Sức vươn của vùng chè
LSO-Hàng trăm ngôi nhà tầng kiên cố, mái ngói đỏ tươi mọc lên giữa vùng chè xanh ngắt. Những con đường bê tông phẳng lỳ nối liền các khu phố, thị trấn Nông trường Thái Bình, huyện Đình Lập đang đổi mới từng ngày, cây chè đã giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Người dân thị trấn Nông trường Thái Bình thu hoạch chè |
Thăng trầm cùng cây chè
Năm 1962, theo tiếng gọi của Đảng, một bộ phận nhân dân từ tỉnh Thái Bình mà nòng cốt là bộ đội phục viên thuộc Đại đội 6 Trung đoàn 242 đến huyện Đình Lập thành lập nông trường quốc doanh Thái Bình với mục tiêu xây dựng kinh tế và giữ gìn an ninh vùng biên giới. Sau một thời gian tìm hiểu điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, người dân đã chọn cây chè để phát triển vùng hàng hóa và thị trấn Nông trường Thái Bình cũng bắt đầu hình thành.
Nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay, người dân thị trấn Nông trường Thái Bình đã trải qua bao thăng trầm cùng cây chè. Trong thời kỳ khi đất nước sản xuất theo cơ chế tập trung bao cấp, đời sống người dân tuy không giàu nhưng duy trì ổn định. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước bắt đầu có nhiều chuyển đổi để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc này, cây chè trung du truyền thống năng suất, chất lượng thấp không còn phù hợp, sản phẩm chè không có thị trường tiêu thụ.
Ông Vũ Hữu Trình, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Thái Bình cho biết: Điều kiện kinh tế – xã hội của thị trấn giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2000 vô cùng khó khăn, bà con hầu hết sống nhờ vào cây chè, nhưng sản phẩm không tiêu thụ được, diện tích đất trồng lúa hạn chế nên đói nghèo triền miên, nhiều hộ không chịu được cảnh khó đã bỏ xứ về lại quê hương hoặc đi tìm vùng kinh tế mới.
Khó khăn là vậy nhưng đa số người dân nơi đây vẫn quyết tâm phát triển vùng chè. Đến khoảng năm 2002, nông trường đã nghiên cứu, tìm tòi và đưa các giống chè mới của Đài Loan như: Ô Long Thanh Tâm, Bát Tiên và Ngọc Thuý đem về gây trồng. Người dân mạnh dạn chuyển đổi một phần đất trồng chè trung du cũ để trồng giống mới. Cây đã không phụ công người, nó hợp đất, phát triển tốt đem lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, sản phẩm chè của người dân bắt đầu mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Thu nhập của những hộ trồng chè tăng đáng kể, có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thời kỳ “hoàng kim” kéo dài cho đến hết năm 2014. Bước qua năm 2015, trước những quy định ngặt nghèo của thị trường xuất khẩu cộng với nhận thức sai lệch của một bộ phận người dân trồng chè đã làm sản phẩm giảm chất lượng, mất giá trị. Cũng thời điểm này, hơn 10 ha chè đã chết do không thích nghi được với điều kiện khí hậu. Sản phẩm “chè Thái Bình” lại một lần nữa bí đầu ra.
Trước những khó khăn, mặc dù có chút hoang mang, lo lắng, nhưng hơn 500 hộ dân thị trấn Nông trường Thái Bình đã đoàn kết, quyết tâm tìm hướng khắc phục. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn như: ứng dụng khoa học kỹ thuật, dùng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định để chăm sóc cây chè. Đồng thời, dần khôi phục những diện tích chè bị chết. Từ đầu năm 2017 đến nay, niềm vui đã trở lại với người dân đất chè.
Thành quả từ sự quyết tâm
Những năm gần đây, diện tích cây chè của thị trấn Nông trường Thái Bình duy trì khoảng 170 ha. Trung bình mỗi năm đạt sản lượng khoảng 200 tấn chè thành phẩm các loại. Hiện nay, chè của thị trấn đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ… mang lại tổng doanh thu trên 16 tỷ đồng.
Hiện nay, tại thị trấn Nông trường Thái Bình, cây chè đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét. Nhờ có đầu ra ổn định cho sản phẩm, người dân trồng chè hái không kịp để bán, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài Công ty Cổ phần Chè Thái Bình còn có hàng chục hộ gia đình đầu tư nhà xưởng máy móc thiết bị để sản xuất chè thành phẩm, có hộ thu tiền tỷ mỗi năm.
Chị Phạm Thị Thủy, ở khu 3 chia sẻ: Giờ đây, người trồng chè như chúng tôi không phải lo lắng nhiều đến cái ăn, cái mặc. Riêng tiền bán chè tươi cũng đủ chi trả sinh hoạt hằng ngày và mua sắm vật dụng gia đình.
Rõ ràng, cây chè đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ nét. Để phát triển bền vững, chính quyền cùng người nông dân trồng và sản xuất chè cần tiếp tục đồng hành và quyết tâm thực hiện nghiêm túc quy trình chăm sóc và bảo vệ cây chè theo đúng tiêu chuẩn sạch. Từ đó, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu “chè Thái Bình”, Đình Lập đến khắp thị trường trong nước và quốc tế.
ANH DŨNG
Ý kiến ()