Sức vươn huyện nghèo
LSO-Với sự kiện 19/4/1945, Bình Gia trở thành một trong những huyện đầu tiên của Lạng Sơn và cả nước khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Bảy mươi năm qua, Bình Gia đã có những bước tiến vượt bậc và giờ đây đang vững bước trên con đường đổi mới.
Giờ đọc sách trong thư viện thân thiện của học sinh Trường phổ thông DTNT Bình Gia |
“ĐIỂM TỰA” CỦA CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN
Đã 70 năm, song ký ức về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/4 năm ấy vẫn còn nguyên trong trí nhớ của cụ Nông Văn Cao (bí danh Nông Quý Hương), cán bộ Tiền khởi nghĩa của huyện Bình Gia. Cụ kể: “Đã nghe “rục rịch” từ chiều hôm trước, tên quan đồn của Bình Gia nói là đi chơi, nhưng thực ra là chạy theo đường Bản Châu về Đồng Mỏ, để lại mấy chục tên lính đóng tại đồn. Ngay trong đêm 18/4, lực lượng vũ trang ta đã tiếp cận và sáng 19/4 tiến hành công đồn, nhanh chóng làm chủ đồn địch. Cách mạng thắng lợi, nhân dân vô cùng phấn khởi, các đoàn thể được ra đời và sau đó 2 tháng – ngày 19/6/1945, chính quyền nhân dân được thành lập do đồng chí Hà Tân Cương làm Chủ tịch”.
Với vị trí chiến lược của mình (điểm nối giữa Thất Khê, Bắc Sơn, Bắc Cạn và Lạng Sơn), Bình Gia sớm có phong trào cách mạng. Năm 1941, nhân dân các dân tộc Bình Gia đã bảo vệ và dẫn đường cho các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đi dự hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng). Ngay sau khi có Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 20/3/1945, trung đội vũ trang đầu tiên của Bình Gia đã được thành lập tại Bản Cù (Hoa Thám) với 36 đội viên. Chính trung đội này đã trở thành nòng cốt công đồn và là điểm tựa cho nhân dân giành chính quyền ngày 19/4/1945. Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Bình Gia đã trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc kháng chiến với thôn Kéo Coong (Tân Văn). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn con em đồng bào các dân tộc Bình Gia đã lên đường chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc ngày 30/4/1975. Chiến tranh biên giới bùng nổ tháng 2/1979, một lần nữa Bình Gia lại gánh vác trọng trách lịch sử: hậu cứ vững chắc của tỉnh.
VƯƠN LÊN TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI
Là một huyện có đến 17/20 xã, 148/194 thôn đặc biệt khó khăn, với phương châm tự lực cánh sinh, tận dụng lợi thế nông lâm nghiệp phát triển thành hàng hóa để thoát nghèo, trong gần 30 năm đổi mới, nhất là trong 5 năm 2010-2015, Bình Gia đã từng bước vươn lên xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển. Từ năm 2010 đến nay, đặc biệt là từ khi có Quyết định 293/QĐ-TTg, ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ cho Bình Gia được áp dụng cơ chế 30a, thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tăng nhanh với mức 10,36%/năm; nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2010 ở mức 9,1 triệu đồng, thì năm 2014 đã tăng 1,6 lần (đạt 15,4 triệu đồng). Tổng sản lượng lương thực đạt trên 21.400 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt gần 400 kg quy thóc; tỷ trọng nông lâm nghiệp chiếm 43%. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng từng bước phát triển và hiện nay đã chiếm tỷ trọng 57-58%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-5% mỗi năm và đến năm 2014 còn 43,67%. Sản xuất phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển nhanh. Mạng lưới trường, lớp, trạm y tế và nhân viên y tế đã đến tận xã và thôn bản.
Hiện nay, Bình Gia đã có 2 trường THPT, 1 trường phổ thông DTNT cấp THCS, có 32 trường phổ thông dân tộc bán trú từ cấp tiểu học đến THCS, đảm bảo thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc. Huyện đã giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ, giữ vững phổ cập giáo dục THCS và đang đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, rất nhiều thanh niên đã và đang học các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao của huyện; hoặc tham gia lao động tại các công ty trong và ngoài nước, có thu nhập tốt. Bệnh viện Bình Gia mới được cải tạo nâng cấp với nhiều máy móc hiện đại, đội ngũ cán bộ y tế có trình độ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Bản sắc văn hóa các dân tộc ngày càng được phát huy và đã trở thành động lực cho sự phát triển. Để có được những thành tựu ấy, Đảng bộ, chính quyền huyện Bình Gia đã biết lựa chọn khâu đột phá để phát triển: đó là phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông. Bằng sự giúp đỡ của nhà nước, sự vào cuộc của người dân, giao thông Bình Gia đã được cải thiện rất nhiều, tạo thuận lợi cho nền sản xuất hàng hóa phát triển. Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Bình Gia, huyện đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.
Một góc trung tâm thị trấn Bình Gia |
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Công Vĩ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Với truyền thống cách mạng của quê hương, với tinh thần dám nghĩ dám làm của ngày 19/4; bằng sự cần cù của nhân dân các dân tộc, lại được hưởng cơ chế của 30a, Bình Gia sẽ vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn tới để cùng toàn tỉnh thực hiện thành công công cuộc đổi mới, tiến tới dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh”.
MINH HỒNG
Ý kiến ()