trưng được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn như: lúa nếp cái hoa vàng (Bắc Sơn), quế (Tràng Định), rau (thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc), hồi hữu cơ (Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng), khoai lang (Lộc Bình), chè (Bình Gia, Đình Lập)… Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 2.925 ha cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hơn 1.300 ha rau, lúa, khoai lang được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các diện tích còn lại cơ bản được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Hoàng Văn Hậu, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng có hơn 500 cây hồng không hạt Bảo Lâm được ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Hậu, năm 2019, được tham gia lớp tập huấn hướng dẫn quy trình thực hiện mô hình trồng và chăm sóc vườn hồng Vành khuyên theo tiêu chuẩn VietGAP của huyện, ông đã ứng dụng vào thực tiễn. Theo đó, chất lượng mẫu mã quả hồng to đồng đều, đẹp hơn. Trung bình mỗi năm sản lượng đạt 4 đến 6 tấn quả, thu nhập đạt gần 150 triệu đồng/vụ.
Nâng giá trị nông sản
Không chỉ ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, UBND các huyện, thành phố chú trọng thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh có 104 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Qua đó góp phần nâng cao giá trị nông sản trên địa bàn.
Song song với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh để hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Riêng trong năm 2023, sở đã thực hiện hỗ trợ 5 chuỗi liên kết sản xuất ở các huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Văn Lãng, Tràng Định. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 16 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, các chuỗi liên kết được xây dựng đảm bảo chất lượng, được đóng gói bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, các sản phẩm của chuỗi liên kết được tiêu thụ tại các cửa hàng, nhà hàng, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm nông sản được chú trọng thực hiện. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT đã tổ chức, hỗ trợ hơn 40 lượt hợp tác xã, người sản xuất tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Đồng thời, hỗ trợ đăng tải thông tin của hơn 20.000 lượt sản phẩm nông sản quảng bá trên các website, các sàn thương mại điện tử. Thông qua đó, các sản phẩm được quảng bá rộng rãi, thúc đẩy kết nối giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, huyện Tràng Định cho biết: Năm 2022, được sự hỗ trợ của các sở, ngành chức năng, chúng tôi đã tham gia các hội trợ triển lãm sản phẩm tại các tỉnh trong nước. Qua đó, đã giúp công ty kết nối tiêu thụ được sản phẩm bột thạch đen với siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang). Sau khi thực hiện hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm với siêu thị, tháng 10/2023, công ty đã đưa 800 gói bột thạch đen vào siêu thị. Đây chính là thị trường tiềm năng góp phần tiêu thụ và khẳng định thương hiệu bột thạch đen của công ty.
Với những giải pháp của các cấp, ngành chức năng, năm 2023, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được kết quả quan trọng, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ước đạt 4,3% (kế hoạch hằng năm đề ra từ 3 – 3,5%). Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được tập trung phát triển mạnh như: hồng vành khuyên, hồng Bảo Lâm tại Văn Lãng và Cao Lộc sản lượng ước đạt 10.000 tấn (tăng 2.000 tấn so với cùng kỳ năm trước), giá trị đạt ước khoảng 250 tỷ đồng; rau xanh ước đạt hơn 31.250 tấn (tăng 1,250 tấn so với cùng kỳ năm trước); na ước đạt 35.140 tấn (tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước), giá trị ước đạt 1.400 tỷ đồng… Bên cạnh đó, năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 sản phẩm được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” là rau hữu cơ huyện Hữu Lũng và thạch đen huyện Tràng Định.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Thời gian tới, sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh các giải pháp để tạo bước chuyển nhanh, bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm…
Có thể thấy, với những nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng bền vững, gia tăng giá trị. Qua đó, góp phần quan trọng để nâng cao đời sống của người dân, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh.
ĐÌNH QUYẾT - HỒ DUNG
Ý kiến ()