LSO- Con đường trải nhựa dẫn chúng tôi thẳng đến thôn Vũ Lâm, xã Vũ Lễ (Bắc Sơn) trong những ngày giáp tết Tân Mão 2011. Ở đây, người dân đang phấn khởi đón chào năm mới với những thành quả đạt được trong thời gian qua.Khi cái đói, cái nghèo đã quaToàn thôn có 220 hộ dân, với 875 nhân khẩu gồm các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Cao Lan, Kinh...cùng sinh sống. Ngay từ những năm đầu thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, người dân trong thôn đã tích cực giúp đỡ nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc. Cuộc vận động như thổi một luồng gió mới vào đời sống người dân nơi đây. Đồng bào chung tay đoàn kết xây dựng thôn ngày càng giàu mạnh. Người dân trong thôn luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hương ước, quy ước của thôn, xây dựng...
LSO- Con đường trải nhựa dẫn chúng tôi thẳng đến thôn Vũ Lâm, xã Vũ Lễ (Bắc Sơn) trong những ngày giáp tết Tân Mão 2011. Ở đây, người dân đang phấn khởi đón chào năm mới với những thành quả đạt được trong thời gian qua.
Khi cái đói, cái nghèo đã qua
Toàn thôn có 220 hộ dân, với 875 nhân khẩu gồm các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Cao Lan, Kinh…cùng sinh sống. Ngay từ những năm đầu thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, người dân trong thôn đã tích cực giúp đỡ nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt, tăng cường sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc. Cuộc vận động như thổi một luồng gió mới vào đời sống người dân nơi đây. Đồng bào chung tay đoàn kết xây dựng thôn ngày càng giàu mạnh. Người dân trong thôn luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hương ước, quy ước của thôn, xây dựng Vũ Lâm luôn là điểm sáng trong phong trào xây dựng làng, bản văn hóa của huyện Bắc Sơn. Ngoài ra họ cũng có ý thức cao trong việc xây dựng nếp sống văn hóa từ mỗi gia đình, dòng họ và trong cả cộng đồng dân cư. Người khá, giàu thì giúp đỡ, động viên người nghèo để cùng nhau sản xuất, đổi thay cuộc sống. Cùng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội ở miền núi, Vũ Lâm đã biết khai thác và phát huy nội lực để góp phần xây dựng quê hương. Đồng bào trong thôn đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm thì dịch vụ đã và đang trở thành “ngành mũi nhọn” ở nơi đây. Có những dịch vụ đã trở thành những tổ hợp quy mô hợp tác xã nhỏ, bán xăng dầu, nhà hàng ăn uống… Đến nay, người dân trong thôn có thu nhập bình quân 11 triệu đồng/ người/năm, 65% hộ khá giàu. Toàn thôn có 18 ô tô các loại, 5 máy cày, 230 xe máy các loại; 100% hộ dân đã dùng điện lưới quốc gia… Nhân dân tham gia vào làm đường giao thông liên thôn bản tạo điều kiện đi lại thuận tiện và giao lưu phát triển kinh tế giữa các vùng miền. Người dân thôn từng bước xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu dân cư, giữ gìn vệ sinh môi trường, trẻ em trong độ tuổi đến trường được đi học, người dân được chăm sóc sức khỏe tại cơ sở y tế, 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Tất cả những điều đó cho thấy sự cố gắng của người dân thôn cùng đồng bào các dân tộc trong xã. Đặc biệt, phong trào góp vật liệu, ngày công, tiền cho gia đình khó khăn trong thôn được đặc biệt chú trọng. Trong một năm, xây 2 nhà đại đoàn kết, trị giá trên 60 triệu đồng giúp các gia đình an cư lạc nghiệp, vươn lên trong cuộc sống. Cũng từ đó mà tình làng nghĩa xóm được củng cố, thắt chặt.
Và người dân làm kinh tế giỏi
Nền tảng của xã hội phát triển bền vững là mỗi gia đình và nền tảng một gia đình hạnh phúc, no ấm là có kinh tế ổn định, phát triển. Từ nguồn vốn vay, nhiều người dân đã mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ tổng hợp, chăn nuôi, trồng trọt…cho thu nhập bình quân từ 50 – 70 triệu đồng/năm trở lên. Một trong số các gia đình làm kinh tế giỏi phải kể đến mô hình kinh doanh nghề mộc, chế biến lâm sản thu nhập hàng năm đạt trên trăm triệu đồng của chị Phạm Thị Hợi, hội viên Hội phụ nữ xã Vũ Lễ, tạo việc làm tại chỗ cho 7 lao động với mức thu hàng tháng từ 3 – 7 triệu đồng. Chị Hợi cho biết, trước kia đời sống gia đình bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ năm 1996, được sự quan tâm, giúp đỡ của tổ chức hội, ngành chức năng chị được vay vốn trên 30 triệu đồng nên dần đầu tư máy móc, mua nguồn gỗ phát mại, thuê nhân công để phát triển xưởng mộc với quy mô lớn hơn. Đến nay, đời sống đã được nâng cao, ngôi nhà ba tầng kiên cố, con cái học giỏi, chăm ngoan là công sức phấn đấu và hiệu quả của cả gia đình chị. Chính nhờ những người “dám” làm giàu như chị Hợi mà công cuộc xóa đói giảm nghèo của thôn từng bước được khẳng định, hiện nay thôn không còn nhà dột nát, hầu hết các hộ gia đình đều có phương tiện nghe nhìn; hiện nay thôn vẫn còn hộ nghèo, song đáng mừng là không có hộ nào quá khó khăn.
Tạm biệt nơi đây, chúng tôi cảm nhận được một Vũ Lâm đang vươn mình đi lên mạnh mẽ. Và rồi đây, cuộc sống của người dân thôn Vũ Lâm nói riêng, xã Vũ Lễ nói chung và nhiều xã nghèo khác trên địa bàn huyện Bắc Sơn sẽ đổi thay rõ rệt, để mọi người đều có cái tết ấm no, hạnh phúc.
Thanh Hòa
Ý kiến ()