Tác động của Brexit với nền kinh tế Việt Nam
Vấn đề Anh rời khỏi EU, theo phân tích của các chuyên gia, sẽ có những tác động nhất định đến nền kinh tế các nước, trong đó các doanh nghiệp sẽ chịu sự tác động đầu tiên. Hàng rào xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam cũng không nằm ngoài những tác động này.
Theo một số phân tích, ảnh hưởng đầu tiên và rõ nhất là các doanh nghiệp có thêm một hàng rào thương mại nữa giữa Anh và EU. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến những hợp đồng doanh nghiệp đã ký. Hàng hóa sang Anh phải đi qua rất nhiều hàng rào kỹ thuật của Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đức; hàng hóa khi đến biên giới Anh họ lại làm thủ tục một lần nữa như thông quan, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và các hàng rào kỹ thuật khác nữa thì sẽ tác động trực tiếp. Cho dù 2 năm nữa làm xong thủ tục của Anh thì có những hợp đồng doanh nghiệp đã phải thảo luận. Rõ ràng trên đây là những điều doanh nghiệp phải nghĩ đến.
Ngược lại, có rất nhiều hàng hóa phải qua Anh để đến các nước khác ở EU thì tương tự, họ lại gặp hàng rào từ EU mà như vừa rồi EU đã tuyên bố, khi Anh ra khỏi EU thì họ sẽ không cho hưởng những quy chế thương mại hiện nay. Điều này rất có thể trở thành hiện thực bởi khi một nước đã ra khỏi khối hợp nhất thì không thể nào được hưởng những quy chế giống như ở trong khối được. Ít nhất cũng sẽ có nhiều điểm thay đổi để EU cho các nước thấy rằng, việc trừng phạt một thành viên ra khỏi khối phải đáng kể, tránh trường hợp tương tự tái diễn với các nước khác. Trong trường hợp đ,ó rất nhiều hàng hóa của ta hiện nay từ Anh sang EU và ngược lại sẽ thêm hàng rào mới kèm theo là chi phí mới rất đáng kể mà các doanh nghiệp phải lưu ý.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, Brexit có thể tác động tới lực hút FDI. Lũy kế đến hết tháng 12/2015, Anh có 241 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký hơn 4,7 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 110 đối tác đầu tư tại Việt Nam. Vốn đầu tư của Anh đổ vào bất động sản nhiều nhất, với 8 dự án, tổng vốn đăng ký 2,06 tỷ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai, với 79 dự án, tổng vốn đăng ký 1,37 tỷ USD… Hiện các tên tuổi lớn của Anh như: Dầu khí BP, nhôm BHP Billiton, Rolls- Royce, Vodafone, vận tải P&O, GlaxoSmithKline, các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, bảo hiểm Prudential… đã có các khoản đầu tư tại Việt Nam.
Theo các kinh tế gia, vốn đầu tư mới của Anh vào Việt Nam có thể bị chậm giải ngân một chút, còn đầu tư lâu năm không bị ảnh hưởng gì, do những dự án vẫn mang lại tỷ suất lợi nhuận cao.
Còn về dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Anh, theo lũy kế đến hết năm 2015, Việt Nam có 1.049 dự án đầu tư tại Anh, tổng vốn đăng ký hơn 2,07 tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ đầu tư hàng năm tính theo giá trị có xu hướng giảm dần từ sau năm 2010. Việc đầu tư mới vào Anh của doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp một số khó khăn do phải thiết lập lại thị trường, mất nhiều thời gian, chi phí cho những thủ tục mới…
Tuy nhiên, thời điểm Brexit trở thành hiện thực còn khá lâu, vì phải trải qua nhiều cuộc đàm phán giữa Anh với EU và các nước trong EU. Theo đó, các nhà phân tích khẳng định, hoạt động đầu tư song phương Việt – Anh nói riêng, việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam nói chung vẫn theo chiều hướng thuận.
Các đánh giá cũng chỉ ra, với vấn đề Brexit, việc đàm phán FTA sẽ bị chậm. Theo đó, những lợi ích chúng ta được hưởng từ FTA sẽ thay đổi. Còn riêng về tỉ giá sẽ ít ảnh hưởng bởi tỉ giá tất cả các nước đều đầu tư theo đồng USD. Việc ảnh hưởng tỉ giá làm giá nhập khẩu đắt lên thì các nước đều như vậy, nên mặt bằng chung hoạt động xuất nhập khẩu Anh cũng phải thực hiện. Vậy nếu cùng một sân chơi giống nhau thì tác động sẽ không nhiều. Có thể sức mua của người dân Anh sẽ kém đi nhưng không đáng kể. Mà bản chất tỉ giá cũng không cố định, nay giảm mai lại tăng.
Riêng về thị trường chứng khoán, sau Brexit, thị trường giảm mạnh nhưng các phân tích vẫn tỏ ra lạc quan rằng, nếu cứ nhìn vào kinh tế Mỹ, rất nhiều những trồi sụt của chứng khoán, nhiều trường hợp tăng giảm khá mạnh nhưng thực ra để nói đến tác động nền kinh tế cũng phải nói từng góc độ chứ không phải hoàn toàn, tác động lâu dài thì càng không rõ. Chẳng hạn như ở Mỹ, vừa rồi khôi phục kinh tế khá nhanh – chỉ khoảng 2 năm trong khi những trồi sụt về chứng khoán vẫn diễn ra nhưng không làm giảm đà tăng trưởng của nước Mỹ. Nên phân tích mối quan hệ giữa chứng khoán với sức khỏe nền kinh tế trong trường hợp này về lâu dài là rất khó… Thực ra, nó chỉ là niềm tin của các nhà đầu tư, mà đã là niềm tin thì có thể thay đổi. Để đánh giá cần một khoảng thời gian dài chứ không thể chỉ nhìn biểu hiện sụt giảm tức thời của thị trường chứng khoán mà đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế thì hơi phiến diện…
Nhìn chung, tuy Anh đã thực hiện xong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước này rời khỏi EU nhưng phải sau 2-3 năm nữa, Anh mới hoàn toàn ra khỏi EU. Vì vậy, trong vòng 2-3 năm tới, Brexit không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư giữa Việt Nam với Anh. Mặt khác, Anh là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, nhưng so với các đối tác khác thì hoạt động đầu tư, thương mại giữa hai nước chiếm tỷ trọng không lớn nên trong tương lai, sự kiện Brexit không tác động nhiều tới nền kinh tế nước ta./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()