Sudan và Nam Sudan khẳng định cam kết đối thoại
Kết thúc cuộc hội đàm tại Khartoum ngày 1/7 giữa Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar và Phó Tổng thống Sudan Ali Osman Taha, hai nước láng giềng này tái khẳng định cam kết đối thoại và thương lượng để giải quyết bất đồng.
Kết thúc cuộc hội đàm tại Khartoum ngày 1/7 giữa Phó Tổng thống Nam Sudan Riek Machar và Phó Tổng thống Sudan Ali Osman Taha, hai nước láng giềng này tái khẳng định cam kết đối thoại và thương lượng để giải quyết bất đồng.
Hai bên ra thông cáo chấp nhận các đề xuất của Ủy ban Điều phối cấp cao của AU (AUHIP) nhằm tránh cuộc khủng hoảng dầu mỏ giữa hai nước, theo đó tiếp tục giữ nguyên khu phi quân sự giữa hai nước đặt dưới sự giám sát của lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc và thiết lập cơ chế nhằm xem xét các cáo buộc hỗ trợ quân nổi dậy của cả hai bên.
Hai bên cũng cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình thường hóa và tăng cường quan hệ song phương cũng như thực hiện cơ chế hành động, giám sát, đánh giá và giải quyết tranh chấp theo qui định của hiệp định hợp tác toàn diện ký giữa hai nước tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia hồi tháng 4.
Hai bên cũng sẵn sàng hoàn tất các vấn đề của hiệp định hòa bình toàn diện như vấn đề biên giới, và khu vực tranh chấp Abyei. Hai bên đồng ý không ủng hộ phiến quân hoạt động trên lãnh thổ của nhau. Hai bên đều muốn thực hiện các thỏa thuận cho phép xuất khẩu dầu của Nam Sudan đi qua Sudan và bảo đảm an toàn ở khu vực biên giới tranh chấp.
Đây là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa hai nước sau khi căng thẳng đột ngột tái bùng phát vào ngày 8/6 khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir ra lệnh đóng cửa tuyến đường ống xuất khẩu dầu mỏ của Nam Sudan qua lãnh thổ Sudan với cáo buộc Juba vẫn tiếp tục hỗ trợ lực lượng phiến quân Mặt trận Cách mạng chống lại Khartoum.
Trong khi đó, Giuba cáo buộc Khartoum hỗ trợ cho lực lượng phiến quân đang hoạt động tại các bang Nam Kordofan, Blue Nile và Dafour. Cả hai bên đều phủ nhận các cáo buộc trên.
Khartoum và Juba đã nhất trí nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nam Sudan thông qua các đường ống dẫn dầu của Sudan như một phần của việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác ký tại thủ đô Addis Ababa năm 2012.
Trong cuộc đàm phán tại Ethiopia hồi tháng 4, hai nước đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cũng như thực hiện 8 thỏa thuận quan trọng khác. Nếu hoạt động xuất khẩu dầu mỏ được khôi phục bình thường, mỗi ngày sẽ có từ 250.000 đến 350.000 thùng dầu được bơm từ Nam Sudan qua Sudan, đem lại hàng tỷ USD doanh thu cho hai quốc gia đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế này.
Các vụ việc căng thẳng trên đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu quan trọng này cũng như các hãng dầu mỏ quốc tế đang hoạt động tại Nam Sudan./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()