Tái cơ cấu ngành điện - những vấn đề đặt ra
Hiện nay, cơ cấu ngành điện đang được tổ chức theo mô hình tích hợp dọc, gồm cả phát điện, truyền tải điện, phân phối, mua bán điện và điều hành hệ thống. Điều này không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư vào nguồn điện mới.Tuy không còn độc quyền ở khâu phát điện, song Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chiếm phần chi phối trong tổng công suất nguồn (khoảng 65%), đồng thời nắm giữ toàn bộ các khâu còn lại như truyền tải, phân phối điện. Trước thực trạng thiếu vốn, các công trình nguồn điện chậm tiến độ, dẫn đến thiếu điện, cắt điện luân phiên triền miên. Vì vậy đã đến lúc việc tái cơ cấu ngành điện cần sớm được nghiên cứu một cách nghiêm túc và triển khai sớm.Bất cập và bất hợp lýTheo đánh giá của nhiều chuyên gia, cơ cấu ngành điện hiện nay còn nhiều bất cập, bất hợp lý. Tuy khâu phát điện đã không còn độc quyền, song các khâu còn lại vẫn do EVN nắm, trong đó, có Công ty mua - bán điện. Bất cứ nhà đầu tư nào...
Tuy không còn độc quyền ở khâu phát điện, song Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chiếm phần chi phối trong tổng công suất nguồn (khoảng 65%), đồng thời nắm giữ toàn bộ các khâu còn lại như truyền tải, phân phối điện. Trước thực trạng thiếu vốn, các công trình nguồn điện chậm tiến độ, dẫn đến thiếu điện, cắt điện luân phiên triền miên. Vì vậy đã đến lúc việc tái cơ cấu ngành điện cần sớm được nghiên cứu một cách nghiêm túc và triển khai sớm.
Bất cập và bất hợp lý
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cơ cấu ngành điện hiện nay còn nhiều bất cập, bất hợp lý. Tuy khâu phát điện đã không còn độc quyền, song các khâu còn lại vẫn do EVN nắm, trong đó, có Công ty mua – bán điện. Bất cứ nhà đầu tư nào muốn đầu tư nhà máy điện, đều phải đàm phán giá mua bán điện với EVN. Quá trình này thường kéo dài vài năm, rất căng thẳng và mệt mỏi, khiến các nhà đầu tư nản lòng. Điều này cũng lý giải vì sao trong nhiều năm qua, chỉ mới có hai nhà máy điện do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT. Theo EVN, hiện nay giá điện trung bình mà EVN bán khoảng 5,2 xen (USD)/kW giờ, trong khi, các nhà đầu tư luôn đòi giá này phải là hơn 8 xen (USD)/kW giờ. Thậm chí, gần đây, Công ty cổ phần năng lượng tái tạo đầu tư một số trạm điện gió ở Ninh Thuận, đã chào giá 13 xen/USD/kW giờ càng khiến EVN không thể mua nổi. Các Tập đoàn: Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã và đang đầu tư nhiều công trình nguồn điện, cũng 'kêu' EVN làm khó trong việc thỏa thuận giá mua bán điện.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đào Văn Hưng cho rằng, bản thân EVN cũng không muốn 'ôm' Công ty mua – bán điện vì luôn bị mang tiếng là độc quyền, tập đoàn sẵn sàng chuyển giao đơn vị này cho Nhà nước trực tiếp quản lý. Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) thuộc Bộ Công thương cũng cho rằng, vừa bán, vừa mua, vừa điều hành thì không còn tính khách quan nữa. Đặc biệt, ở thị trường điện cạnh tranh thì người điều hành hệ thống phải độc lập hoàn toàn mới khách quan. Đây là một vấn đề không hề đơn giản. EVN hiện được giao trách nhiệm bảo đảm cung ứng đủ điện cho đất nước, trong đó có phần huy động các nguồn điện giá cao lúc cao điểm thiếu điện vào mùa khô. Theo EVN, từ đầu năm đến tháng 10-2010, việc huy động các nguồn chạy dầu để cấp điện cho đất nước đã khiến tập đoàn bị lỗ hơn 8.500 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN cũng có nhiệm vụ thực hiện chính sách công ích của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo… Cần sớm tách phần công ích khỏi giá điện để EVN tập trung vào nhiệm vụ kinh doanh.
Với chính sách đa dạng hóa đầu tư xây dựng nguồn điện, ngày càng có nhiều ngành, đơn vị ngoài EVN tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy điện. Đến năm 2010, cơ cấu nguồn điện đã thay đổi đáng kể. Với sự tham gia đầu tư ngày càng tăng của nhiều thành phần khác, từ lúc sở hữu hầu như toàn bộ các nhà máy điện, đến nay EVN sở hữu và nắm giữ cổ phần chi phối khoảng 65% tổng công suất nguồn điện.
EVN được Nhà nước giao nhiệm vụ chính bảo đảm cung ứng điện cho đất nước. Nhưng là một DN, trước hết, EVN phải quan tâm lợi nhuận. Cho nên, đối với những dự án cảm thấy 'khó' như 13 dự án nguồn điện với tổng công suất 13.800 MW trước đây mấy năm, viện dẫn lý do thiếu vốn EVN đã 'trả lại' Chính phủ. Sẽ là rất bất hợp lý và không có tính khả thi trong tình trạng nêu trên, Nhà nước vẫn giao cho EVN nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển đất nước mà không thực hiện tái cơ cấu ngành điện (TCCNĐ).
Tái cơ cấu theo hướng nào?
Năm 2008, Bộ Công thương đã đưa ra ba phương án (PA) TCCNĐ cho phát triển thị trường điện cạnh tranh. PA1: tách các khâu phát điện, truyền tải và phân phối đang thuộc EVN thành các công ty hoạt động độc lập với sự quản lý của bộ chủ quản; một số nguồn điện đa mục tiêu, có vai trò lớn trong hệ thống điện và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia sẽ thuộc sự quản lý của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. PA2: chỉ tách khâu phát điện và vận hành hệ thống điện để khâu này không thuộc quyền chi phối của EVN. PA3: tách biệt khâu phát điện, mua bán điện và vận hành hệ thống điện khỏi EVN, lúc này, EVN chỉ còn đóng vai trò là tập đoàn kinh doanh và bán lẻ điện. Trong đó, Bộ Công thương đề xuất chọn phương án thứ nhất. Tháng 7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận về Đề án TCCNĐ cho phát triển thị trường điện Việt Nam, theo đó, việc tái cơ cấu phải bảo đảm cung cấp đủ điện, an toàn, có chất lượng cao cho nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững; từng bước thực hiện cơ chế thị trường đối với ngành điện, giá bán điện phải tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào ngành điện, trong đó các DN nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. EVN, PVN, TKV cần chiếm tỷ trọng lớn, chi phối tổng công suất nguồn điện. Từ đó đến nay, quá trình TCCNĐ chưa thấy tiến triển gì hơn ngoài việc hợp nhất các công ty điện lực (phân phối điện) của EVN thành năm tổng công ty điện lực trực thuộc. Hiện nay, rất nhiều ý kiến đề nghị tách các đơn vị EVN sang Nhà nước quản lý trực tiếp thành Tổng công ty mua-bán điện quốc gia, Tổng công ty điều độ điện quốc gia, khắc phục tình trạng 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'.
Theo lộ trình vận hành thị trường phát điện cạnh tranh của Bộ Công thương đã được Chính phủ phê duyệt, thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo ba cấp độ, mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước thí điểm và hoàn chỉnh. Cấp độ 1: thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2014); Cấp độ 2: thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022); Cấp độ 3: thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau 2022). Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết để có thể vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thử nghiệm giữa năm 2010 và chính thức cuối năm 2011. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Năng lượng Phạm Khánh Toàn nhận định, thị trường điện nước ta đã có định hướng và lộ trình hình thành và phát triển theo các cấp độ, nhưng giai đoạn trước mắt sẽ còn nhiều khó khăn, và quá trình thực hiện cơ chế thị trường sẽ bị chậm lại do một số nguyên nhân như: thị trường đang và sẽ vẫn thiếu hàng hóa, nguồn điện và lưới điện chưa đủ để cung cấp thì chưa thể nói đến cạnh tranh; thị trường người mua có xu hướng luôn đòi hỏi phải được cấp đủ điện, nhưng không sẵn sàng trả giá theo giá cả thị trường mà muốn Nhà nước tiếp tục trợ giá, trong khi phần lớn các yếu tố đầu vào cho cung cấp điện đều theo giá thị trường khu vực và quốc tế; giá điện tăng một vài lần hầu như chỉ đủ chạy theo trượt giá và thực tế vẫn đứng ở mức bình quân không quá 5,5 xen (USD)/kW giờ; bộ máy quản lý điều tiết thị trường chưa đủ mạnh, còn đang hoàn thiện dần trong khi các cơ sở pháp lý cũng chưa theo kịp, chưa thể ngày một ngày hai có khả năng quản lý thị trường. Theo Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), quan điểm của Bộ Công thương hoàn toàn phù hợp lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện. Đã đến lúc cần cải tổ ngành điện, cải tổ EVN một cách mạnh mẽ đi đôi với việc thiết kế một cơ cấu thị trường hợp lý thì mới mong có được sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch.
Giám đốc Trung tâm tư vấn năng lượng Việt Nam Tô Quốc Trụ cho rằng: Khi thực hiện tái cơ cấu ngành điện, Nhà nước cần nắm giữ các nhà máy điện hạt nhân (sắp xây dựng), các nhà máy phát điện có công suất lớn để bảo đảm an ninh năng lượng. Một điểm khó khăn nữa hiện nay là cơ chế điều hành chưa hiệu quả, chưa có cơ quan chuyên trách giám sát và điều hành thực hiện các dự án nguồn điện. Rất nhiều dự án, nhất là nhiệt điện than do EVN làm chủ đầu tư hoặc tham gia đầu tư, bị trục trặc, sự cố, chậm tiến độ từ một đến vài năm. Nhiều chuyên gia hy vọng, khi phát triển thị trường điện cạnh tranh, các DN tham gia đầu tư nhà máy sẽ sốt sắng hơn và đẩy nhanh tiến độ công trình.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng Chính phủ cần sớm thực hiện tái cơ cấu ngành điện, tách các khâu phát điện, truyền tải, mua – bán điện, phân phối, kinh doanh điện. Về mặt tổ chức, Cục Điều tiết Điện lực nên tách hẳn khỏi Bộ Công thương và do Chính phủ trực tiếp quản lý, điều hành. Như vậy, cơ quan này mới có vai trò độc lập, điều tiết năng lượng điện. EVN độc quyền đã quá lâu, đã đến lúc cần phải làm sớm việc tái cơ cấu.
Theo TS kinh tế Vũ Đình Ánh, đến nay, mặc dù không còn là nhà cung cấp điện độc quyền duy nhất, song thị phần phát điện của EVN vẫn chiếm khoảng 60%. Hơn nữa, EVN có quyền quyết định mua điện của các nhà sản xuất điện trong nước và mua điện từ nước ngoài khi thiếu điện. Vì vậy, bộ phận truyền tải điện phải thuộc quyền quản lý của Nhà nước để bảo đảm an ninh năng lượng và cần phải giao cho cơ quan hay DN công ích phi lợi nhuận quản lý, tách hẳn với DN hoạt động vì lợi nhuận.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cũng cho rằng, việc tổ chức lại hệ thống cần theo hướng: các công ty phát điện độc lập với nhau, hoạt động chủ yếu trên cơ chế thị trường cạnh tranh; hệ thống truyền tải quốc gia hoạt động như một (hay một số) công ty công ích do Nhà nước sở hữu (trên cơ sở thu phí truyền tải); nhiều nhà bán lẻ hoặc bán buôn hoạt động một cách độc lập tại các khu vực địa lý khác nhau (không gắn với các đơn vị hành chính, có thể cạnh tranh với nhau). Tất cả các tổ chức trên hoạt động dưới sự giám sát kỹ thuật và chính sách của tổ chức điều tiết độc lập (cơ quan nhà nước không thuộc nhánh hành pháp). TS Nguyễn Minh Phong cũng đồng quan điểm khi cho rằng trong việc tái cơ cấu ngành điện, cần sớm thực hiện nguyên tắc Nhà nước quản lý hệ thống phân phối điện quốc gia vì lợi ích chung, khâu sản xuất và cung ứng điện thông qua các hợp đồng điện được đấu giá công bằng, minh bạch, có độ ổn định và hiệu lực pháp lý cao nhất.
Rõ ràng là, cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành điện, xóa bỏ những bất cập, rào cản của mô hình hiện tại, xây dựng một thị trường điện cạnh tranh để có thể thu hút đầu tư vào các công trình nguồn và lưới. Đó chính là những giải pháp căn cơ, bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển đất nước.
Nhóm phóng viên kinh tế
Theo Nhandan

Ý kiến ()