Sức trẻ Ðoàn Không quân Sao Ðỏ
Đại úy, đảng viên, phi công trẻ Nguyễn Ngọc Hải (bên trái) trao đổi kinh nghiệm bay với đồng nghiệp. Đoàn Không quân Sao Đỏ là đơn vị tiền thân của Lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã bắn rơi 137 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh của địch.Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Trung đoàn bắn rơi ba máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc B52. Trung đoàn đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu "Đơn vị Anh hùng LLVTND".Tự hào truyền thốngNgược dòng lịch sử, ngày 30-5-1963, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Trung đoàn Không quân 921. Đến ngày 3-2-1964, đúng vào Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại sân bay Mông Tự, Vân Nam (Trung Quốc), lễ ra mắt Trung đoàn được tiến hành, đây là đơn vị không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam. Từ những ngày đầu non trẻ, bằng ý chí và lòng dũng cảm, Trung đoàn đã xuất kích trận đầu (ngày 3-4-1965)...
Đại úy, đảng viên, phi công trẻ Nguyễn Ngọc Hải (bên trái) trao đổi kinh nghiệm bay với đồng nghiệp. |
Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Trung đoàn bắn rơi ba máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc B52. Trung đoàn đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVTND”.
Tự hào truyền thống
Ngược dòng lịch sử, ngày 30-5-1963, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Trung đoàn Không quân 921. Đến ngày 3-2-1964, đúng vào Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại sân bay Mông Tự, Vân Nam (Trung Quốc), lễ ra mắt Trung đoàn được tiến hành, đây là đơn vị không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam. Từ những ngày đầu non trẻ, bằng ý chí và lòng dũng cảm, Trung đoàn đã xuất kích trận đầu (ngày 3-4-1965) mở “mặt trận trên không thắng lợi”. Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, dù phải đương đầu với không quân Mỹ có số lượng đông, trang bị mạnh, có kinh nghiệm không chiến, Trung đoàn 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ) đã tìm ra nhiều hình thức chiến thuật, cách đánh hay, càng đánh càng mạnh và càng trưởng thành. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn đã bắn rơi 137 máy bay Mỹ các loại, bắt sống nhiều giặc lái, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh của địch; trong chiến dịch 12 ngày đêm (tháng 12-1972) Trung đoàn bắn rơi ba máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc B52. Tên tuổi của các phi công Anh hùng Lực lượng vũ trang: Hà Văn Chúc, Trần Hanh, Vũ Ngọc Đỉnh, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân, Phạm Ngọc Lan, Phạm Phú Thái… luôn gắn liền với những trang sử vẻ vang của Trung đoàn Không quân 921 Anh hùng.
Vững vàng trên đôi cánh mới
Truyền thống luôn là bệ phóng để thế hệ cán bộ, phi công, chiến sĩ của Trung đoàn hôm nay phấn đấu vươn lên, viết tiếp những thành tích mới trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Bằng chứng là, sau khi tiếp nhận khí tài mới, đơn vị đã nhanh chóng học tập, huấn luyện và làm chủ để thực hiện nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Đại tá Nguyễn Văn Lượng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921 cho biết: “Cuối năm 2010 đầu năm 2011 được xem là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với Trung đoàn, khi toàn đơn vị tập trung cho công tác chuẩn bị tiếp nhận và thực hiện nhiệm vụ trên khí tài mới. Trước đó, một lực lượng gồm cán bộ, phi công, thợ máy đi chuyển loại máy bay Su-22 ở đơn vị bạn, số còn lại vừa làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu vừa chuẩn bị chuyển giao máy bay MiG-21 và khí tài cho đơn vị khác. Sau khi tiếp nhận máy bay Su-22 về đơn vị, đồng thời vừa huấn luyện chuyển loại cho số phi công máy bay MiG-21 sang máy bay Su-22 vừa thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Khối lượng công việc nhiều, tần suất hoạt động lớn, song với tinh thần vượt khó cộng với ý chí quyết tâm của từng cán bộ, chiến sĩ, toàn đơn vị đã đồng lòng chung sức hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển giao, nhanh chóng đưa khí tài vào huấn luyện và trực ban SSCĐ, bảo vệ các mục tiêu được giao”.
Có mặt tại Trung đoàn những ngày này, tôi được chứng kiến không khí huấn luyện sôi động của cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật đơn vị. Một hồi kẻng vang lên từ phòng chỉ huy sân bay, đã khiến cho mọi người quên đi cái lạnh buốt giá của mùa đông. Ngay lập tức, các phi công và nhân viên kỹ thuật đã cơ động nhanh ra tiếp quản khí tài. Các kỹ thuật viên nhanh chóng giúp phi công vào buồng lái và khởi động máy bay. Trong chốc lát, phi công đã sẵn sàng cho máy bay cất cánh… Đó chỉ là một tình huống giả định trong huấn luyện SSCĐ của kíp trực tại sân bay. Mọi công đoạn từ chuẩn bị đến các thao tác của phi công, nhân viên kỹ thuật diễn ra một cách mau lẹ và chính xác tuyệt đối. Kết thúc tình huống huấn luyện, bước xuống từ máy bay, Đại úy, phi công Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1980, nhoẻn cười thật tươi, những giọt mồ hôi lăn dài trên má. Hải là một trong những phi công trẻ của Trung đoàn 921, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trực ban SSCĐ. Được biết, chàng trai quê Bắc Giang này từng là gương mặt thanh niên tiêu biểu của Quân chủng Phòng không – Không quân và toàn quân năm 2007. Trước khi trở thành phi công máy bay Su-22, Hải từng có nhiều năm bay trên MiG-21, hiện anh đã có hơn 100 giờ bay trên máy bay Su-22. Nguyễn Ngọc Hải tâm sự: “Tôi được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chuyển loại máy bay mới là niềm vinh dự lớn, tôi luôn cố gắng trong học tập làm chủ vũ khí trang bị, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc”. Cùng thế hệ với Đại úy Nguyễn Ngọc Hải và cũng được giao nhiệm vụ trực ban chiến đấu ở sân bay còn có Thiếu tá Tạ Hữu Cường, Đại úy Vương Xuân Bắc, Đại úy Nguyễn Trọng Công… họ đều là những người trẻ tuổi nhưng có trình độ bay giỏi, trước khi về đây họ cũng đã được tôi luyện, thử thách ở những nơi khó khăn, gian khổ như các sân bay: Thọ Xuân, Yên Bái, Phù Cát, Phan Rang… qua đó đã góp phần tạo nên trong họ ý chí và bản lĩnh để mỗi người quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Với tất cả niềm tin và lòng tự hào, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 hôm nay nguyện mãi xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc thân yêu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()