Syria: Thành phố cổ Bosra đang bị mắc kẹt trong trận chiến mới
Thành phố cổ Bosra ra đời từ năm 1500 trước Công nguyên, từng là một thành phố thịnh vượng thời La Mã cổ đại và cũng là điểm dừng chân của những người hành hương trên tuyến đường đến Mecca.
Thành phố cổ Bosra ở miền Nam Syria - một chứng tích cho nền văn minh kéo dài hàng thiên niên kỷ, đang bị mắc kẹt trong trận chiến mới: cuộc chiến để bảo tồn di sản quý giá khỏi sự tàn phá của chiến tranh triền miên.
Bosra được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới.
Thành phố này ra đời từ năm 1500 trước Công nguyên, từng là một thành phố thịnh vượng thời La Mã cổ đại. Đây cũng là điểm dừng chân của những người hành hương trên tuyến đường đến Mecca.
Địa điểm này bao gồm một nhà hát La Mã tráng lệ từ thế kỷ thứ 2, những tàn tích Cơ đốc giáo thời kỳ đầu và một số nhà thờ Hồi giáo.
Tuy nhiên, cuộc xung đột dai dẳng đã tàn phá vô số kho tàng văn hóa và gây ra những thiệt hại không thể bù đắp cho di tích lịch sử quý giá này.
Năm 2012, UNESCO đã đưa Bosra vào danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm. Với động thái này, Chính phủ Syria buộc phải nỗ lực nhiều hơn để bảo tồn thành phố cổ Bosra nếu không muốn UNESCO loại địa điểm khảo cổ giá trị này ra khỏi danh sách Di sản thế giới.
Nhà chức trách Syria đã triển khai các nỗ lực khôi phục thành phố Bosra từ năm 2019, song chưa đạt được những tiến bộ đáng kể. Ông Al-Salah - người đã giám sát địa điểm này trong 25 năm - cho biết: “Việc khôi phục thành phố đòi hỏi nỗ lực lớn hơn và nhiều sự hỗ trợ hơn, điều mà chúng tôi hiện chưa nhận được."
Ông cũng kêu gọi cần có nhiều sự hợp tác quốc tế hơn trong dự án này, đặc biệt đối với những nhiệm vụ đòi hỏi máy móc hạng nặng và kỹ thuật tiên tiến.
Theo ông Al-Salah, bên cạnh việc thiếu nguồn tài chính, một trong những thách thức lớn trong nỗ lực khôi phục thành phố cổ Bosra là những hạn chế trong hợp tác quốc tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh phương Tây đối với Syria.
Ông Al-Salah nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt này đã làm tê liệt lĩnh vực văn hóa và các nỗ lực phục hồi tại đây./.
Ý kiến ()