Suy thoái "nhẹ" ở châu Âu có gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ?
Giám đốc điều hành Goldman Sachs cho rằng nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, điều đó sẽ không xảy ra trước thời điểm cuối năm nay, hoặc đầu năm 2024.
Chi tiêu tiêu dùng chậm lại và lạm phát dai dẳng dẫn đến hai quý suy giảm kinh tế liên tiếp ở Liên minh châu Âu (EU). Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào suy thoái trong những tháng mùa Đông và có thể sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng yếu trong năm nay.
Các kinh tế gia nhìn nhận EU suy thoái ở mức nhẹ và nền kinh tế châu Âu nói chung đã tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Điều được các chuyên gia kinh tế quan tâm là những diễn biến này có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Châu Âu “hắt hơi,” liệu Mỹ có bị “cảm lạnh?”
Theo CNN, các nhà kinh tế Ozge Akinci và Paolo Pesenti tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho rằng: “Khi châu Âu bị ‘cảm lạnh,’ phần còn lại của thế giới sẽ bị ‘hắt hơi.’”
20 quốc gia sử dụng đồng euro đã rơi vào suy thoái nhẹ vào đầu năm, trong bối cảnh lạm phát cao khiến người người tiêu dùng phải cân nhắc chi tiêu và các chính phủ thắt chặt hầu bao – đồng nghĩa với việc khu vực đồng euro và cả EU hiện đang “tụt lại” so với nền kinh tế Mỹ.
Quý 1 năm 2023, sản lượng kinh tế ở khu vực đồng euro giảm 0,1% so với quý trước đó, sau mức giảm tương tự được ghi nhận hồi quý 4 năm 2022.
Trong khi đó, dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy GDP khu vực Đại Tây Dương đã tăng 0,3% trong quý 1 năm nay, sau khi tăng 0,6% trong quý 4 năm ngoái.
Nhưng về lâu dài, tình hình có thể không tiếp tục như vậy.
Các nhà kinh tế Akinci và Pesenti đã nghiên cứu liệu các cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu có ảnh hưởng đến Mỹ trong 30 năm qua hay không, và câu trả lời là “Có – ở mức độ vừa phải.”
Những diễn biến ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến Mỹ theo nhiều cách, chẳng hạn như các liên kết thương mại – vì người Mỹ sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ châu Âu, đồng thời sản xuất hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài.
Ảnh hưởng cũng có thể đến từ các dòng tài chính xuyên biên giới, khi hoạt động vay nợ giữa các ngân hàng Mỹ cho doanh nghiệp châu Âu – và ngược lại – có thể bị gián đoạn; tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng đến lạm phát tại Mỹ, cũng như những cú sốc niềm tin toàn cầu có thể “gõ cửa” nền kinh tế này.
Nhìn lại hơn một thập kỷ trước, năm 2012, khi châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhiều năm.
Những lo ngại về sức khỏe tài chính ở châu Âu, đặc biệt là ở Hy Lạp, đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tín dụng trên khắp châu lục này – điều đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) e ngại. Trong biên bản cuộc họp tháng 9/2012, Fed đã đề cập đến nỗi lo khủng hoảng lây lan.
Các nhà hoạch định chính sách khi đó lưu ý rằng tương lai bất định liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng ở châu Âu, cũng như triển vọng các chính sách tài chính và điều hành của Mỹ đã làm trĩu nặng niềm tin, từ đó hạn chế chi tiêu của các hộ gia đình và cả các doanh nghiệp.
“Một rủi ro hiển hiện là sự gia tăng căng thẳng ở khu vực đồng euro, với khả năng lây lan đến các thị trường và tổ chức tài chính Mỹ, và ở phạm vi lớn hơn là cả nền kinh tế Mỹ” – theo biên bản của Fed.
Châu Âu ở thời điểm hiện tại không đứng trước một cuộc khủng hoảng có quy mô tương tự. Nhưng có thể hiểu rõ hơn về cách nghĩ của Fed về suy thoái kinh tế hiện tại ở châu Âu khi Fed công bố những quyết định chính sách và các dự báo kinh tế mới nhất.
Trong động thái gần nhất, Fed vừa quyết định giữ nguyên mức lãi suất, chấm dứt chuỗi tăng 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022, được giới chuyên gia kinh tế xem là “khoảng dừng” cần thiết để ngân hàng này đánh giá, xem xét tác động của chính sách lãi suất đối với hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung.
Bức màn tương lai có thể sẽ rõ ràng hơn khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Pháp vào tuần tới để tham gia hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức nhằm giải quyết một số vấn đề, bao gồm các vấn đề ngân hàng phát triển và nợ toàn cầu.
“Thời điểm không chắc chắn”
Giám đốc điều hành Goldman Sachs, ông David Solomon, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi đầu tuần rằng nền kinh tế Mỹ đã phục hồi một cách đáng ngạc nhiên trong năm nay, nhưng những “va đập gây tổn thương” có thể xảy đến.
“Tôi nghĩ chúng ta đang ở một thời điểm không chắc chắn,” ông Solomon nói về triển vọng kinh tế hiện tại. “Tôi cho rằng đã đến lúc cần phải thận trọng một chút.”
Tình hình việc làm tiến triển và tiền lương tăng lên có thể đồng nghĩa với lạm phát cao hơn. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Solomon dự báo nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào tình trạng “có thể không phải là suy thoái, nhưng chắc chắn sẽ giống như suy thoái.” Kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc “hạ cánh cứng” nhưng sẽ vẫn gặp khó khăn với “tăng trưởng chậm chạp và lạm phát dai dẳng.”
Báo cáo việc làm mới nhất tại Mỹ cho thấy các bảng lương hiện đã tăng gần gấp đôi so với mức tăng trung bình hằng tháng trong 10 năm trước đại dịch COVID-19, trong khi thước đo lạm phát ưu tiên của Fed tăng cao hơn vào tháng Tư vừa qua; chi tiêu cũng vẫn mạnh mẽ.
Tình hình việc làm tiến triển và tiền lương cao hơn có thể đồng nghĩa với lạm phát cao hơn, khi các công ty bù đắp cho chi phí lao động tăng lên bằng cách tăng giá cả hàng hóa.
Ông Solomon cho rằng các chỉ số kinh tế mạnh mẽ và lạm phát ổn định cũng có thể đồng nghĩa với việc sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất trong tương lai, và lãi suất tiếp tục tăng “có lẽ sẽ khiến kinh tế khó khăn hơn một chút.” Nếu Mỹ rơi vào suy thoái, điều đó sẽ không xảy ra trước thời điểm cuối năm nay hoặc đầu năm 2024./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/suy-thoai-nhe-o-chau-au-co-gay-ton-hai-den-nen-kinh-te-my/868807.vnp
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()