Suy thoái kinh tế kiềm chế giá dầu
Tuần qua, giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Nguyên nhân chủ yếu khiến “vàng đen” giảm giá mạnh là do giới đầu tư lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Giá dầu đã tăng lên hơn 120 USD/thùng vào đầu năm nay do kinh tế thế giới khởi sắc sau đại dịch Covid-19 trùng hợp với sự gián đoạn nguồn cung do cuộc chiến Nga-Ukraine. Giá dầu tăng đã tạo ra “bão lạm phát” trên toàn cầu đẩy nhiều nền kinh tế lâm vào suy thoái, thậm chí gây ra bất ổn chính trị. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm hơn 4% chỉ trong tháng 7 vừa qua và tiếp tục giảm trong tháng 8. Kết thúc phiên giao dịch hôm 4/8, tại thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,66 USD, tương đương 2,75%, xuống mức 94,12 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 18/2. Trong khi đó, tại thị trường New York của Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng hạ 2,34 USD, tương đương 2,12%, xuống 88,54 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2/2.
Giới phân tích cho rằng, có nhiều yếu tố “cản bước” đà tăng giá dầu. Trước hết là triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu đã bị “phủ bóng đen” bởi những lo lắng về sự suy giảm kinh tế ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Các cuộc khảo sát công bố mới đây cho thấy, lĩnh vực chế tạo tại Mỹ, châu Âu và châu Á đều gặp khó khăn trong tháng 7 khi nhu cầu toàn cầu suy yếu và chính sách kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc làm chậm tiến độ sản xuất. Bên cạnh đó, thỏa thuận của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC ) nhằm nâng mục tiêu sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày vào tháng 9, tương đương 0,1% nhu cầu toàn cầu, cũng là yếu tố góp phần khiến giá dầu giảm. Ngoài ra, đà giảm của giá dầu còn chịu tác động từ việc các quốc gia tiêu thụ lớn bao gồm Mỹ và các quốc gia ở châu Âu thúc giục các nhà sản xuất tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung khan hiếm và chống lại tình trạng lạm phát cao đang hoành hành. Một yếu tố khác khiến giá “vàng đen” hạ nhiệt là Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, các kho dự trữ xăng dầu đã bất ngờ tăng khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ chậm lại.
Trong bối cảnh “mây đen suy thoái” đang đe dọa hầu hết các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, giới phân tích nhận định giá dầu còn có thể giảm sâu hơn trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ dầu không cao. Công ty tư vấn FGE vừa dự báo nhu cầu xăng dầu của châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ chỉ cải thiện nhẹ trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, thấp hơn trung bình 80.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019. Cũng theo FGE, nhập khẩu xăng vào châu Á trong nửa đầu tháng 7 giảm 240.000 tấn so với nửa cuối tháng 6 với sự sụt giảm dẫn đầu là Indonesia, quốc gia nhập khẩu xăng lớn nhất châu Á.
Trước xu hướng nêu trên, Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết: “Việc giá dầu phá vỡ mốc 90 USD/thùng hiện là một khả năng rất thực tế, điều này khá đáng chú ý với mức độ thắt chặt của thị trường”.
Với đà giảm giá mạnh của giá dầu những ngày qua, một số chuyên gia thậm chí còn nhận định rằng “thời hoàng kim” của các nhà sản xuất dầu khí sắp kết thúc. Trên thực tế, việc giá xăng dầu toàn cầu giảm đột ngột trong mấy tuần qua đã làm giảm lợi nhuận của các công ty lọc dầu. Các nhà máy lọc dầu sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng xăng dầu để tự bảo vệ doanh nghiệp khỏi thua lỗ và chuyển sang sản xuất các loại nhiên liệu có lợi hơn. Số liệu của tổ chức Refinitiv cho thấy tỷ suất lợi nhuận của xăng dầu ở châu Á trong tháng 7 đã giảm hơn 102% xuống mức chiết khấu 14 xu Mỹ/thùng đối với dầu thô Brent.
Thực trạng giá dầu bất ổn như trên đang đặt ra yêu cầu phải kiểm soát và bảo đảm sự ổn định của mặt hàng chiến lược này trên phạm vi toàn cầu. Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Alrai của Kuwait tuần trước, ông Haitham al-Ghais, tân Tổng Thư ký OPEC, nhận định thị trường năng lượng hiện đang “rất bất ổn và hỗn loạn”. Ông cho biết OPEC không kiểm soát giá dầu, nhưng đang thực hiện cái gọi là “điều chỉnh thị trường” về mặt cung và cầu.
Giá dầu giảm mạnh sau một thời gian tăng phi mã có ý nghĩa quan trọng giúp “hạ nhiệt” lạm phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc thị trường vàng đen trồi sụt bất thường trong thời gian qua cũng không phải là tin tốt lành với các nhà sản xuất dầu lửa cũng như kinh tế toàn cầu. Để phục hồi tăng trưởng sau “cơn bạo bệnh Covid-19”, các nền kinh tế cần các dòng chảy tài chính, thương mại cũng như nguồn cung năng lượng ổn định và để làm được điều đó cần sự bắt tay hợp tác của mọi quốc gia, nhất là các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước lớn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()