Tái cơ cấu nền kinh tế theo lợi thế so sánh từ nông nghiệp
Những định hướng giải pháp chủ yếu đưa nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển nhanh và bền vững đã được Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 3 (khóa XI) thông qua.Căn cứ kết luận này và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, khóa XIII các trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta đã biết lợi thế hiện nay của nền kinh tế nước ta là có khả năng sản xuất và cung ứng nhiều hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhóm hàng nông lâm thủy sản theo Báo cáo của Chính phủ tại thời điểm năm 2011 chiếm tỷ trọng 20,6% (số tuyệt đối là 19,085 tỷ USD) nhưng đến năm 2015 và 2020 thì tỷ trọng giảm còn 17,7% và 13% nhưng số tuyệt đối đạt 22,47 và 27,81 tỷ USD. Căn cứ vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm...
Căn cứ kết luận này và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, khóa XIII các trọng tâm về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta đã biết lợi thế hiện nay của nền kinh tế nước ta là có khả năng sản xuất và cung ứng nhiều hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhóm hàng nông lâm thủy sản theo Báo cáo của Chính phủ tại thời điểm năm 2011 chiếm tỷ trọng 20,6% (số tuyệt đối là 19,085 tỷ USD) nhưng đến năm 2015 và 2020 thì tỷ trọng giảm còn 17,7% và 13% nhưng số tuyệt đối đạt 22,47 và 27,81 tỷ USD. Căn cứ vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 chúng ta phải phấn đấu quyết liệt và có chính sách đúng thì mới giữ được khoảng 3,8 triệu ha đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Như vậy, về cơ bản trong 10 năm tới mặt hàng gạo sẽ khó có khả năng tăng khối lượng xuất khẩu, và việc tăng hay giảm kim ngạch của mặt hàng này chủ yếu phụ thuộc vào chất lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó mặt hàng thủy sản dự kiến tốc độ tăng bình quân 10 năm khoảng 6%, với kim ngạch đạt khoảng 9 tỷ USD. Với những số liệu thống kê và dự báo như trên, tái cơ cấu trong giai đoạn 2011-2015 phải bảo đảm được yêu cầu tăng trưởng trong nông nghiệp, là khu vực có nhiều lao động và gần 70% số dân nước ta đang sống và làm việc liên quan lĩnh vực này. Như vậy, trong 10 năm tới thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp cần chọn trồng lúa và nuôi trồng thủy sản là khâu quyết định. Vấn đề đặt ra ở đây là ngay trong năm 2012 phải rà soát lại được các hạ tầng phục vụ hai chuyên ngành này trên phạm vi cả nước để có những điều chỉnh quy hoạch đồng bộ. Trước mắt, cần tập trung vốn đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực thủy lợi để có thể tách bạch hệ thống thủy lợi lúa và hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản riêng biệt. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cần tập trung ưu tiên cho lĩnh vục này để cơ bản hình thành được hệ thống thủy lợi với các yêu cầu tiết kiệm nước, bảo đảm xử lý môi trường cho nuôi công nghiệp. Cần quy hoạch vùng trồng lúa để có thể áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp và phát triển lực lượng sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, cần nghiên cứu và sửa đổi Luật Đất đai về tích tụ ruộng đất, xây dựng hành lang pháp lý cho việc giao đất ổn định sau năm 2013 và cơ chế để nông dân góp ruộng hình thành các cánh đồng thuận lợi cho sản xuất theo hướng công nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp, hình thành nên một quan hệ sản xuất mới trong nông thôn, bảo đảm ổn định khu vực có số lượng người lao động đông nhất cả nước nhưng nghèo nhất nước này.
Trong thời gian kế hoạch 5 năm 2011-2015, các ngành khoa học công nghệ và viện nghiên cứu cần triển khai việc liên kết đầu tư sản xuất giống cho thủy sản và các loại giống lúa mới có chất lượng gạo cao hơn. Trong đó có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với nhà khoa học, việc khoa học có kết quả chuyển giao cho nông dân phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp còn có hai ngành hàng quan trọng khác là cà-phê và tiêu. Thời gian 2000-2010 vừa qua, diện tích trồng cà-phê đã tăng lên đáng kể, kéo theo việc sử dụng lãng phí tài nguyên nước ngầm tại khu vực Tây Nguyên và nhiều tác động không tốt đến cân bằng sinh thái và ổn định xã hội khu vực này. Vì vậy, đối với mặt hàng cà-phê và tiêu cần giữ vững quy hoạch vùng và diện tích trồng trên cơ sở tính toán đầy đủ các tác động về thời tiết, thổ nhưỡng và cung cấp nước tưới, bảo đảm cân bằng sinh thái, không làm tăng chi phí sản xuất. Cần khuyến khích với ưu đãi mạnh để đầu tư vào công nghiệp chế biến và khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên kết, mua cổ phần của một số hãng chế biến cà-phê đã có thương hiệu trên thế giới và châu Âu, nhất là khu vực trung và nam Âu, vì khu vực này vốn có quan hệ thương mại lâu đời với Việt Nam, thị trường cũng vừa khôi phục và phát triển mạnh trong khoảng 10-15 năm gần đây, không “khó tính” như các nước G7.
Khi đặt vấn đề như vậy, chắc cũng sẽ có người hỏi như thế không đúng với tinh thần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thử làm phép so sánh đơn giản: Chúng ta đã đầu tư cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) để thu được 1,5 tỷ USD xuất khẩu so với đầu tư cho thủy sản để thu được 5,8 tỷ USD như thế nào? Bên cạnh đó về đầu tư cho thủy sản thì nguồn vốn chủ yếu là từ xã hội, từ người dân, còn đầu tư cho TKV là nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Xét bài toán kinh tế tổng thể về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội thì sẽ có ngay kết quả là nguồn lực của Nhà nước trong giai đoạn này đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả hơn vào công nghiệp khai khoáng.
Nhưng khi đặt vấn đề đầu tư như vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị xử lý các vấn đề phát sinh khi chuyển trọng tâm đầu tư công. Trước tiên phải xác định được tỉnh nào, khu vực nào sẽ được đầu tư vào nông nghiệp và như vậy các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế mà Đại hội Đảng bộ các tỉnh đã thông qua cần được điều chỉnh, vì tốc độ tăng từ nông nghiệp phải thấp hơn tốc độ tăng trưởng từ công nghiệp và dịch vụ. Theo đó, hình thành cơ chế khoán ngân sách cho các địa phương. Địa phương sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm cung ứng đạt số lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp thì Trung ương sẽ bảo đảm phần đầu tư khác cho an sinh xã hội như y tế, giáo dục… Nếu thực hiện cơ chế như đề xuất thì việc đầu tiên là phải sửa Luật Ngân sách nhà nước, xây dựng mới Luật Đầu tư công và các hệ thống đánh giá về hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, địa phương. Tất nhiên việc đầu tư từ T.Ư đối với địa phương và nguồn vốn đầu tư của địa phương tại các tỉnh thuần nông này lại phải gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về tam nông, mà trọng tâm là xây dựng nông thôn mới. Nếu không sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, nếu vẫn duy trì cách thức phân bổ ngân sách như hiện nay thì sẽ không thể chấm dứt được tình trạng địa phương nào cũng thi đua xây dựng cảng biển, nhà máy xi-măng, khu công nghiệp… Sẽ không có tỉnh nào chấp nhận mình là tỉnh nông nghiệp, mà sẽ phấn đấu tăng trưởng theo các tỉnh công nghiệp cho dù là tự phát theo kiểu trăm hoa đua nở.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư vào TKV thông qua việc cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên để có thêm vốn và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đầu tư phát triển công nghiệp khai khoáng, là ngành có khả năng thu được lợi nhuận cao và ổn định hơn sản xuất nông nghiệp tức là thực hiện khâu đột phá thứ ba trong ba đột phá về tái cơ cấu: cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Một thí dụ khác, ngành dệt may là một trong những ngành năm nay gặp rất nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày đạt khoảng 14 tỷ USD, nếu cộng cả va-li, túi, mũ, giày dép là khoảng 18,6 tỷ USD. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp dệt may là các công ty cổ phần hoặc do các thành phần kinh tế khác làm chủ sở hữu. Ngành đang đóng góp nhiều nhất cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng đời sống của công nhân dệt may rất khó khăn. Theo Kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm tới, thì đến năm 2015, ngành dệt may nhập khẩu khoảng 64 tỷ USD nhưng sẽ xuất khẩu khoảng 111 tỷ USD, tức là sẽ xuất siêu gần 50 tỷ USD. Với những số liệu dự báo như vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho ngành này. Nhà nước nên có chính sách cấp đất ưu đãi để TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm mode, trung tâm thời trang của cả khu vực vì đóng góp của ngành đối với giải quyết việc làm, với cán cân thương mại của cả nước. Đồng thời, phải tính toán xem số lượng lao động của ngành này đến năm 2015 sẽ là bao nhiêu, để tổ chức công đoàn có thỏa thuận cụ thể với các doanh nghiệp trong việc bảo đảm đời sống cho công nhân dệt may. Việc xây nhà ở cho người có thu nhập thấp cần đặt trọng tâm vào nhóm đối tượng này. Chính sách an sinh xã hội do nguồn lực còn hạn chế cho nên phải có trọng tâm, trọng điểm, phải đầu tư cho những người làm ra nhiều của cải, đóng góp cho GDP của cả nước.
Nếu thực hiện được như đề xuất trên đây thì hy vọng sau 5 năm chúng ta sẽ tạo được tiền đề cho phát triển ổn định gắn với các vấn đề an sinh xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()