Tác động của các nguồn lực cho công tác dân số/KHHGĐ
LSO - Năm 2004, chiến lược giảm sinh để đạt mức sinh thay thế ở Lạng Sơn đang có những chuyển biến rất tích cực. Vì vậy, ngay sau khi có Nghị quyết 47-NQ/TW, ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và KHHGĐ”, ngày 25/5/2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 47-CT/TU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số/KHHGĐ”, công tác dân số/KHHGĐ ở tỉnh ta đã có thêm nguồn lực mới.
Phụ nữ xã biên giới Thanh Lòa, huyện Cao Lộc đăng ký dịch vụ KHHGĐ
Chính sách mới và đầu tư thêm nguồn lực
Nghị quyết số 08/2008/NQ-HĐND, ngày 21/7/2008 của HĐND tỉnh “Về một số chính sách Dân số/ KHHGĐ áp dụng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” và Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND, ngày 29/8/2008 “Ban hành Quy định một số chính sách dân số/KHHGĐ áp dụng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” đã lồng ghép công tác Dân số/KHHGĐ với các chương trình kinh tế – xã hội, phát triển con người như bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, bảo vệ sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo. Đây là những chính sách có tác dụng trong việc khuyến khích công tác thi đua thực hiện tốt công tác Dân số/KHHGĐ. Ngoài ra, các chính sách đối với cán bộ làm công tác dân số như phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ công tác tại các Trung tâm Dân số; cán bộ chuyên trách dân số cấp xã được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 30%, cán bộ dân số làm việc tại các xã đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp 70% mức lương theo ngạch bậc; đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh bằng 0,15 mức lương tối thiểu chung… Đây là những chính sách cụ thể có tác dụng như một “lực bẩy” tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số/KHHGĐ trên phạm vi toàn tỉnh phấn khởi công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Về nguồn lực, trong 10 năm qua, tổng kinh phí đầu tư cho công tác Dân số/KHHGĐ từ chương trình mục tiêu Quốc gia và ngân sách tỉnh đạt gần 99 tỷ đồng, trong đó, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia chiếm 90%. Mức chi bình quân đầu người cho công tác dân số đã tăng từ 8.711 đồng/người/ năm (2008) lên 14.470 đồng/người/ năm (2013), chưa kể nguồn phương tiện tránh thai miễn phí mỗi năm cho trên 100 ngàn đối tượng.
Hiệu quả của chính sách mới, nguồn lực mới
Do thực hiện giảm sinh một cách liên tục, nên Lạng Sơn đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2011 với số con trung bình của một phụ nữ đã giảm từ 3 con (năm 2001) xuống còn 1,84 con năm 2011. Tổng dân số của toàn tỉnh chỉ ở mức 740 ngàn người năm 2010 và 762 ngàn người năm 2014, dự báo đến năm 2015 sẽ đạt 768.700 người (không vượt quy mô dân số theo dự báo là 776.500 người vào năm 2010 và trên 800 ngàn người vào năm 2015). Năm 2014, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1%, tỷ suất sinh 16,8%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 6,7%; tỷ số giới tính khi sinh là 118 bé trai/100 bé gái. Như vậy, sự tác động của chính sách mới, nguồn lực mới đã rất rõ nét: từ năm 2001 đến năm 2015, toàn tỉnh đã giảm được gần 50 ngàn trẻ không phải sinh ra; tiết kiệm chi phí xã hội trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Trên cơ sở đó, chúng ta có điều kiện nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS, mà điển hình là các gói dịch vụ tránh thai phi lâm sàng, gói dịch vụ làm mẹ an toàn. Trong 10 năm (2004-2014), toàn tỉnh đã thực hiện 18 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn với trên 300.000 đối tượng được hưởng lợi. Chất lượng dân số từng bước được quan tâm, các mô hình như “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh… đã góp phần làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và tình trạng mang thai, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Mặt khác, chính những chính sách và nguồn lực đã làm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ từ sinh sản thụ động sang sinh sản chủ động cả về số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh. Phụ nữ dần được giải phóng, tạo cơ hội cho thực hiện bình đẳng giới. Mười năm, thời gian đủ cho những chính sách mới đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 47 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chính là sự “giải phóng” nguồn lực cho chương trình Dân số/KHHGĐ để chương trình phát huy hiệu quả. Khó khăn còn nhiều, thách thức còn lớn, nhất là thách thức về chênh lệch giới tính khi sinh trong thời gian tới. Rất cần một sự tổng kết toàn diện Nghị quyết và Chỉ thị quan trọng này, khẳng định thành tựu, lường trước khó khăn trong giai đoạn tới để công tác Dân số/KHHGĐ tiến mạnh trên con đường thực hiện mục tiêu đạt mức sinh hợp lý, giảm chênh lệch giới tính khi sinh để nâng cao chất lượng dân số.
Bài, ảnh: Minh Hồng

Ý kiến ()