Nhộn nhịp xã công nghiệp
Kết thúc buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An, buổi chiều Đoàn công tác về xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa. Qua các xã Lương Hòa, Lương Bình (huyện Bến Lức), xã Hữu Thạnh, thị trấn Đức Hòa, rồi xã Đức Hòa Thượng, về đến Đức Lập Hạ, có thể thấy hàng loạt công trình lớn của khu công nghiệp, khu đô thị mới, nhà xưởng, xí nghiệp mọc lên san sát trên khoảnh đất rộng bằng phẳng cạnh cánh đồng mía hay những ruộng lúa xanh rì.
Vui mừng lần đầu đón Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác về thăm, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Đạo và đại diện nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vui mừng báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm qua tại xã. Xã đã vinh dự hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong thời kỳ đất nước mở cửa, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã thật sự mang lại động lực mạnh mẽ thúc đẩy nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Khai thác lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của huyện giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, xã Đức Lập Hạ nhiều năm qua đã phát triển theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, đến nay, khu công nghiệp Đức Hòa III mới được hình thành trên tổng diện tích 830 ha của xã đã có 21 nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp tại địa phương, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong xã và nhiều nơi khác.
Lãnh đạo xã cho rằng, phát triển theo hướng công nghiệp vừa qua đã tạo nên diện mạo nông thôn mới ở Đức Lập Hạ. Trong 5 năm qua, bước chuyển dịch kinh tế đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 3.200 lao động, góp phần giảm hộ nghèo trong xã từ 574 hộ xuống còn 125 hộ, không còn hộ đói. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp đỡ gia đình chính sách, hộ nghèo thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm chu đáo.
Bước phát triển đột phá
Về tỉnh Tây Ninh, Đoàn công tác của Chủ tịch QH đến thăm cán bộ và nhân dân xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, huyện hai lần vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong kháng chiến và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Xã An Tịnh hai lần được phong tặng Anh hùng LLVTND.
Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều xã của huyện bị địch san phẳng, được người dân ví là “vùng đất trắng”. 35 năm sau ngày giải phóng, chính quyền và nhân dân Trảng Bàng đã xây dựng nơi đây trở thành một huyện công nghiệp phát triển nhất của tỉnh Tây Ninh. Khởi đầu từ năm 1999, khi khu công nghiệp (KCN) Trảng Bàng ra đời, đã đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh. Trong đà đi lên ấy, xã An Tịnh thuộc huyện Trảng Bàng đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Xã nằm ở cửa ngõ tây bắc của TP Hồ Chí Minh, nằm trục nối liền hai trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh và thủ đô nước bạn Cam-pu-chia. KCN đầu tiên của tỉnh nằm ở An Tịnh trên diện tích 400 ha, thu hút 161 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 422 triệu USD và 2.450 tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy An Tịnh Nguyễn Văn Buôi, cho biết: Giá trị sản xuất công nghiệp tại xã năm 2009 chiếm gần 32% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho 31.418 lao động, trong đó lao động trong huyện là 14 nghìn người…
Các xã An Tịnh, Đức Lập Hạ và biết bao vùng quê hương cách mạng anh hùng đang dần định hình trở thành những trung tâm công nghiệp, vùng kinh tế động lực của tỉnh và xa hơn cho cả vùng. Bài học rút ra từ thực tiễn quá trình phát triển vừa qua cho thấy, các cấp, các ngành ở hai tỉnh cùng vào cuộc để triển khai, thực hiện một cách đầy đủ và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế nhiều thành phần. Điều đó được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đồng tình, hưởng ứng, cùng cả hệ thống chính trị các cấp thực hiện mang lại hiệu quả cao nhất.
Tổng kết mô hình thực tiễn
Qua chuyến thăm và làm việc tại hai tỉnh Long An và Tây Ninh, phát biểu ý kiến tại các cuộc gặp cán bộ, đảng viên và nhân dân tại cơ sở, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tỏ ý vui mừng trước những thành tựu to lớn, bước phát triển đi lên của vùng quê cách mạng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cho rằng, sự hình thành xã kinh tế trọng điểm, huyện công nghiệp trong thời kỳ mới ở hai tỉnh rất đáng hoan nghênh.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những khó khăn hiện nay của địa phương đang gặp phải như vấn đề vốn đầu tư, tình trạng thiếu điện cho sản xuất và đời sống, vấn đề liên kết “bốn nhà” chưa hiệu quả, giải quyết ô nhiễm môi trường, hay sự bất cập, thiếu đồng bộ của một số cơ chế, chính sách, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh khi phát triển KCN… Đồng chí cho rằng, đây là những vấn đề chung đặt ra trong quá trình phát triển. Vì thế, trong quá trình chuẩn bị, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, các địa phương cần chú trọng công tác tổng kết sâu sắc việc thực hiện các đường lối, chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt cần tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001 – 2010… Từ đó, xây dựng định hướng, tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của tỉnh, của huyện, của xã trong giai đoạn tiếp theo. Điều này cũng sẽ giúp Trung ương rút ra nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý.
Gặp mặt, trò chuyện với cán bộ, người dân ở cơ sở, đồng chí Nguyễn Phú Trọng mong muốn thời gian tới, đứng trước yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, cơ hội và thách thức đan xen, cán bộ và nhân dân Long An, Tây Ninh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành các tỉnh công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm của cả vùng.
Ý kiến ()