Công ty TNHH MTV Cao-su Đác Lắc (DAKRUCO) được chuyển đổi mô hình hoạt động theo Quyết định số 2440/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đác Lắc trên cơ sở Liên hiệp các Xí nghiệp Cao-su Đác Lắc để thực hiện chủ trương xây dựng vùng chuyên canh và phát triển trên quy mô lớn về cây công nghiệp.Sau ngày chuyển đổi, ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên DAKRUCO từng bước thực hiện chiến lược phát triển dài hạn để khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.Mục tiêu hướng tới của DAKRUCO là trở thành tập đoàn kinh tế đa sở hữu, đa ngành nghề và đa khu vực. Để đạt mục tiêu đó DAKRUCO đã đẩy mạnh công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến yếu tố khảo sát, đánh giá, thiết lập mô hình cấu trúc công ty mới; xác định trách nhiệm, quyền hạn của từng phòng, ban; xây dựng hệ thống quản lý tổng thể; vận hành hệ thống quản lý mới; định hướng quy mô diện tích trồng cây cao-su; đầu tư khoa học - công nghệ; đa...
Công ty TNHH MTV Cao-su Đác Lắc (DAKRUCO) được chuyển đổi mô hình hoạt động theo Quyết định số 2440/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đác Lắc trên cơ sở Liên hiệp các Xí nghiệp Cao-su Đác Lắc để thực hiện chủ trương xây dựng vùng chuyên canh và phát triển trên quy mô lớn về cây công nghiệp.
Sau ngày chuyển đổi, ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, công nhân viên DAKRUCO từng bước thực hiện chiến lược phát triển dài hạn để khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Mục tiêu hướng tới của DAKRUCO là trở thành tập đoàn kinh tế đa sở hữu, đa ngành nghề và đa khu vực. Để đạt mục tiêu đó DAKRUCO đã đẩy mạnh công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến yếu tố khảo sát, đánh giá, thiết lập mô hình cấu trúc công ty mới; xác định trách nhiệm, quyền hạn của từng phòng, ban; xây dựng hệ thống quản lý tổng thể; vận hành hệ thống quản lý mới; định hướng quy mô diện tích trồng cây cao-su; đầu tư khoa học – công nghệ; đa dạng hóa ngành hàng, sản phẩm dịch vụ; đầu tư theo chiều sâu; phát triển các dự án hạ tầng cơ sở; tiết kiệm chi phí; đổi mới cơ chế quản lý, tạo quyền chủ động cho các đơn vị trực thuộc.
Trong thời gian qua DAKRUCO luôn chú trọng đến đầu tư thâm canh, trồng, chăm sóc, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, đào tạo tay nghề cho công nhân cạo mủ, tỷ lệ công nhân có tay nghề khá, giỏi đạt hơn 95%. Hoạt động chế biến được chú trọng cả về số lượng, chất lượng và chủng loại.
Không ngừng nghiên cứu, sản xuất những dòng sản phẩm mới có chất lượng cao kịp thời cung ứng ra thị trường, từ chỗ chỉ có năm loại sản phẩm đến nay công ty đã có 18 loại sản phẩm, trong đó có những sản phẩm mũi nhọn như SVR 3L, Laktex HA, LA… được khách hàng đánh giá cao. DAKRUCO là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Đác Lắc được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2010. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, giúp sản phẩm của công ty khẳng định được uy tín với khách hàng và thâm nhập vào nhiều thị trường khó tính.
Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của DAKRUCO chiếm hơn 90% tổng sản phẩm xuất bán, khách hàng của công ty, chủ yếu tại thị trường châu Âu, châu Á, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Năm 2009 doanh thu xuất khẩu đạt 26 triệu USD, đến năm 2011 đạt 45,4 triệu USD. Năm 2012, tình hình tài chính thế giới gặp nhiều khó khăn, giá mủ cao-su liên tục giảm nhưng doanh thu bán hàng của DAKRUCO vẫn đạt 430 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh tế – xã hội liên tục tăng trưởng, quy mô và diện tích cao-su không ngừng mở rộng. Thương hiệu DAKRUCO được đăng ký bảo hộ trong nước, tại Mỹ và châu Âu.
Hiện nay, diện tích đất để phát triển cây cao-su ngày càng thu hẹp, đây cũng là khó khăn lớn đặt ra cho ban lãnh đạo DAKRUCO. Bên cạnh việc trồng, chăm sóc, khai thác chế biến và xuất khẩu cao-su, công ty còn kinh doanh một số mặt hàng từ gỗ cao-su, hàng nông sản, thiết bị chế biến phân bón, nhiên liệu, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác du lịch, bất động sản và các dụng cụ chuyên ngành cao-su… Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đứng vững trên thương trường, bảo đảm cuộc sống cho gần năm nghìn lao động? Lời giải nằm ngay trong chất lượng sản phẩm, ngành nghề kinh doanh và phương pháp quản lý; chất lượng sản phẩm tốt, có nhiều chủng loại sản phẩm, giá thành hạ và mở rộng đầu tư là yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của công ty.
Trong những năm từ 2001 đến 2007 và trong hai năm 2010 và 2011 giá cao-su thiên nhiên trên thị trường thế giới luôn ở mức cao và ổn định góp phần tăng hiệu quả kinh doanh của công ty, là cơ hội tích luỹ vốn, tạo được khả năng về tài chính tập trung đầu tư sang lĩnh vực khác như: Góp vốn cổ phần Công ty Bia Sài Gòn – Đác Lắc, xây dựng Cụm nhà hàng khách sạn Dakruco, Công ty cổ phần Du lịch Bản Đôn… Phương án huy động vốn nội bộ được coi là một trong những giải pháp giúp công ty cải thiện áp lực về tài chính trong những thời điểm khó khăn, giúp cán bộ, công nhân viên công ty có điều kiện tích lũy để trở thành những người chủ thật sự sau khi cổ phần hóa. Theo đó DAKRUCO đã từng bước chuyển đổi các đơn vị trực thuộc thành các công ty cổ phần như: Dakrutech; Dakruthead; Dakruwood; Daknoruco và DRI…
Trong quá trình tự vận động đổi mới, DAKRUCO đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là quỹ đất để phát triển cây cao-su, DAKRUCO đã đầu tư 100% vốn để phát triển 10 nghìn ha cây cao-su và các loại cây công nghiệp khác tại bốn tỉnh Nam Lào, 5.000 ha tại Cam-pu-chia, 5.000 ha tại tỉnh Kon Tum. Đến nay, DAKRUCO đã thu được những thành công nhất định từ các dự án đầu tư. Từng bước xây dựng hệ thống mạng thông tin nội bộ, tất cả các đơn vị thành viên được kết nối qua mạng diện rộng (WAN), triển khai thực hiện quản lý thông tin qua mạng in-tơ-nét.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, DAKRUCO đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên phát động phong trào thi đua tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đến từng người lao động, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành sản xuất, kinh doanh năm 2012 và các năm tiếp theo. Từ công ty đến các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư các hạng mục, dự án theo hướng đình hoãn, giãn tiến độ triển khai đối với các danh mục, dự án chưa cấp bách. Thực hiện các danh mục, dự án có hiệu quả và bảo đảm nguồn vốn, cắt giảm, sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung cho các lĩnh vực kinh doanh chính.
Với phương châm phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với các hoạt động xã hội, trong các năm qua DAKRUCO đã mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm cho gần 20 nghìn lao động trong và ngoài nước, có mức sống ổn định. Công ty tích cực tham gia ủng hộ các quỹ xã hội từ thiện, duy trì hoạt động kết nghĩa với 13 buôn đồng bào dân tộc thiểu số; tổng kinh phí thực hiện công tác xã hội từ thiện trong năm năm qua hàng chục tỷ đồng.
Với mô hình cao-su liên kết hiệu quả, công ty đã tạo việc làm cho 1.500 hộ với số lao động khoảng 2.000 người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức liên kết người lao động có đất, Công ty hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón, công tác kỹ thuật, hỗ trợ khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong suốt chu kỳ khai thác. Đến khi cây cao-su khai thác mủ, hộ liên kết trả nợ cho công ty, sản phẩm còn lại công ty cam kết mua hết với giá ưu đãi. Đây là một mô hình huy động nguồn lực tại chỗ, giúp đồng bào phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm trật tự, ổn định an ninh – quốc phòng trên địa bàn.
Tại những vùng phát triển cây cao-su, công ty đã đầu tư, hỗ trợ địa phương xây dựng và hoàn thiện hàng loạt các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, như đường giao thông nội bộ, hệ thống điện sản xuất và sinh hoạt, nhà trẻ, trường học, mẫu giáo, trạm y tế phục vụ nhân dân, góp phần làm thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế – xã hội trong khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()