Tái cấu trúc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp
Để các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thành viên và sự phát triển của nền kinh tế, cần đổi mới cách nghĩ, cách làm thật cụ thể, phải coi đây là cuộc cách mạng mới trên mặt trận nông nghiệp.
Để các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thành viên và sự phát triển của nền kinh tế, cần đổi mới cách nghĩ, cách làm thật cụ thể, phải coi đây là cuộc cách mạng mới trên mặt trận nông nghiệp.
Cả làng là thành viên HTX Trong dịp kiểm điểm tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khóa IX vừa qua về củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, chúng tôi đi khảo sát thực tế tại các HTX nông nghiệp, thấy được nhiều nét chuyển biến mới, tích cực của nhiều HTX này. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn các HTX dịch vụ nông nghiệp hiện nay có quy mô còn nhỏ, hiệu quả kinh tế mang lại cho xã viên (Luật HTX năm 2012 gọi là thành viên) chưa nhiều…
thành viên ít gắn bó trách nhiệm với HTX; khi chuyển đổi HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 1996 và 2003, phần lớn thành viên trong các HTX nông nghiệp không thực hiện việc góp thêm vốn mới, mà chủ yếu là số vốn ít ỏi, có vài chục nghìn đồng chuyển giao từ các HTX nông nghiệp (kiểu cũ) trước đây chuyển sang. Do vậy, khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới, các HTX nông nghiệp không có đủ nguồn vốn để cung ứng các dịch vụ về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho thành viên, cộng với sự thiếu năng động, trách nhiệm và trình độ hạn chế của giám đốc HTX và ban quản trị, không có kế hoạch sản xuất, cung ứng dịch vụ cụ thể, dẫn đến nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng theo sự chỉ đạo của UBND xã, chứ không phải là đơn vị kinh tế độc lập, tự chủ với hiệu quả cụ thể.
Nhiều nơi, HTX cấp thôn rất nhỏ, không đủ sức để làm dịch vụ cho thành viên, trụ sở HTX không có, hoạt động chỉ mang tính hình thức, cho nên là thành viên HTX với không phải là thành viên HTX không có gì khác nhau. Vì vậy, hiện tượng cả làng là thành viên HTX đang phổ biến ở rất nhiều làng quê Việt Nam. Có HTX nông nghiệp cấp xã trước đây có trụ sở làm việc, sân phơi rộng rãi, nay UBND xã sử dụng phần lớn diện tích với nhà cửa khang trang, còn dồn lại cho HTX hai gian nhà cấp 4. Giám đốc, ban quản trị HTX nhiều nơi phần lớn hơn 50 tuổi, trình độ hạn chế, trách nhiệm, nhiệt tình cũng có hạn; ít nơi có chủ nhiệm còn trẻ, nếu có thì chỉ muốn làm ở HTX một vài năm, có cơ hội để chuyển sang làm công tác đảng, chính quyền xã…
Ngược lại, đã xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều hộ nông dân làm ăn khá giả, với sản lượng lúa, tôm, cá, gia súc, gia cầm với sản lượng lớn nhưng thu nhập vẫn bấp bênh vì nhiều khi đến kỳ thu hoạch lại không bán được sản phẩm do mình làm ra, hoặc bị ép cấp, ép giá quá đáng, khiến bà con nông dân chịu nhiều thua thiệt… Cho nên, khi được hỏi: phần lớn thành viên vẫn cho rằng không thể xóa bỏ được các HTX nông nghiệp, ngược lại, nhu cầu liên kết, hợp tác ngày càng cần thiết trong lúc này.
Đổi mới về nhận thức, cách làm Để HTX nông nghiệp ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của thành viên và sự phát triển của nền kinh tế, theo chúng tôi, trước hết, các cấp ủy đảng từ trung ương đến địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể đến cấp xã trong việc chuyển đổi về nhận thức và hành động, thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi các HTX nông nghiệp hiện nay theo đúng Luật HTX năm 2012 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013.
Trong đó, quy định các thành viên khi vào HTX phải góp vốn theo quy định của Điều lệ HTX và phải có nhu cầu hợp tác thật sự, tránh tình trạng cả làng là thành viên HTX nhưng sự gắn bó, trách nhiệm rất lỏng lẻo…
Phải tái cấu trúc HTX nông nghiệp để thật sự là HTX dịch vụ nông nghiệp đa năng và có hiệu quả cả về kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Trong đó, việc xây dựng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý HTX là việc làm quan trọng đầu tiên. Hiện nay, có tới hơn 70% chủ nhiệm các HTX nông nghiệp ở độ tuổi hơn 50 và 60, trình độ có hạn, nên để tham gia các khóa đào tạo dài hạn là rất khó; trong khi đó tại nhiều địa phương, số thanh niên trẻ tốt nghiệp đại học khá nhiều.
Do vậy, nếu Đảng, Nhà nước có chính sách, cơ chế khuyến khích, động viên số thanh niên trí thức này tham gia bộ máy lãnh đạo các HTX nông nghiệp, vừa phát huy được năng lực của họ, vừa phát huy được nguồn lực chất xám tại chỗ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nông thôn mới hiện nay. Ngoài việc động viên, khuyến khích bằng quyền lợi vật chất, cần có chủ trương, chỉ đạo trong các cấp ủy đảng tại các địa phương để giới thiệu các trí thức trẻ ở địa phương tham gia làm Phó Giám đốc HTX, dần sẽ làm chuyển biến về chất trong các HTX nông nghiệp hiện nay…
Nhà nước cần có chính sách rất cụ thể, hỗ trợ các HTX nông nghiệp về đất làm trụ sở, nhà kho, khu chế biến, đóng gói và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp. Thậm chí, nghiên cứu có thể bán đất với giá rẻ cho các HTX nông nghiệp làm các công trình dịch vụ phục vụ cho sản xuất, đời sống và văn hóa cho sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để các HTX có sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng, tránh hỗ trợ chung chung qua đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà không đến được các HTX và bà con nông dân.
Chính phủ cần có riêng chính sách cho vay vốn với lãi suất thấp cho các HTX và công ty làm dịch vụ nông nghiệp như ở Hàn Quốc, Thái-lan, Nhật Bản.
Đặc biệt, cần có chính sách và cơ chế kiểm soát chặt chẽ chất lượng và phân phối các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.
Liên minh HTX các cấp cần phải sâu sát HTX, tư vấn hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho HTX về kế hoạch sản xuất, dịch vụ, công tác kế toán, xây dựng đề án, phương án sản xuất, dịch vụ, tư vấn về chính sách, pháp luật một cách cụ thể như: lợi thế so sánh của địa phương, HTX là gì, đầu tư và sản xuất vào lĩnh vực nào thì có lợi, có những chính sách pháp luật nào trong xây dựng và phát triển HTX, giúp các HTX nông nghiệp xây dựng Điều lệ HTX một cách cụ thể sát với tình hình phát triển của địa phương. Giúp các giám đốc HTX mở rộng mối quan hệ kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết với các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, các cửa hàng, siêu thị thông qua các hợp đồng kinh tế. Ngoài ra, nhiều nơi HTX dịch vụ nông nghiệp còn là đơn vị kinh tế trực tiếp tại cơ sở làm công tác vệ sinh môi trường, dịch vụ điện năng, nước sạch, thương mại rất tốt tại các vùng nông thôn, miền núi…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()