Tái cấu trúc toàn diện để phát triển vững chắc
Năm 2012 được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng nói chung, trong đó có Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Để nâng cao sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành xây dựng, Vinaconex xác định không còn con đường nào khác là tái cấu trúc toàn diện mọi mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh.Khó khăn và thách thứcMặc dù nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ cuối năm 2011, nhưng Tổng công ty xác định, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nguồn vay tín dụng thắt chặt, lãi suất cho vay cao sẽ vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, chủ trương của Chính phủ trong những năm tới vẫn là giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên hai lĩnh vực hoạt động chính của Tổng công ty là xây lắp và kinh doanh bất động sản chắc chắn bị ảnh hưởng nặng...
Khó khăn và thách thức
Mặc dù nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ cuối năm 2011, nhưng Tổng công ty xác định, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nguồn vay tín dụng thắt chặt, lãi suất cho vay cao sẽ vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, chủ trương của Chính phủ trong những năm tới vẫn là giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cho nên hai lĩnh vực hoạt động chính của Tổng công ty là xây lắp và kinh doanh bất động sản chắc chắn bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các doanh nghiệp cùng ngành gây khó khăn cho Tổng công ty trong việc tìm kiếm các công trình, dự án. Mặt khác, quy mô và tốc độ phát triển của Tổng công ty quá nhanh, lĩnh vực và địa bàn hoạt động rộng trong khi nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyên môn, quản lý điều hành còn thiếu và yếu, bộ máy quản lý và cơ chế quản trị còn nặng nề, nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự phát triển.
Đặc biệt, giai đoạn 2012 – 2016, Tổng công ty đứng trước nhiều khó khăn về nguồn tài chính do áp lực về nguồn vốn triển khai và áp lực trả nợ ngân hàng, thanh toán trái phiếu đến hạn. Những dự án có mức đầu tư lớn của Tổng công ty (Dự án xi-măng Cẩm Phả, Dự án nước Sông Đà…) đã hoàn thành và đi vào sản xuất trong điều kiện thị trường tiêu thụ không thuận lợi, cùng với biến động nguyên vật liệu đầu vào, cho nên tiếp tục tiềm ẩn rủi ro do kết quả kinh doanh đang bị lỗ lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu. Các dự án kinh doanh bất động sản lớn đang triển khai có tiến độ thực hiện trong thời gian dài theo nhiều giai đoạn, chưa mang lại doanh thu và lợi nhuận trong tương lai gần. Một số dự án xây lắp có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (Bảo tàng Hà Nội, Đại lộ Thăng Long…), Tổng công ty phải ứng vốn để thực hiện, mặc dù đã hoàn thành nhưng công tác thanh quyết toán công trình còn nhiều vướng mắc về thủ tục hồ sơ… Hiện nay, một trong những vướng mắc lớn nhất của Tổng công ty là dự án xi-măng Cẩm Phả. Riêng vốn góp của Tổng công ty tại Công ty cổ phần xi-măng Cẩm Phả (CPC) là 1.990 tỷ đồng (99,5%), Tổng công ty đang phải dùng vốn của mình trả nợ thay cho CPC với tổng giá trị là 1.342 tỷ đồng. Kết quả sản xuất, kinh doanh của CPC từ khi bắt đầu hoạt động đến hết quý III-2011 là âm 1.124,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở thời điểm 30-9-2011 của CPC là 463,8 tỷ đồng. Như vậy, riêng phần vốn không sinh lời của Tổng công ty đầu tư tại Công ty cổ phần xi-măng Cẩm Phả đã xấp xỉ bằng vốn điều lệ của Tổng công ty trong năm 2011.
Để nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, năm qua, Tổng công ty đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để tái cơ cấu hoạt động, chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tăng cường kiểm tra giám sát, bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả. Tổng công ty đã hoàn thành thoái vốn 100% tại các đơn vị như: Vinaconex 21, Công ty CP đá trắng Yên Bình, Công ty CP Đầu tư kinh doanh thương mại Vinaconex và thoái vốn một phần tại Công ty CP xi-măng Yên Bình, Công ty CP đá ốp lát cao cấp Vinaconex – Vicostone. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu đưa Tổng công ty trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp, đầu tư kinh doanh bất động sản vào năm 2016, đòi hỏi nhiều nỗ lực, giải pháp đồng bộ, hợp lý.
Hoàn thiện các phương án tái cấu trúc
Theo lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp, Tổng công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành việc sắp xếp các doanh nghiệp. Các biện pháp cụ thể được tập trung là: Quyết liệt thực hiện thoái vốn tại các đơn vị nằm trong lộ trình thoái vốn của Tổng công ty; Thoái vốn hoàn toàn cho các nhà đầu tư quan tâm tại các đơn vị nắm giữ dưới 20% vốn điều lệ; Chủ động tìm kiếm các đối tác bên ngoài để thoái vốn những đơn vị thành viên không nằm trong các lĩnh vực định hướng then chốt của Tổng công ty, đồng thời tăng cường sáp nhập các đơn vị có cùng hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản nhằm củng cố và mở rộng các lĩnh vực này; Tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ chi phối tại các đơn vị mạnh về xây lắp và bất động sản có tình hình tài chính tốt, hoạt động hiệu quả để nâng cao năng lực hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị này. Thực hiện tái cấu trúc với mục tiêu tạo ra sức mạnh, tạo nguồn tài chính, đồng thời bảo toàn và phát triển lực lượng theo các hoạt động mũi nhọn; Kiên quyết thực hiện thoái vốn những đơn vị lớn là Công ty cổ phần xi-măng Cẩm Phả, Công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel; Phấn đấu đến quý II-2014, số lượng đầu mối các đơn vị có phần vốn góp của Tổng công ty còn lại là: 22 đơn vị và được sắp xếp theo nhóm ngành hoạt động chính của Tổng công ty: xây dựng – bất động sản – dịch vụ, tư vấn. Các công ty thành viên sau tái cấu trúc doanh nghiệp là những công ty mạnh có quy mô vốn điều lệ đạt từ 200 đến 500 tỷ đồng, mức doanh thu hằng năm đạt từ 1.500 đến 2.000 tỷ đồng, số lượng cán bộ, công nhân viên đạt từ 1.500 đến 2.000 người có trình độ và tay nghề, có đủ năng lực máy móc thiết bị hiện đại đáp ứng năng lực thực hiện những dự án có tổng mức đầu tư mỗi giai đoạn từ 2.000 đến 5.000 tỷ đồng (đối với đơn vị bất động sản).
Năm 2015, Tổng công ty dự kiến sẽ hình thành ba Công ty TNHH MTV 100% vốn của công ty mẹ ở ba lĩnh vực: xây lắp – bất động sản – dịch vụ, tư vấn. Trực thuộc các công ty mới hình thành là các đơn vị thành viên còn lại sau tái cấu trúc được sắp xếp theo nhóm lĩnh vực hoạt động. Công ty mẹ sẽ chuyển giao toàn bộ phần vốn đang sở hữu tại các công ty thành viên cho ba Công ty TNHH mới thành lập, dự kiến việc chuyển giao sẽ hoàn tất vào năm 2015. Còn tại công ty mẹ sẽ tập trung quản lý và hỗ trợ các công ty dưới các góc độ: quản trị chiến lược, định hướng phát triển, tài chính, thị trường, thương hiệu, quản trị nhân sự, khoa học công nghệ.
Cùng với tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty sẽ tập trung mạnh vào tái cấu trúc tài chính. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu với mục tiêu xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh cho Tổng công ty. Trước mắt, Tổng công ty sẽ tiến hành tách bạch hệ thống quản lý tài chính và hệ thống kế toán, hình thành chức danh giám đốc tài chính của Tổng công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Đẩy mạnh hoạt động của hệ thống quản lý tài chính. Xây dựng chính sách kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro của Tổng công ty thông qua việc nâng cao vai trò hoạt động của Ban Giám sát kinh tế tài chính. Đồng thời, tăng cường hiệu quả kiểm soát của cơ chế người đại diện phần vốn của Tổng công ty. Đại diện phần vốn tại các đơn vị sẽ là người đứng đầu, có tiếng nói quyết định đối với hoạt động kinh doanh, định hướng phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn từ các đơn vị thành viên, củng cố sở hữu của Tổng công ty tại các lĩnh vực kinh doanh chuyên ngành và giảm dần vốn tại các lĩnh vực không chuyên ngành. Thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và thành lập bộ phận quản lý danh mục đầu tư tài chính chuyên biệt có chức năng phân tích, đánh giá các cơ hội đầu tư mới…
Theo Nhandan
Ý kiến ()