Tái chế rác thải nhựa: Ý tưởng khởi nghiệp góp phần bảo vệ môi trường
– Với ý tưởng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, học sinh Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Văn Quan, huyện Văn Quan đã tái chế những sợi dây đai nhựa thành những vật dụng độc đáo, hữu ích trong cuộc sống và góp phần bảo vệ môi trường.
Các em học sinh đan giỏ từ dây đai nhựa
Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Văn Quan tái chế dây nhựa thành các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống
Nhận thấy trên địa bàn huyện có nhiều cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, cửa hàng bán hoa quả hằng ngày thải ra một lượng lớn các loại dây nhựa, tuy nhiên, các dây này thường bị vứt bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường, các em gồm: Kim Thị Minh Ánh, Nông Huyền Mơ, Hoàng Thanh Xuân, Nông Thị Hậu, học sinh lớp 11 Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Văn Quan đã nghiên cứu và thực hiện ý tưởng “Phát triển nghề thủ công từ tái chế đai nhựa”.
Em Kim Thị Minh Ánh, trưởng nhóm dự án cho biết: Chúng em quan sát để ý thấy dây nhựa được dùng chằng gạch trong các công trình xây dựng, dây buộc các cửa hàng hoa quả sau khi sử dụng thường bị cắt bỏ, vứt ra môi trường. Tận dụng dây nhựa có nhiều màu sắc, có độ cứng, chắc chắn, thích hợp dùng làm nguyên liệu thay thế tre, trúc để đan thành sản phẩm thủ công, do vậy nhóm chúng em đã có ý tưởng tái chế những sợi dây này thành những sản phẩm thủ công như: túi, giỏ, chậu cây cảnh…
Ý tưởng bắt đầu được thực hiện từ tháng 8/2023. Để thực hiện ý tưởng này, các em đã đến các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, cửa hàng bán hoa quả, hàng tạp hóa trên địa bàn huyện để thu gom dây đai nhựa sau đó mang về rửa sạch, phơi khô, cắt bỏ những đoạn hỏng rồi phân loại. Em Nông Huyền Mơ, thành viên nhóm dự án cho biết: Những ngày đầu mới làm, chúng em cũng gặp không ít khó khăn do dây nhựa rất cứng, khi đan thường bị cứa vào tay chảy máu. Ngoài ra, do chưa biết cách đan nên chúng em làm chậm, để tìm hiểu thêm về cách làm và tạo ra nhiều mẫu mã đẹp hơn, chúng em lên mạng xem hướng dẫn cộng với sự sáng tạo của bản thân để tạo ra thêm nhiều sản phẩm đa dạng, hữu ích hơn như: gùi, làn, giỏ, túi xách…
Sau khi có sản phẩm hoàn thiện, các thầy cô giáo trong nhà trường đã đặt mua sản phẩm để sử dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, nhóm các em học sinh đã thành lập trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook đồng thời đưa sản phẩm ra bày bán tại chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đến nay, các em đã bán được gần 100 sản phẩm và có rất nhiều khách hàng đặt mua bởi tính hữu ích và giá thành hợp lý, chỉ dao động từ 30.000 đồng/chiếc đến 130.000 đồng/chiếc.
Sản phẩm hoàn thiện
Chị Hứa Thị Thanh Huyền, phố Tâm An, thị trấn Văn Quan cho biết: Sau khi biết đến các sản phẩm tái chế từ nhựa của các em học sinh, tôi đã mua một số sản phẩm như làn để đựng đồ đi chợ, giỏ nhỏ để làm chậu trồng hoa. Những vật dụng này vừa hữu ích lại rất đẹp mắt nên tôi còn mua thêm giỏ vừa đựng được đồ để trang trí đẹp mắt vừa giúp tôi hạn chế sử dụng những đồ nhựa dùng một lần như túi nilon, góp phần bảo vệ môi trường.
Cô Nông Lâm Thanh, giáo viên hướng dẫn nhóm dự án cho biết: Ý tưởng tái chế đai nhựa của các em học sinh rất phù hợp và thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Đặc biệt, đây là ý tưởng rất phù hợp với học sinh nội trú, bởi lẽ ngoài giờ học trên lớp các em có nhiều thời gian rảnh rỗi, các em có thể tận dụng thời gian để đan các sản phẩm vừa đem lại thu nhập, vừa là hoạt động giải trí. Từ ý tưởng này, hiện nay, trong trường có rất nhiều học sinh yêu thích, đam mê và tham gia học đan lát.
Với đôi tay khéo léo cùng sự sáng tạo của các em học sinh, các sợi dây nhựa bỏ đi nay lại trở thành những sản phẩm hữu ích, phục vụ nhu cầu của con người trong cuộc sống hằng ngày, góp phần hạn chế thải đồ nhựa khó phân hủy ra môi trường. Vừa qua, ý tưởng “Phát triển nghề thủ công tái chế từ đai nhựa” của các em học sinh đã đạt giải ba tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp và ngày hội khởi nghiệp cấp cơ sở năm 2023. Đây là cuộc thi cấp huyện do các đơn vị: Trường THPT Văn Quan, Trường THPT Lương Văn Tri, Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Văn Quan, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức.
Ý kiến ()