Tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm trong giai đoạn mới
Tham gia thị trường mới hình thành trong thời kỳ mở cửa, đổi mới, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, và nguồn vốn huy động được trên thị trường bảo hiểm (TTBH) đã được đầu tư trở lại nền kinh tế với số tiền lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và khu vực đã khiến DNBH chịu sức ép lớn về hiệu quả kinh doanh bảo hiểm và đầu tư. Vì vậy, việc bảo đảm khả năng thanh toán và tính hiệu quả của các DNBH trong tình hình mới đòi hỏi các DNBH phải được tái cấu trúc toàn diện.Phát triển nhanh và mạnhTheo thống kê của Bộ Tài chính, trong suốt giai đoạn 2003-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Bảo hiểm đạt 18,5%/năm, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng GDP (riêng năm 2010, ngành Bảo hiểm đã đóng góp vào GDP 1,92%). Năm 2011, doanh thu toàn ngành Bảo hiểm đạt 47.007 tỷ đồng, tăng 20,11% so năm 2010. Tổng số tiền đã huy động được...
Tham gia thị trường mới hình thành trong thời kỳ mở cửa, đổi mới, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao, và nguồn vốn huy động được trên thị trường bảo hiểm (TTBH) đã được đầu tư trở lại nền kinh tế với số tiền lớn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, tác động của khủng hoảng tài chính thế giới và khu vực đã khiến DNBH chịu sức ép lớn về hiệu quả kinh doanh bảo hiểm và đầu tư. Vì vậy, việc bảo đảm khả năng thanh toán và tính hiệu quả của các DNBH trong tình hình mới đòi hỏi các DNBH phải được tái cấu trúc toàn diện.
Phát triển nhanh và mạnh
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong suốt giai đoạn 2003-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Bảo hiểm đạt 18,5%/năm, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng GDP (riêng năm 2010, ngành Bảo hiểm đã đóng góp vào GDP 1,92%). Năm 2011, doanh thu toàn ngành Bảo hiểm đạt 47.007 tỷ đồng, tăng 20,11% so năm 2010. Tổng số tiền đã huy động được từ bảo hiểm để đầu tư trở lại cho nền kinh tế tăng 5,5 lần, từ 14.602 tỷ đồng (năm 2003) lên 83.080 tỷ đồng (năm 2011). Đây là nguồn vốn có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn, thị trường tài chính cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Trên thị trường hiện nay có 57 DNBH, trong đó 29 DNBH phi nhân thọ, 14 DNBH nhân thọ, 12 DN môi giới bảo hiểm và hai DN tái bảo hiểm. Ngoài ra, có 31 văn phòng đại diện của các DNBH, DN môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, TTBH vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tổng doanh thu phí bảo hiểm chín tháng qua ước đạt 30.144 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.361 tỷ đồng (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2011), doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 12.783 tỷ đồng (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2011). Tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 3.227 tỷ đồng.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, có khá nhiều yếu tố dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của TTBH Việt Nam những năm gần đây, quan trọng nhất là Nhà nước đã có những định hướng chiến lược và điều hành TTBH phát triển một cách an toàn, lành mạnh. Xét về yếu tố nội tại của DNBH, công tác quản trị, điều hành và hoạt động kinh doanh của các DNBH cũng có nhiều tiến bộ, đáng quan tâm nhất là công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm bảo hiểm nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức kinh tế – xã hội và dân cư. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, chú trọng vào nhu cầu và khả năng tài chính thật sự của khách hàng. Chất lượng phục vụ khách hàng tham gia bảo hiểm có bước cải tiến đáng kể, năng lực tài chính các DNBH được nâng cao. Nguồn vốn chủ sở hữu của DNBH năm 1993 (chỉ có duy nhất Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam) là 50 tỷ đồng. Năm 2011, con số này đã lên tới hơn 34 nghìn tỷ đồng, với hệ thống các DNBH rộng khắp. Năng lực đầu tư của các DNBH được nâng cao, với quy mô quỹ đầu tư tính đến hết năm 2011 của toàn ngành đạt 83.080 tỷ đồng. Điều đó thể hiện tốc độ tăng trưởng đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH là khá nhanh và ổn định.
Mặt khác trình độ đội ngũ cán bộ cũng được cải thiện rõ rệt, nhất là trình độ cán bộ quản trị điều hành, chuyên gia quản lý rủi ro, thẩm định và định phí bảo hiểm, trích lập dự phòng nghiệp vụ và tính biên khả năng thanh toán. Đáng chú ý, các DNBH nhà nước đã hoàn thành việc sắp xếp lại theo hướng chuyển đổi thành công ty cổ phần như Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare). Nhìn chung, sau khi chuyển đổi hình thức sở hữu, các DN nêu trên đều hoạt động tốt, phát huy thế mạnh sẵn có và tận dụng lợi thế của các cổ đông chiến lược, góp phần phát triển TTBH trong nước an toàn, lành mạnh.
Tái cấu trúc toàn diện
Mặc dù đã đạt được những kết quả khá quan trọng nói trên, song TTBH và các DNBH vẫn còn những hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, đáng chú ý là DNBH còn bỏ ngỏ hoặc chưa được quan tâm đúng mức đến nhiều mảng thị trường, hoặc đối tượng khách hàng mục tiêu như các loại bảo hiểm: y tế, chăm sóc sức khỏe, hưu trí tự nguyện, trách nhiệm sản phẩm, hộ gia đình, nông nghiệp, vi mô cho người có thu nhập thấp, thiên tai…
Các DNBH chưa phân đoạn được thị trường hoạt động phù hợp năng lực tài chính, ưu thế công nghệ hoặc lĩnh vực ngành nghề. Phần lớn áp dụng mô hình tổ chức bộ máy na ná nhau, kinh doanh dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm về sản phẩm, chất lượng dịch vụ, thị trường, khách hàng mục tiêu. Phần lớn các DNBH mới chỉ đáp ứng yêu cầu về mức vốn điều lệ tối thiểu, có quy mô như nhau và nhỏ so với các DNBH nước ngoài… cho nên cùng với việc phải lo bảo toàn vốn, việc không đủ khả năng tài chính dài hạn để đầu tư phát triển sản phẩm mới, đầu tư công nghệ, mở rộng địa bàn kinh doanh, nâng cao năng lực nhận bảo hiểm, nhận tái bảo hiểm trong bối cảnh thị trường mở cửa và hội nhập quốc tế… là thực tế đáng lo ngại.
Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức và chưa được thực hiện thường xuyên… dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, không kiểm soát và đánh giá được hoạt động đầu tư tài chính, nguồn vốn dự phòng nghiệp vụ, trục lợi bảo hiểm, gây bất ổn về khả năng thanh toán cho DNBH. Hiện tượng các tổ chức bảo hiểm chuyên ngành do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm quyền chi phối… gây nên độc quyền kinh doanh trong ngành, làm hạn chế quyền của các tổ chức, cá nhân trong ngành lựa chọn các DNBH khác. Do độc quyền cho nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ giá thành bảo hiểm, tạo ra sự tích tụ rủi ro lớn cho chính các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ngoài ra, việc cạnh tranh với thị trường bên ngoài của các tổ chức bảo hiểm này cùng góp phần bóp méo thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bất bình đẳng. Thêm vào đó, ở Việt Nam đã hình thành năm DNBH trực thuộc hệ thống ngân hàng thương mại, tạo nhiều nguy cơ rủi ro tiềm ẩn như hầu hết các nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn từ dự phòng nghiệp vụ được đầu tư trở lại chính các ngân hàng mẹ thông qua hình thức tiền gửi, làm ảnh hưởng đến sự an toàn tài chính của từng DNBH nói riêng và TTBH nói chung.
Nhìn rộng ra trên thế giới, khi một số tập đoàn tài chính bảo hiểm hàng đầu thế giới do khó khăn tài chính đã buộc phải thực hiện tái cấu trúc và quá trình toàn cầu hóa về thương mại và dịch vụ tài chính buộc TTBH các nước ngày càng phụ thuộc nhau… dẫn đến yêu cầu cấp thiết về hài hòa hóa chính sách về quản lý, giám sát bảo hiểm và xu hướng đan xen giữa các định chế kinh tế, tài chính xuyên quốc gia; tình hình biến đổi về môi trường, thời tiết, khí hậu ngày càng khó dự đoán… đã gây ra thiệt hại lớn đối với ngành bảo hiểm, tạo sức ép lớn về năng lực nhận bảo hiểm của TTBH quốc tế… cũng đã đặt DNBH, TTBH ở Việt Nam trước yêu cầu phải tái cấu trúc toàn diện để có thể phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại, đạt chất lượng và năng lực cạnh tranh quốc tế các loại thị trường dịch vụ. Chỉ có vậy, Việt Nam mới có thể xây dựng và vận hành được một TTBH hiện đại, đúng với vị trí và vai trò của thành viên chính thức Hiệp hội quốc tế các nhà quản lý bảo hiểm (IAIS).
Sắp tới, cùng với Đề án tái cấu trúc DNNN, đề án tái cấu trúc DNBH sẽ được phê duyệt, đồng thời sẽ xây dựng những chuẩn mực theo một hệ thống giám sát và đánh giá, phân loại DNBH một cách thống nhất. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức đánh giá, phân loại DNBH và thực hiện các giải pháp tái cấu trúc một cách toàn diện và phù hợp từng DNBH. Đây là bước đi cần thiết nâng cao chất lượng của TTBH và DNBH. Rõ ràng, để thực hiện định hướng phát triển lâu dài và bền vững TTBH Việt Nam giai đoạn 2011-2020 thì các DNBH cần phát triển theo hướng bảo đảm năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, hoạt động hiệu quả, bảo đảm khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Ngoài các giải pháp trước mắt, DNBH cần có chiến lược phát triển lâu dài, nhất là tăng cường năng lực quản trị và hoạt động cả về mức độ an toàn tài chính, quản trị được các rủi ro DN, minh bạch hóa được các thông tin quan trọng về khả năng thanh toán và tình hình tài chính. Có vậy, DNBH mới làm tốt vai trò của mình là trụ cột của TTBH, là nhân tố quyết định và quan trọng trong tiến trình tái cấu trúc TTBH.
Theo Nhandan
Ý kiến ()