Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước
Trong quý IV-2011, Công ty than Mạo Khê (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) phấn đấu sản xuất 437.497 tấn than nguyên khai, đạt tổng doanh thu hơn 400 tỷ đồng. Trong ảnh: Sản xuất than sạch xuất khẩu tại Công ty than Mạo Khê. Ảnh: ĐĂNG KHOA Nghị quyết hội nghị Trung ương 3 khẳng định quyết tâm chiến lược về tái cấu trúc nền kinh tế trên ba trọng tâm là: Hệ thống tiền tệ, đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nếu nhìn ở một cách tiếp cận khác thì có thể thấy sự kết tụ của ba nội dung trên, cơ bản nhất vẫn là doanh nghiệp, trong đó có DNNN.Bởi vì hệ thống tiền tệ đang được các ngân hàng thương mại (với tư cách là doanh nghiệp, trong đó các ngân hàng Nhà nước nắm sự chi phối lớn); tương tự, hơn 80% giá trị đầu tư công ở nước ta hiện đang được thực hiện bởi các DNNN. Tựu chung lại, trong kinh tế thị trường nói chung, sự vận doanh hiệu quả của các doanh nghiệp vừa là mục tiêu vừa là kết quả mong...
|
Bởi vì hệ thống tiền tệ đang được các ngân hàng thương mại (với tư cách là doanh nghiệp, trong đó các ngân hàng Nhà nước nắm sự chi phối lớn); tương tự, hơn 80% giá trị đầu tư công ở nước ta hiện đang được thực hiện bởi các DNNN. Tựu chung lại, trong kinh tế thị trường nói chung, sự vận doanh hiệu quả của các doanh nghiệp vừa là mục tiêu vừa là kết quả mong đợi của Nhà nước và của toàn dân.
Lẽ dĩ nhiên, tái cấu trúc doanh nghiệp không thể và không chỉ là của mỗi doanh nghiệp mà phải là sứ mệnh của cả hệ thống chính trị. Dưới đây xin đề cập đến hai chủ thể quyết định nhất: Nhà nước và doanh nghiệp.
Trước hết, hãy quan sát một thực tiễn ở nước ta diễn ra từ rất lâu. Hệ thống công nghiệp Việt Nam chẳng hạn, đã và đang được “quản lý, điều hành” ở hơn 10 bộ, ngành khác nhau, thí dụ: ngoài sự quản lý nhà nước với một số ngành công nghiệp của Bộ Công thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) thì doanh nghiệp đóng tàu, phương tiện vận tải do Bộ Giao thông vận tải quản lý; doanh nghiệp vật liệu xây dựng (xi-măng, sành, sứ…) do Bộ Xây dựng quản lý, tương tự dược phẩm… thuộc Bộ Y tế; chế biến nông – lâm – thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thiết bị dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo; thiết bị điện do Bộ Thông tin – Truyền thông; sản xuất chân tay giả do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý… Một hệ thống doanh nghiệp công nghiệp như vậy được “sắp đặt sự quản lý của hơn 10 bộ, ngành với ý tưởng, ý chí, sáng kiến và kiến thức, tập quán quản lý khác nhau sẽ rất dễ được vận doanh theo các thiết chế khác nhau, không loại trừ sự tác động có tính chất ngẫu hứng của các quyết định quản lý. Có thể rà soát các thông tư, quy định quản lý của các bộ đối với các doanh nghiệp trực thuộc để thấy sự thiếu nhất quán lớn đang tồn tại. Cách phân chia quản lý theo ngành này cũng là một nguyên nhân dẫn đến phân tán nguồn lực, lãng phí đầu tư. Thí dụ, ở nhiều bộ đều có Tổng Công ty Cơ khí với việc đầu tư, trang bị khá độc lập nhau nên việc khai thác năng lực thiết bị nhiều khi trở nên bất cập. Qua dẫn chứng này để thấy rằng Nhà nước – chủ thể kiến tạo thể chế quản lý chung cần trước hết tạo dựng hệ thống pháp lý để tạo tiền đề cho khởi sự quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.
Sự ra đời của các DNNN dựa trên hệ thống bị chia cắt theo quản lý ngành khiến cho hình thái tổ chức, triết lý quản trị đến phương thức tổ chức vận doanh thiếu tính hướng định. Nếu các doanh nghiệp nói chung mới bắt đầu được chế định bởi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2006 thì hệ thống DNNN là “thành viên” trẻ tuổi nhất của luật chơi chung này. Và xét một cách khách quan thì họ chưa đủ thời gian thoát ly khỏi những điều luật cũ, để tuân thủ các điều luật mới. Theo đó, từ các đề án, dự án, phương án kinh doanh đến việc bổ nhiệm, đề bạt… ở hệ thống DNNN vẫn được chi phối khá trực tiếp của các “cơ quan tham mưu” của các bộ chủ quản và ở các cấp khác cao hơn. Và lẽ dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp, sự quản lý của các bộ, ngành chủ quản chưa hẳn đã theo Luật Doanh nghiệp. Sự hoạt động lúng túng của nhiều DNNN, trong đó có cả các tập đoàn kinh tế mạnh, thông qua những sự việc được phát hiện còn cho thấy những lỗ hổng lớn cả về quản lý nhà nước (trong các quy định pháp luật, các văn bản dưới luật của các cơ quan chủ quản và ngay cả trong điều lệ hoạt động của chính các doanh nghiệp này). Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không có nổi báo cáo tài chính hợp nhất, chưa có quy chế quản lý tài chính chung…
Mục tiêu của tái cấu trúc doanh nghiệp
Đây là vấn đề tưởng chừng đơn giản, song rất khó cắt nghĩa và lại là vấn đề hết sức quyết định. Lỗi thường gặp của nhiều quy định quản lý đáng tiếc lại thường xuất phát từ việc không xác định rõ mục tiêu. Thường thì khi theo đuổi một mục tiêu này sẽ qua đó đạt được mục tiêu khác, song không phải luôn như vậy. Trong nhiều trường hợp, việc theo đuổi một mục tiêu nào đó lại ảnh hưởng, thậm chí kìm hãm, phản chiều với mục tiêu khác. Đây là một trong những điều khởi đầu của tái cấu trúc tư duy theo hướng khoa học, nó thay thế cho tư duy theo lối mòn, kinh nghiệm chủ nghĩa và quá nhấn mạnh vào hành động. Từ đó, cần khẳng định mục tiêu tái cấu trúc doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới là hình thành một mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế để đến năm 2015, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước đứng đầu trong xếp hạng quản trị tốt.
Có thể khái quát mức độ tốt của quản trị doanh nghiệp (theo các tiêu chí chủ yếu mà tổ chức các nước kinh tế phát triển – OECD đưa ra) qua bốn cấp độ thứ tự từ tôn trọng pháp luật, hiệu quả, sự minh bạch đến trách nhiệm cộng đồng. Theo đó, quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam cần lấy các tiêu chí này làm mục tiêu thực hiện.
Nội hàm của tái cấu trúc doanh nghiệp
Theo mạch tư duy đó, tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ bao gồm nhiều nội dung hết sức phong phú và đa dạng, trong đó có sự phân vai tổ chức thực hiện quyết liệt của cả hệ thống chính trị mà trước hết là của Nhà nước và các doanh nghiệp.
Trước hết là vai trò của Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế đối với các doanh nghiệp, có năm nhóm việc lớn:
Thứ nhất, hoàn thiện các đạo luật liên quan đến doanh nghiệp như các Luật: Doanh nghiệp, Thương mại, Phá sản, Cạnh tranh.
Thứ hai, hoàn thiện các định chế hỗ trợ doanh nghiệp như: Hệ thống tín dụng, Ủy ban chứng khoán, Hệ thống kiểm toán, hải quan…
Thứ ba, ban hành các quy định khung cho một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại. Đây là điều mà từ trước tới nay ít được quan tâm khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng. Đã đến lúc Nhà nước cần ban hành các hướng dẫn mang tính chuẩn mực và buộc các doanh nghiệp phải thực hiện. Trong đó có việc ban hành điều lệ mẫu cho các doanh nghiệp (theo cách tiếp cận quản trị doanh nghiệp hiện đại), các mẫu quy chế quản trị nội bộ doanh nghiệp để bảo đảm minh bạch, trong đó đặc biệt là quy chế tài chính, quy chế điều hành, quy chế mua sắm, quy chế quản lý tiền tệ, quy chế đầu tư, quy chế quản lý kho, quy chế về khoa học công nghệ và môi trường, quy chế về cán bộ và nhân sự, quy chế bảo vệ môi trường, quy chế hoạt động cộng đồng,… việc ban hành các mẫu quy chế này theo mô hình quản trị hiện đại là hết sức cấp thiết vì đó thật sự là công việc của Nhà nước để các doanh nghiệp hoạt động theo chuẩn mực.
Thứ tư, là hệ thống kiểm soát doanh nghiệp. Đây là nội dung cần tái cấu trúc triệt để theo hướng tập trung vào đầu mối là hệ thống kiểm toán gồm kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước. Chỉ khi cơ quan kiểm toán kiến nghị thì cơ quan điều tra mới vào cuộc. Thực tiễn cho thấy, việc kiểm soát quá trình kinh doanh trước hết thuộc về các tổ chức quản lý kinh tế, sẽ sát thực hơn, hiệu quả hơn. Quá trình hình sự hóa hoạt động kinh tế nói chung và quản trị kinh doanh ở doanh nghiệp nói riêng chỉ là khâu cuối, bất đắc dĩ.
Thứ năm và là quyết định khó khăn của Nhà nước là quá trình giảm số lượng DNNN bằng các hình thức chuyển đổi sở hữu. Chính phủ đã có quyết định phân loại doanh nghiệp, theo đó quá trình chuyển đổi sở hữu cần được tiến hành quyết liệt hơn. Tuy vậy, sự tồn tại của DNNN trong một số ngành, lĩnh vực vẫn là một tất yếu khách quan, do vậy tái cấu trúc DN nói chung, DNNN nói riêng với các nội dung đúng đắn có ý nghĩa quyết định. Việc giảm số lượng DNNN thông qua cổ phần hóa chỉ là sự thay đổi về lượng, chủ thể quyết định và nội hàm của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp vẫn là công việc của Nhà nước. Ở đây, một lần nữa, sự tái cấu trúc tư duy đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
Thuật ngữ tái cấu trúc đáng tiếc không được tìm thấy trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, bởi vậy đòi hỏi một sự nghiên cứu, xác định mới. Nếu Nhà nước giữ vai trò tạo ra cuộc chơi thì các doanh nghiệp chính là các cầu thủ. Doanh nghiệp – cụ thể là các nhà quản trị doanh nghiệp sẽ là người quyết định sự thành bại của công cuộc quan trọng này. Ngoài tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm… thì kiến thức quản trị học doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số công việc quan trọng cần thực hiện của DN nói chung và DNNN trong quá trình tái cấu trúc.
Thứ nhất, xác định lại tầm nhìn, triết lý, mục tiêu và Chiến lược kinh doanh dài hạn cho doanh nghiệp. Đây cần được coi là tâm điểm của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp bởi nó sẽ quyết định toàn bộ việc huy động và sử dụng mọi nguồn lực của doanh nghiệp, quyết định sự thành bại trong dài hạn của doanh nghiệp.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hệ thống thiết chế nội bộ doanh nghiệp theo hướng quản trị hiện đại. Trong doanh nghiệp thường bao gồm bốn loại văn bản thiết chế chính là:
– Điều lệ doanh nghiệp – thường được coi như Luật nội bộ của doanh nghiệp.
– Các quy chế cần được Nhà nước hướng dẫn để có quy cách, nội hàm phù hợp với thể chế Nhà nước. Qua thực tiễn hoạt động của DNNN, quy chế là khâu yếu nhất trong hoạt động quản trị. Nhiều DN thiếu cả các quy chế quan trọng, nội dung quy chế còn nhiều điểm bất cập, nhất là việc tôn trọng quy chế của chính các nhà quản trị DN.
– Các quy định, quyết định, nội quy thực hiện điều lệ và quy chế.
– Các văn bản, chỉ dẫn khác (công văn, thông báo, khuyến cáo…).
Đây là hệ thống văn bản nội bộ quyết định trực tiếp đến quá trình quản trị doanh nghiệp, nó là hệ thống rất động, rất linh hoạt bởi vậy rất cần được các doanh nghiệp thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện để thích ứng với chiến lược dài hạn cũng như môi trường kinh doanh đầy biến động. Điều này càng có ý nghĩa sống còn đối với quá trình tái cấu trúc ở các tập đoàn kinh tế lớn, kinh doanh đa lĩnh vực, nhiều cấp quản trị, nhiều loại hình doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn, địa bàn hoạt động rộng…
Thứ ba, kiện toàn lại hệ thống tổ chức quản trị doanh nghiệp gồm cả hai phân hệ: tổ chức lại hệ thống sản xuất, kỹ thuật công nghệ và theo đó hình thành cơ cấu tổ chức quản trị thích ứng. Việc tổ chức sản xuất kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực cần được soát, xét lại, theo hướng vừa tránh rủi ro kinh doanh, vừa có ngành kinh doanh chủ đạo, lại loại bỏ được tư tưởng tổ chức sản xuất khép kín, trái với xu thế phân công và hợp tác sản xuất trong quá trình toàn cầu hóa. Cần quán triệt một nguyên lý quản trị là càng khép kín quá trình kinh doanh trong một doanh nghiệp, hay trong một tập đoàn thì tính hiệu quả càng thấp và khả năng kết nối với mạng lưới sản xuất toàn cầu càng suy giảm, về lâu dài sức trạnh tranh sẽ bị triệt tiêu.
Thứ tư, phát triển đội ngũ quản trị viên có kiến thức mới, sử dụng tối đa các dịch vụ tư vấn bên ngoài doanh nghiệp. “Cờ ngoài bài trong” là câu thành ngữ rất phù hợp cho quá trình thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp của những nhà quản trị hiện tại. Trong khi tái cấu trúc đòi hỏi tư duy mới thì thói quen, lối mòn kinh nghiệm, sự thiếu hụt kiến thức là lực cản lớn nhất cho quá trình tái cấu trúc, đặc biệt là đội ngũ quản trị trong các DNNN.
Quá trình phát triển kinh tế thường đi theo quy luật: khi các doanh nghiệp lớn mạnh thì “dư địa” quản lý nhà nước dần thu hẹp, sự lớn mạnh của các DN quyết định cả thể chế kinh tế. Nhà nước từ vai trò “chỉ đạo, dẫn dắt” sẽ chuyển sang đảm nhiệm vai trò dịch vụ công. Theo đó công cuộc tái cấu trúc DN ban đầu là sự xúc tác và xung trận của Nhà nước dần sẽ chuyển sang vai trò của chính các nhà quản trị DN.
Để nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, chúng ta cần có hệ thống DN đông đảo và hiệu quả. Vì thế hơn lúc nào hết, một ủy ban quốc gia về quản trị doanh nghiệp cần được thiết lập ở Việt Nam và một hệ thống tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam cần được công bố sớm để dẫn dắt cho quá trình tái cấu trúc quan trọng này.
Đây cũng sẽ là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3 của Đảng ta, đồng thời là bước quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()