Tắc xi tự phát “đè nát” tắc xi hãng
LSO-Khoảng giữa năm 2012, trên địa bàn huyện Hữu Lũng rộ lên nạn tắc xi dù tự phát. Chỉ trong một thời gian ngắn vài chục tắc xi không đăng ký kinh doanh, không phép đã được người dân đưa vào kinh doanh. Tắc xi dù càng sôi động bao nhiêu thì tình hình an ninh trật tự càng kém ổn định, tắc xi của công ty có đăng ký kinh doanh trên địa bàn càng rơi vào bế tắc.
Một điểm tắc xi dù tại ngã tư Quốc lộ 1A đoạn thị trấn Hữu Lũng |
Trao đổi với chúng tôi, bà chủ hãng tắc xi Hương Sen, Đinh Thị Hương Sen không kìm nổi bức xúc: “Tắc xi dù hoạt động mạnh như hiện nay thì có ngày chúng tôi phải giải nghệ mất thôi. Với tắc xi dù, nhà nước không thu được tiền thuế, gây mất an ninh trật tự, cạnh tranh không lành mạnh nhưng bao năm rồi không ai ngó ngàng, kết quả là làm ăn chân chính thì bị thiệt”.
Vào giữa năm 2012 khi nhận thấy tiềm năng vận tải bằng tắc xi ở Hữu Lũng còn khá dồi dào, nhiều lái xe mua xe cũ nát về tân trang lại mang ra trưng ở ngã tư Mẹt, cổng bệnh viện huyện, cổng Trung đoàn 123, thế là nghiễm nhiên trở thành lái xe tắc xi. Cũng chỉ trong vòng hơn hai năm, lượng tắc xi dù trên địa bàn đã tăng đến gần 40 chiếc.
Tắc xi dù lên đời làm thị trường vận tải hành khách bằng tắc xi bị đảo lộn. Nếu như trước đây trên địa bàn có hai hãng tắc xi là tắc xi Hữu Lũng và tắc xi Hương Sen hoạt động thì chỉ sau vài tháng rộ lên nạn tắc xi dù, tắc xi Hữu Lũng đã không cạnh tranh nổi và phải rút xe về hoạt động trên địa bàn thị trấn Kép huyện Lạng Giang. Còn lại mình hãng tắc xi Hương Sen phải chống chọi với tắc xi dù. Theo lái xe Lê Xuân Hiếu, tắc xi dù có đến 40 chiếc mà tắc xi Hương Sen chưa đầy 30 chiếc. Tắc xi dù xuất hiện bất kỳ lúc nào, họ đỗ tràn ra đường, thuê hẳn một bãi xe theo tháng để đón trả khách. Từ khi có tắc xi dù, tắc xi Hương Sen thường xuyên bị quấy rối. Cụ thể trong vòng từ đầu tháng 8/2013 đến tháng 5/2014, 4 biển quảng cáo của tắc xi Hương Sen bị phá, 1 biển quảng cáo điện tử bị ném hỏng. Không dừng ở đó, từ đầu năm 2014 đến nay hãng nhận được hàng chục cú điện thoại yêu cầu đón khách ở các địa chỉ xa trung tâm đến 20 cây số, khi xe hãng đến thì đấy là cuộc gọi ảo. Khi các lái xe tắc xi Hương Sen đón khách liên tục bị các lái xe dù khiêu khích, chèn ép.
Theo bà Đinh Thị Hương Sen, với hãng có tên tuổi, số điện thoại nóng các lái xe có tinh thần phục vụ cao còn tắc xi dù luôn giở các chiêu trò chèn ép, lừa dối khách hàng. Vào đầu tháng 4/2014, lái xe của hãng nhận được điện thoại đón khách, khi đến địa điểm thì tắc xi dù đã tranh khách, hơn thế còn dọa dẫm lái xe Nguyễn Văn Khương của hãng. Với những người dân lần đầu chọn vận tải tắc xi, họ khó phân biệt được đâu là xe hãng Hương Sen, đâu là tắc xi dù vì cùng loại xe như nhau, đỗ gần nhau. Tắc xi dù không có đồng hồ tính cước nên lái xe mặc sức chặt chém khách hàng. Ông Nguyễn Văn Đức, quê Hiệp Hòa, Bắc Giang lên thăm thân ở xã Tân Thành, khi xuống xe mới biết mình đi tắc xi dù, chủ xe yêu cầu thanh toán 250 ngàn đồng. Biết là bị lừa nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt, khi điện về hãng Hương Sen mức giá được hãng quy định cước chỉ trên 100 nghìn đồng.
Khi xe dù mới xuất hiện, tắc xi Hương Sen cũng có gửi đơn kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, thế nhưng khi Thanh tra Sở Giao thông vận tải xuống kiểm tra thì toàn kiểm tra xe của hãng. Vậy nên tắc xi dù càng được dịp hoành hành. Một số bãi đỗ ở đường quốc lộ nơi tắc xi dù thuê theo tháng thì tắc xi Hương Sen không được bén mảng đến, thế là tắc xi hãng thì không được tạo điều kiện kinh doanh còn tắc xi dù thì tha hồ chèn ép tắc xi hãng.
Cũng theo bà Đinh Thị Hương Sen, tắc xi dù không phải chịu bất kỳ khoản thuế, phí đúng quy định nào. Tắc xi Hương Sen có một chi nhánh tại Chi Lăng thì trên địa bàn huyện Chi Lăng việc quản lý vận tải công cộng, điều chỉnh thuế, phí rất tốt nên không còn đất cho xe dù.
Để thị sát tình hình, chúng tôi có mặt tại ngã tư Quốc lộ 1A đoạn rẽ vào thị trấn, đập vào mắt chúng tôi là từng dãy xe chở khách không mào, không giấy phép, biển hiệu đỗ thành hàng dài. Cơ bản những xe dù là xe cũ nát được tân trang lại. Theo một tắc xi dù thì muốn có lãi phải mua xe thật rẻ, tầm bảy, tám mươi triệu đồng càng tốt. Xe rẻ nhanh thu hồi vốn. Thế nhưng có một điều mà chắc cả lái xe và hành khách chưa tính đến đấy là việc mất an toàn, rất ít tắc xi dù mua bảo hiểm đầy đủ nên khi có tai nạn xảy ra hành khách luôn là người bị thiệt thòi.
Để lập lại trật tự trong hoạt động vận tải tắc xi, đã đến lúc cần thanh kiểm tra để lật tẩy tắc xi dù, Hữu Lũng, xử lý nghiêm khắc những sai phạm. Làm như vậy chính là bảo vệ kinh doanh đúng pháp luật, đảm bảo an toàn, giữ gìn trật tự và hơn thế là bảo vệ hành khách khi tham gia giao thông.
NGUYỄN NHẬT ANH
Ý kiến ()