Tác nghiệp thời công nghệ và đạo đức nghề báo
(LSO) – Sự phát triển của công nghệ đã tạo điều kiện cho các ngành nghề, trong đó có báo chí phát triển một cách thuận lợi hơn, bắt nhịp với xu hướng hội nhập và phát triển chung của thế giới. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin đề cập xung quanh vấn đề đạo đức nghề báo và hoạt động tác nghiệp trong thời đại công nghệ cao.
Nếu trước kia người làm báo cần trang bị máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim… thì nay chỉ cần có trong tay chiếc điện thoại di động thông minh là có thể thay thế được cơ bản các thiết bị trên. Về chất lượng hình ảnh, âm thanh thu được cũng không kém thiết bị chuyên dụng. Không những thế, việc sử dụng lại rất tiện lợi, nhanh chóng khi cần. Nếu điện thoại có kết nối internet và người sử dụng tham gia mạng xã hội như: zalo, facebook… còn rất nhiều tiện ích nữa. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ về vấn đề tác nghiệp hiện nay của người làm báo.
Nhà báo Trịnh Trọng Anh – Chi hội Nhà báo Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng trong một lần đi tác nghiệp tại xã Công Sơn, huyện Cao Lộc
Tác động khoa học kỹ thuật với hoạt động báo chí rất rõ. Song, một vấn đề bao giờ cũng có tính hai mặt của nó. Cụ thể, thông qua mạng xã hội, người làm báo có thể nắm bắt được nhiều thông tin sự kiện, hiện tượng, cũng như các luồng dư luận xã hội… Từ đó gợi mở cho người làm báo những nội dung, vấn đề cần tập trung khai thác, tìm hiểu, giải đáp, phản ánh, trả lời những câu hỏi mà dư luận quan tâm. Đồng thời, đáp ứng tốt “tính thời sự” vốn là một yêu cầu bắt buộc trong hoạt động báo chí. Hay như: khi cần tham khảo cách tiếp cận, cách viết một đề tài, một sự kiện, hiện tượng nào đó cũng rất dễ dàng, chỉ cần sử dụng công cụ tìm kiếm Google, với từ khóa cần tìm, phóng viên sẽ có vô số kết quả để tham khảo…
Tuy nhiên, từ những tiện ích cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm như tính trung thực của người làm báo, tính chân thật của thông tin; sự thấm đượm hơi thở của cuộc sống trong tác phẩm; hàm lượng công sức, trí tuệ bỏ ra đầu tư cho tác phẩm,… Vẫn biết rằng, việc tham khảo trong quá trình tác nghiệp, hoàn thành tác phẩm là cần thiết, không có gì đáng chê trách. Song, nếu người tham khảo lại lười nhác, không chịu khó đào sâu, tìm tòi, sáng tạo, lười đi thực tế… trong khi đó việc sao chép, cắt dán từ các kết quả tìm kiếm, từ các trang web báo bạn rất dễ dàng thì ranh giới giữa tham khảo và sao chép, cắt dán, “xào xáo” rất mong manh. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mỗi người.
Và còn rất nguy hại nếu người viết không đi thực tế, chỉ nắm bắt thông tin qua điện thoại hay thu thập thông tin qua mạng xã hội hoặc lấy thông tin từ những nguồn thông tin tổng hợp, không chính thống, thiếu kiểm chứng… Vì rằng, thông tin trên mạng xã hội là chuẩn xác nếu người đăng tải, chia sẻ dẫn từ các nguồn chính thống. Nhưng có thể không còn chuẩn xác nữa khi đã bị chỉnh sửa theo ý chủ quan và tiếp tục chia sẻ cho người khác. Thậm chí, ngoài thông tin chính còn kèm theo vô số lời bình luận ngược xuôi, đúng, sai. Nếu người tiếp nhận sau không tỉnh táo rất dễ rơi vào “ma trận” thông tin, dẫn đến những nhận định, đánh giá chưa chính xác, thiếu khách quan, sai lệch.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, khi môi trường, điều kiện, phương tiện tác nghiệp càng thuận lợi, dễ dàng, mỗi người làm báo càng cần phải tự rèn luyện, tự răn mình, không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nêu cao ý thức trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với tác phẩm – “đứa con tinh thần” của mình. Không nên vì chạy đua cạnh tranh thông tin mà bỏ qua những quy trình mang tính nguyên tắc.
Xin được nhắc lại những bài học nằm lòng mà các giáo trình giảng dạy báo chí thường nhắc tới đó là: Bên cạnh các thông tin thu thập được qua tài liệu, qua các nguồn thông tin, qua trao đổi, phỏng vấn thì hoạt động thâm nhập thực tế, khảo sát thực tế… luôn là một nguồn thông tin vô cùng quan trọng, góp phần đảm bảo cho tác phẩm báo chí có tính chân thật nhất, thấm đượm hơi thở của cuộc sống.
Vậy nên, trong thời công nghệ, vấn đề tác nghiệp sao cho hiệu quả và đạo đức nghề báo luôn cần được đề cao trong mỗi người làm báo và trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp của mỗi tòa soạn.
HOÀNG HÀ
Ý kiến ()