Tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo lộ trình phù hợp
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với nhiệm vụ là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển.Trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của thị trường này chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đối với nhiệm vụ của TTCK. Điều này đang đặt ra yêu cầu cấp bách tái cấu trúc TTCK một cách đồng bộ, mạnh mẽ.Tái cấu trúc công ty chứng khoán - tâm điểm của TTCKCông ty chứng khoán (CTCK) là định chế tài chính trung gian đóng vai trò là mắt xích quan trọng kết nối nhiều thành viên trên TTCK... Với vai trò quan trọng như vậy cho nên CTCK trở thành đối tượng đầu tiên tiến hành tái cấu trúc mặc dù đề án tái cấu trúc TTCK vẫn đang trong quá trình xây dựng.Theo công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến hết năm 2011, cả nước có 65/105 CTCK báo lỗ, 71/105 CTCK...
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với nhiệm vụ là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tiến trình cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển.
Trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của thị trường này chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đối với nhiệm vụ của TTCK. Điều này đang đặt ra yêu cầu cấp bách tái cấu trúc TTCK một cách đồng bộ, mạnh mẽ.
Tái cấu trúc công ty chứng khoán – tâm điểm của TTCK
Công ty chứng khoán (CTCK) là định chế tài chính trung gian đóng vai trò là mắt xích quan trọng kết nối nhiều thành viên trên TTCK… Với vai trò quan trọng như vậy cho nên CTCK trở thành đối tượng đầu tiên tiến hành tái cấu trúc mặc dù đề án tái cấu trúc TTCK vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Theo công bố của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến hết năm 2011, cả nước có 65/105 CTCK báo lỗ, 71/105 CTCK có lỗ lũy kế. Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, hoạt động của các CTCK đạt hiệu quả kém, chỉ tiêu an toàn tài chính thấp, do đó, nếu không thực hiện tái cấu trúc triệt để (trong đó mấu chốt là tái cấu trúc hoạt động tài chính) thì các CTCK – trụ cột chính của TTCK – sẽ không thể trụ vững và thực hiện được vai trò, vị trí và nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc các CTCK phải được thực hiện theo lộ trình, có bước đi thận trọng, chắc chắn nhằm không làm xáo trộn hoạt động của TTCK cũng như các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước, bảo đảm lợi ích hợp pháp của khách hàng; có sự quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Với quan điểm chỉ đạo đó, đến nay, về cơ bản, UBCKNN đã hoàn thành công tác rà soát, đánh giá và phân loại các CTCK thành ba nhóm, trong đó nhóm một (nhóm bình thường) gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro hơn 150%, có lãi hoặc lỗ lũy kế dưới 30% vốn điều lệ; nhóm hai (nhóm kiểm soát) bao gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% tới hơn 120% và có lỗ lũy kế từ 30% đến 50% vốn điều lệ; nhóm ba (nhóm kiểm soát đặc biệt) gồm các CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 120% và có lỗ lũy kế từ hơn 50% vốn điều lệ.
Trong các phương án, kế hoạch xử lý các CTCK của UBCKNN, đối với các CTCK thuộc nhóm một, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục củng cố hoạt động nhằm bảo toàn vốn, hạn chế rủi ro, giảm các khoản đầu tư, tự doanh, hạn chế việc mở chi nhánh, địa điểm kinh doanh không cần thiết; giảm nghiệp vụ có tính rủi ro cao, cơ cấu lại danh mục đầu tư. Việc rà soát lại vấn đề quản trị công ty sẽ được thực hiện theo hướng cấu trúc lại bộ máy các phòng nghiệp vụ, tinh giảm nhân lực, rà soát quy trình quản trị và kiểm soát rủi ro, xây dựng chiến lược dài hạn, kế hoạch ngắn hạn và trung hạn đáp ứng tình hình thực tế thị trường. Ngoài ra, UBCKNN sẽ tiếp tục rà soát và giám sát chặt chẽ tình hình tài chính, trong đó có vấn đề biến động vốn chủ sở hữu, khả năng thanh khoản và chỉ tiêu lợi nhuận.
Đối với nhóm hai và nhóm ba, cơ quan quản lý nhà nước sẽ lập kế hoạch làm việc với Hội đồng quản trị để tìm hiểu, phối hợp lập phương án khắc phục, trước hết sẽ để các CTCK chủ động khắc phục và tự giải quyết. Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán phối hợp thực hiện việc rút nghiệp vụ môi giới, rút tư cách thành viên trên cơ sở tự nguyện của các CTCK. Bắt đầu từ tháng 4-2012, UBCKNN sẽ ban hành quyết định hành chính đặt những CTCK có tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro dưới 150% trong ba tháng liên tục liền trước vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đồng thời thực hiện kiểm tra tại chỗ tình hình tài chính của các công ty này. Đối với các CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt trong thời hạn quy định, UBCKNN sẽ đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động. Và theo như khẳng định của Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, năm 2012, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động CTCK, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước sẽ được UBCKNN đặt thành nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Ngoài ra, UBCKNN đã đề xuất một số giải pháp quan trọng về tín dụng, tiền tệ, thuế để giúp CTCK và TTCK phát triển, trong đó đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách tín dụng với TTCK một cách linh hoạt trên cơ sở không cào bằng, có phân biệt tình trạng tài chính và quản trị của từng ngân hàng, không thắt chặt tiếp mà giữ trên cơ sở mặt bằng hiện tại để tạo tín hiệu thu hút dòng tiền từ khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Về chính sách thuế, UBCKNN kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục kéo dài việc miễn giảm thuế đối với lĩnh vực chứng khoán và TTCK cùng với việc tiếp tục rà soát lại các mức thuế áp dụng đối với nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư, các nghiệp vụ mới repo, giao dịch ký quỹ… theo hướng khuyến khích và phát triển nhà đầu tư tổ chức, tạo điều kiện cho việc ra đời các sản phẩm mới phù hợp với thông lệ quốc tế.
Giai đoạn 2012 – 2015 cơ bản hoàn thành tái cấu trúc TTCK
Để quá trình tái cấu trúc TTCK đạt kết quả cao, việc xác định rõ các mục tiêu cơ bản của quá trình tái cấu trúc TTCK theo hướng thu hẹp số lượng các CTCK, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán… đã được Bộ Tài chính khẳng định. Đồng thời, những yêu cầu cụ thể của quá trình tái cấu trúc TTCK cũng được đặt ra, trong đó, yêu cầu tiên quyết là quá trình tái cấu trúc phải dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất, phù hợp điều kiện thực tế và kế hoạch tái cơ cấu cả nền kinh tế; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và sự an toàn của cả hệ thống; thực hiện theo nguyên tắc thị trường, cơ quan quản lý nhà nước không làm thay DN; chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế…
Với hệ thống mục tiêu và quan điểm nêu trên, Bộ Tài chính xác định rõ nội dung của quá trình tái cấu trúc TTCK bao gồm: tái cấu trúc hàng hóa; tái cấu trúc cơ sở các nhà đầu tư (hướng tới nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp); tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng nâng cao năng lực tài chính, chất lượng dịch vụ và phòng ngừa rủi ro; cơ cấu lại sở giao dịch chứng khoán, thị trường giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc thống nhất, chuẩn mực…
Bộ Tài chính cũng khẳng định, sẽ hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc TTCK trong giai đoạn 2012-2015 với năm bước đi cụ thể, trong đó, giai đoạn 2012-2013 sẽ tập trung tái cấu trúc các CTCK, công ty quản lý quỹ. Trong các năm từ 2012 đến 2015 sẽ tái cấu trúc thị trường giao dịch chứng khoán (bao gồm cả tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán, phân định khu vực thị trường cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm phái sinh); hàng hóa; cơ sở các nhà đầu tư, các sản phẩm dịch vụ mới… Trước mắt, ngay trong năm 2012, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thí điểm thành lập công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư dạng mở, phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu…
Tái cấu trúc TTCK là nhằm thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về tái cấu trúc nền kinh tế. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức cấp bách để đáp ứng yêu cầu về vốn dài hạn cho nền kinh tế, củng cố hệ thống thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm quản trị rủi ro, an toàn hệ thống tài chính…
Theo Nhandan
Ý kiến ()