Tái cơ cấu gắn với đổi mới cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước
Cùng với quá trình đổi mới chung của đất nước, tái cơ cấu và đổi mới cơ chế quản lý khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được khởi động từ lâu và được Hội nghị T.Ư 3, khóa XI của Đảng ghi nhận là một trong ba đột phá quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17-1-2012 về đẩy mạnh tái cơ cấu các DNNN. Các đề án tái cơ cấu DNNN đang được lấy ý kiến để hoàn thiện...Với tinh thần tái cơ cấu phải gắn với đổi mới cơ chế quản lý để các DNNN hoạt động minh bạch, có hiệu quả hơn, đảm nhiệm tốt hơn vai trò của mình trong đời sống kinh tế-xã hội, quá trình này cần chú ý những nội dung sau:Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu và cơ chế quản lý tính chất hoạt động công ích và kinh doanh của các DNNN trong sự bình đẳng với các DN khác.Khác với các hoạt động kinh tế khác, hoạt động kinh tế...
Với tinh thần tái cơ cấu phải gắn với đổi mới cơ chế quản lý để các DNNN hoạt động minh bạch, có hiệu quả hơn, đảm nhiệm tốt hơn vai trò của mình trong đời sống kinh tế-xã hội, quá trình này cần chú ý những nội dung sau:
Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu và cơ chế quản lý tính chất hoạt động công ích và kinh doanh của các DNNN trong sự bình đẳng với các DN khác.
Khác với các hoạt động kinh tế khác, hoạt động kinh tế của Nhà nước, và do đó của DNNN, luôn có hai mục tiêu với hai tính chất khác nhau, đó là mục tiêu kinh doanh thông thường như các DN khác và mục tiêu công ích đặc trưng riêng của mình. Vì vậy, cần xác định rõ theo các hệ tiêu chí đồng bộ và khoa học về tính chất kinh doanh và tính chất công ích của DNNN; từ đó làm rõ cơ chế quản lý phù hợp. Đây cũng là điểm nút để giảm thiểu sự mù mờ hoặc lạm dụng trong hạch toán và đánh giá các hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh của các DN trong thực tiễn cả quản lý nhà nước, cũng như sự hoạt động tự chủ của DNNN.
Dù tính chất kinh doanh hay công ích cũng đòi hỏi sự bình đẳng giữa các DNNN với các DN khác, hoặc theo Luật Doanh nghiệp đối với các hoạt động kinh doanh, hoặc theo Luật Đầu tư công (đang được xây dựng) với yêu cầu ngày càng mở rộng sự tham gia của các DN khác vào thực hiện các hoạt động công ích được tài trợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) theo nguyên tắc khuyến khích đấu thầu công khai và bình đẳng.
Bên cạnh đó, cần có quy chế kiểm soát giá và điều tiết lợi nhuận đối với DNNN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền, nhằm bảo đảm lợi ích sự bình đẳng, công bằng xã hội chung và giảm thiểu tình trạng biến sự độc quyền và lợi nhuận nhà nước thành sự độc quyền và lợi nhuận của DN…
Thứ hai, tái cơ cấu và đổi mới DNNN cần phù hợp với tổng thể quá trình tái cấu trúc chung và phát huy vai trò chủ đạo hợp lý của các DNNN.
Tái cơ cấu và đổi mới DNNN cần đặt trong tổng thể quá trình tái cơ cấu và đổi mới chung của nền kinh tế, tạo động lực cho nền kinh tế.
Trong quá trình đó, cần quan niệm đúng đắn và phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (KTNN). Vai trò chủ đạo của KTNN cũng không có nghĩa là KTNN phải có sự đông đảo về số lượng, lớn về tỷ trọng và cồng kềnh về tổ chức, cũng như thành lập tràn lan trên mọi lĩnh vực. Vai trò chủ đạo của KTNN cần thể hiện rõ trong vai trò định hướng và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; góp phần ổn định và làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm bất bình đẳng, bất công trong xã hội; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm và không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh; cũng như ở sự gương mẫu về năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động…
Để vai trò chủ đạo của KTNN được thực hiện tốt, cần tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, mạnh dạn giảm, thu hẹp tỷ trọng và giảm thiểu số lượng DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì DN 100% vốn Nhà nước trong một số hẹp danh mục ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không hoặc chưa muốn, chưa có khả năng tham gia; đồng thời, cần chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính. Làm rõ danh mục và lộ trình chuyển những DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần khống chế, cổ phần đặc biệt; đẩy mạnh cổ phần hóa và các hoạt động mua-bán, sáp nhập các DNNN trong lĩnh vực kinh doanh theo nguyên tắc thị trường; giảm bớt tính chất khép kín của các DN hoạt động công ích.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò định hướng đầu tư và hiện đại hóa cơ cấu kinh tế chung của KTNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; chỉ giữ lại và tập trung phát triển các DNNN và tập đoàn với tỷ lệ vốn Nhà nước khống chế thuộc các lĩnh vực mà tự nó mang tính chất độc quyền rất cao, như các ngành cung cấp xăng, dầu, than, điện, hàng không, bưu chính viễn thông, cung cấp nước, đường sắt, các dịch vụ công khác bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm sức mạnh an ninh, quốc phòng của đất nước… Ngoài ra, đầu tư của DNNN cần được tập trung vào phát triển một số ngành sản xuất then chốt có tác dụng lan tỏa hoặc định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung cho vùng hoặc đất nước; đóng vai trò chủ đạo vào những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân không thể hoặc chưa thể thực hiện được. Đầu tư của DNNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, nhằm tập trung nguồn lực hoặc điều tiết được một cách hợp lý các nguồn đầu tư, tránh tình trạng cục bộ, địa phương, nơi thừa nơi thiếu.
Thứ ba, đẩy mạnh cổ phần hóa, hiện đại hóa mô hình tổ chức và minh bạch hóa cơ chế quản lý của các DNNN.
Tái cơ cấu DNNN trên cơ sở tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường và tuân thủ pháp luật; tiếp tục tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu; làm rõ cơ chế giám sát và trách nhiệm của đại diện quyền sở hữu vốn và tài sản nhà nước tại các DN phù hợp với Luật DN và yêu cầu quản lý vốn Nhà nước tại các DN; sớm nghiên cứu đổi mới tổ chức và chức năng Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo lĩnh vực, nhóm ngành kinh tế-xã hội, nâng dần tính tập trung một đầu mối và tính chuyên nghiệp trong quản lý, thay vì kiểu tổ chức và hoạt động vừa ôm đồm, vừa phân tán và bị quá tải như hiện nay.
Tổ chức lại và chuẩn hóa việc đặt tên chính thức cho các tập đoàn, tổng công ty và DNNN theo các mô hình quản trị công ty hiện đại và yêu cầu quản lý ngày càng cao, minh bạch hơn.
Các DNNN, tập đoàn và tổng công ty nhà nước cần thực hiện công bố thông tin và trách nhiệm giải trình hoạt động, nhất là về tài chính, như quy định đối với các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, nhất là quản lý đầu tư, tài chính, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát và các quy định về cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới DNNN; khẩn trương xây dựng Luật Quản lý vốn Nhà nước hoặc Luật Đầu tư công tạo cơ sở pháp lý cần thiết điều chỉnh bằng Luật đối với các hoạt động đầu tư công, trong đó có đầu tư của các DNNN dưới cả hai dạng hoạt động vì lợi nhuận và phi lợi nhuận.
Đáng chú ý, cần phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác. Phải gắn hiệu quả kinh doanh của DNNN với trách nhiệm và quyền lợi cá nhân của người đứng đầu. Áp dụng quản trị doanh nghiệp hiện đại, theo thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh để nâng cao hiệu quả.
Do những đặc điểm của mình, quá trình tái cơ cấu kinh tế Việt Nam và DNNN trong thời gian tới sẽ có thể gặp những khó khăn là sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao và sự gia tăng áp lực thất nghiệp đối với lao động giản đơn… Đặc biệt, nếu thiếu kiểm soát thì tái cơ cấu DNNN có thể làm tăng rủi ro theo các hệ quả: Rủi ro về hiệu quả thị trường, rủi ro từ nguy cơ nợ nần tăng gắn với thiếu hụt nguồn vốn và sự gia tăng các khoản vay mới cho tái cấu trúc, rủi ro do thất thoát và tham nhũng vốn… Những khó khăn và rủi ro nêu trên có thể gây hệ quả trái mong đợi và làm nản lòng những quyết tâm và kế hoạch tái cơ cấu cần thiết trong thời gian tới…
Tái cơ cấu DNNN không phải là xóa bỏ hoặc làm suy yếu các DN này, mà là làm cho chúng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho đời sống kinh tế-xã hội đất nước theo yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập toàn diện. Để việc tái cấu trúc DNNN có hiệu quả cần có cách làm mới, có lộ trình, chỉ đạo quyết liệt và hành động thực chất, không tiến hành theo kiểu phong trào và hình thức.
Theo Nhandan
Ý kiến ()