Tái cấu trúc các khu công nghiệp ở ĐBSCL
Đặc thù của ĐBSCL là vùng chuyên sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo tiến trình công nghiệp hóa của đất nước; áp lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, hầu hết các tỉnh trong khu vực đều phải chọn phát triển công nghiệp là giải pháp then chốt. Qua hơn 10 năm đua nhau phát triển các khu, cụm công nghiệp và thu hút đầu tư, lĩnh vực công nghiệp ở khu vực ĐBSCL đã có những bước tiến đáng kể. Nhưng những gì đang diễn ra ở đây cho thấy cần phải tái cấu trúc lại một cách đồng bộ, hiệu quả, để tránh lãng phí.Phát triển công nghiệp là hướng đi tất yếuTrong những năm gần đây, kinh tế ĐBSCL có những bước khởi sắc đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm dần tỷ trọng khu vực I và tăng ở khu vực II và III). Đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Phải thừa nhận rằng, khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) ở ĐBSCL được hình thành và đi vào hoạt động đã thu hút lượng...
Phát triển công nghiệp là hướng đi tất yếu
Trong những năm gần đây, kinh tế ĐBSCL có những bước khởi sắc đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (giảm dần tỷ trọng khu vực I và tăng ở khu vực II và III). Đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Phải thừa nhận rằng, khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) ở ĐBSCL được hình thành và đi vào hoạt động đã thu hút lượng vốn đầu tư rất lớn, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại. Ngành công nghiệp đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Điều đó đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp đã thật sự trở thành động lực đẩy nhanh tốc độ phát triển nông nghiệp và đổi mới bộ mặt nông thôn ở ĐBSCL. Phát triển công nghiệp là hướng đi tất yếu, do đó tỉnh nào cũng có những chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn.
Dù địa phương nào cũng xem công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp – nông thôn nhưng thu hút đầu tư vào các KCN, CCN đang gặp nhiều khó khăn. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ, tỉnh Kiên Giang được Chính phủ phê duyệt thành lập năm KCN, với tổng diện tích hơn 768 ha. Cũng khuyến khích, kêu gọi đầu tư, nhưng đến nay chỉ khởi động được hai KCN, ba KCN, còn lại vẫn nằm trên giấy. KCN Thạnh Lộc (huyện Châu Thành) lúc đầu được phê duyệt lên đến 450 ha. Đã có nhiều nhà đầu tư xin triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng sau đó tất cả đều rút lui với nhiều nguyên nhân. Sau đó, KCN Thạnh Lộc được điều chỉnh giảm xuống còn 250 ha, nhưng đến nay chỉ mới giải phóng mặt bằng được 53 ha, phần đất còn lại người dân vẫn đang canh tác lúa. Ba KCN còn lại với tổng diện tích 378 ha vẫn chưa lập xong quy hoạch chi tiết. Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang Trần Thanh Phong nói: Các KCN ở Kiên Giang nếu không có một cơ chế thông thoáng hơn, một chính sách đặc thù thì sẽ không có nhà đầu tư. Vì các tỉnh trong khu vực đều có tiềm năng, lợi thế gần giống nhau, nhưng Kiên Giang lại nằm ở cuối trục, thay vì đầu tư vào Kiên Giang thì đầu tư vào Long An, Tiền Giang, hay Cần Thơ hiệu quả hơn nhiều. Nếu Kiên Giang là tỉnh nằm ở cuối trục, không thuận lợi để thu hút đầu tư, thì thành phố Cần Thơ sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Thực tế hiện nay, Cần Thơ chỉ có hai KCN: Trà Nóc 1 và Trà Nóc là được lấp đầy (gần 300 ha); các KCN còn lại chỉ mới lấp đầy khoảng 10% số diện tích. Trong khi đó, Cần Thơ còn có ba KCN đã được duyệt với tổng diện tích lên đến 1.600 ha, đang trong giai đoạn thực hiện quy hoạch.
Khó khăn trong thu hút đầu tư vào các KCN ở ĐBSCL có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là: tiềm năng, lợi thế của các tỉnh có tính tương đồng cao là thuần nông nghiệp. Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp phục vụ chế biến các sản phẩm nông nghiệp phát triển gần như đạt đỉnh, cơ bản chế biến hết sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Trong khi đó, ĐBSCL rất hiếm nguyên liệu để phát triển công nghiệp nặng, thiếu nguồn lực lao động chất lượng cao, nền đất yếu làm chi phí đầu tư hạ tầng cao so các vùng khác trong cả nước. Trong phát triển các KCN thiếu quy hoạch tổng vùng, dẫn đến phát triển mang tính phong trào, tình trạng ô nhiễm môi trường trong nhiều KCN đang gây bức xúc, nhiều KCN gặp khó khăn trong xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở do mức hỗ trợ vốn ngân sách từ Trung ương còn thấp… cùng với chính sách thắt chặt tín dụng làm hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tái cấu trúc các khu công nghiệp ở ĐBSCL theo hướng nào?
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa, định hướng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 sẽ có tám KCN, tổng diện tích 2.230,41 ha; phấn đấu đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân trên toàn tỉnh khoảng 60% số diện tích đất công nghiệp. Đây là mục tiêu mà Hậu Giang đã xác định phát triển công nghiệp dựa trên tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của địa phương để làm khâu đột phá, nhằm sớm đưa Hậu Giang thoát khỏi tỉnh thuần nông. Trong điều kiện hiện nay, việc thu hút đầu tư vào các KCN, CCN vẫn gặp không ít khó khăn, nhưng đã hé lộ hướng đi tích cực. Tỉnh Đồng Tháp đã khá nhạy bén nên sớm tái cấu trúc lại ngành công nghiệp trên địa bàn. Các ngành hàng chủ lực như: chế biến đông lạnh thủy sản, xay xát lau bóng gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn được tiếp tục đầu tư mở rộng và khuyến khích đi sâu vào nội đồng vùng Đồng Tháp Mười. Những dự án xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá, nhà máy trích ly dầu cám là những mặt hàng mới góp phần nâng cao chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. Thành công lớn của hoạt động xúc tiến đầu tư của Đồng Tháp là thu hút được dự án mang tính chiến lược, như Tổng công ty Tân Cảng đã tiếp nhận đầu tư các cảng biển: Sa Đéc, Cao Lãnh và Thường Phước; các nhà đầu tư liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng sâu.
Liên kết vùng ở ĐBSCL hiện nay tuy chưa thật sự bền vững, nhưng nó đã tạo ra một tiền đề cho các tỉnh, thành phố trong khu vực học tập lẫn nhau, tìm ra hệ thống giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, bất cập hiện nay.
Hiện nay khu vực ĐBSCL có 120 KCN, CCN với tổng diện tích khoảng 25.000 ha; tỷ lệ lấp đầy chỉ mới đạt hơn 20% số diện tích. Những lỗ hổng ở các KCN, CCN khu vực ĐBSCL là do các địa phương không tính toán đến chiến lược liên kết vùng, mà mạnh ai nấy làm, dẫn đến sự cạnh tranh không đáng có. Tái cấu trúc lại các KCN ở ĐBSCL là việc làm cấp thiết. Từng tỉnh thành trong khu vực cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, quy mô phát triển của mình; tránh tình trạng nóng vội, thiếu định hướng gây lãng phí. Trên định hướng phát triển công nghiệp, cần phải tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện, nước… đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp. Các tỉnh thành trong khu vực cần phải liên kết lại để cùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, sau đó phân công vai trò, nhiệm vụ giữa các tỉnh trong vùng một cách hài hòa, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Cần ưu tiên đầu tư cho các KCN có đủ điều kiện phát triển, như có địa điểm, hạ tầng cơ sở, đúng xu hướng phát triển kinh tế trong vùng, khả năng cung ứng lao động tốt, gắn với nguồn nguyên vật liệu… Trong tái cấu trúc cũng cần quan tâm kết hợp tốt việc lấp đầy diện tích với việc nâng cao chất lượng các dự án đầu tư bằng cách khuyến khích, ưu đãi cho các dự án tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh và phát triển bền vững; ưu tiên chọn dự án có thiết bị hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp làm ra. Cần chú ý bố trí các loại hình công nghiệp có tác hại môi trường cao lui về hạ nguồn sông và vùng ven biển để giảm thiểu tác hại môi trường. Cần phải đẩy nhanh phát triển công nghệ cao theo hướng tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh, hướng đến xây dựng các nhà máy chế biến thực phẩm cao cấp cùng sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ sinh học hiện đại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()