Sức vươn thành phố miền biên ải
LSO-Kể từ mùa thu đầu tiên khi thị xã Lạng Sơn được nâng cấp lên thành phố Lạng Sơn đến nay đã tròn 15 năm. 15 mùa thu đi qua là dấu mốc quan trọng để thành phố miền biên ải Xứ Lạng phát triển, vươn lên trong thời kỳ mới.
Đường vào Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố |
Từ năm 1986 về trước, thị xã Lạng Sơn còn chậm phát triển về kinh tế – xã hội, cơ sở vật chất còn thấp kém, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong giai đoạn 15 năm được thành lập (từ ngày 17/10/2002), thành phố Lạng Sơn đã chuyển mình mạnh mẽ. Kinh tế liên tục phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Ông Lý Văn Huỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Lạng Sơn nhớ lại: Vào năm 2002, tổng thu ngân sách của thị xã Lạng Sơn khi đó chỉ hơn 20 tỷ đồng. Từ năm 2003 đến nay, trung bình mỗi năm, thu ngân sách của thành phố tăng từ 15% đến hơn 20%. Năm 2016 thành phố thu ngân sách 242 tỷ đồng, từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố đã thu được 260 tỷ đồng, đạt 87,5% dự toán tỉnh giao.
Cùng với đó, 15 năm nay, những tuyến đường mới, những con phố dọc ngang và nhà cao tầng mọc lên san sát làm nên một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của miền đất đa sắc màu dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Hoa… Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của thành phố đạt trên 60 triệu đồng/năm. Trên địa bàn có hơn 800 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã và trên 5.000 hộ cá thể đang hoạt động sản xuất và kinh doanh đa dạng, phong phú ở các lĩnh vực.
Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị loại II vào năm 2020, những năm qua, thành phố huy động nhiều nguồn lực đầu tư, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình, dự án lớn mọc lên làm cho thành phố ngày càng khang trang, hiện đại như: dự án cầu 17/10; công viên Chi Lăng giai đoạn 2; tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố Shop house; các khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV; Nam Hoàng Đồng I, khu tái định cư và dân cư Nam thành phố… Hầu hết các tuyến đường đô thị được nâng cấp. Một số dự án khác đang được triển khai như dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố; dự án cầu Kỳ Cùng; khu đô thị mới Mai Pha… Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố được triển khai tích cực và hiệu quả, đến năm 2016, 3/3 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Song song với phát triển kinh tế, thành phố có chuyển biến vượt bậc về lĩnh vực xã hội với 23 trường học đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, trên 85% số hộ, trên 75% thôn và khối phố, trên 95% tổng số cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 0,2%. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể luôn giữ vững danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”.
Ông Bùi Văn Côi, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn khẳng định: Thành phố đã “vươn mình đứng dậy” sau Nghị định 82/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ về việc thành lập thành phố Lạng Sơn. Sự kiện này là bước ngoặt lớn, mở ra cho thành phố một vị thế, cơ hội mới để phát triển với tốc độ cao, nhanh và toàn diện hơn; tạo nên một đô thị văn minh, hiện đại; có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh, vùng Đông Bắc cũng như cả nước.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tập trung triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn và đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Đồng Đăng. Tin tưởng rằng bằng sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, trong tương lai, thành phố biên cương tiếp tục vươn mình phát triển.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()