Tác động của chính sách mới đến ngành dệt may
Ngày 4/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Tác động của chính sách mới trong lĩnh vực lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội đến doanh nghiệp dệt may" do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức.
Nhiều chính sách mới tác động đến ngành dệt may
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định mức lương tối thiểu vùng năm 2018 với mức tăng 6,5%. Cơ sở xác định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 dựa trên 2 chỉ số là chỉ số giá tiêu dùng và năng suất lao động.
Theo tính toán, tổng mức chi phí của doanh nghiệp và người lao động cho các loại quỹ là khoảng 35%, trong đó doanh nghiệp là 23,5% và người lao động ở mức 11,5%. Nhiều ý kiến cho rằng mức chi phí này ở các doanh nghiệp trong nước cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực (các nước khoảng 13-14% cho cả hai bên). Tuy nhiên, các nước khác trong khu vực có nền lương đóng các loại quỹ cao hơn nước ta rất nhiều.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tính từ năm 2008 đến 2017, Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng 10 lần với tỷ lệ cao, trong đó doanh nghiệp trong nước tăng bình quân 21,9%, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,2%. Trong khi GDP giai đoạn 2008-2016 tăng bình quân 5,96%; CPI tăng 8,77% và năng suất lao động tăng 3,65%. Đánh giá những tác động của các chính sách đến ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng làm tăng nền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), tăng chi phí nhân công cho doanh nghiệp.
Qua khảo sát hơn 20 doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, chi phí của doanh nghiệp tăng lên rất lớn. Riêng toàn ngành dệt may, với mức lương tối thiểu tăng lên 6,5% từ năm 2018 thì chi phí đóng BHXH, BHYT của doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng, riêng chi phí đóng quỹ công đoàn lên tới 500 tỷ trong toàn ngành.
Ông Trương Văn Cẩm cũng cho rằng, Luật BHXH năm 2014 quy định từ ngày 1/1/2018, lao động nữ đóng BHXH 30 năm mới được hưởng 75% lương hưu. Tuy nhiên, với lao động nam lại có lộ trình bắt đầu từ năm 2022, đóng đủ 35 năm BHXH mới được hưởng 75% lương hưu là không hợp lý. Việc tăng thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75% lương hưu, trong khi người lao động ngành dệt may hầu hết là nữ và phải ra khỏi dây chuyền trước thời gian quy định được nghỉ hưu, do vậy không những khó đạt được mức lương hưu 75% mà mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi phải trừ 2% thay vì 1% lương hưu như trước đây sẽ tác động không nhỏ đến thu nhập người lao động.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ý băn khoăn, từ ngày 1/1/2018, tiền lương đóng BHXH cho người lao động bao gồm thêm các khoản bổ sung khác, nhưng không rõ các khoản bổ sung khác là những khoản gì và mức tăng là bao nhiêu?
Chia sẻ những thắc mắc trên, ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, khoản bổ sung là những khoản đã được doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và có ghi trong hợp đồng lao động. Mặt khác, Luật BHXH 2014 cũng quy định những khoản đóng BHXH không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác.
Ông Mai Đức Thiện cũng lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động đã được Quốc hội giao Chính phủ xem xét lại toàn bộ và trình Quốc hội vào thời gian thích hợp. Lý do là có nhiều vấn đề liên quan đến cạnh tranh của doanh nghiệp, liên quan đến thể chế khi có nhiều tác động của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()