Sức sống mới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tràng Định
LSO - Tràng Định là huyện vùng cao biên giới của tỉnh gồm 22 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã vùng 3 và 81 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 93%. Giai đoạn 2009 – 2014, việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện và đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đồng bào DTTS tại huyện Tràng Định
Ông Nông Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: so với 4 – 5 năm về trước thì hiện nay bộ mặt của xã đã thay đổi rất nhiều. Những ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp được xây dựng khang trang, con đường đất lầy lội tại khu trung tâm xã nay được đổ bê tông chạy thẳng tắp vào từng ngõ xóm. Nhờ nhận thức được nâng cao mà đồng bào DTTS tại đây đã biết phát triển kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4 – 6%.
Thay đổi lớn nhất phải kể đến hai thôn ĐBKK Lũng Slàng và Bản Bó. Từ thôn được mệnh danh “3 không”: không điện, không đường, không trường, chỉ trong vòng 5 năm đã có nhiều công trình được xây dựng theo nguồn vốn Chương trình 135 như: làm đường giao thông nông thôn, xây dựng phân trường mới, kiên cố hóa trường lớp học, kéo lưới điện vào thôn… Việc đầu tư toàn diện điện – đường – trường – trạm đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, gần 70 hộ dân tộc Nùng và Dao tại đây được nâng cao chất lượng cuộc sống khi sử dụng điện lưới quốc gia và nước hợp vệ sinh.
Cùng với đó, hợp phần hỗ trợ sản xuất (thuộc CT 135) đã hỗ trợ phân bón, giống lúa, con giống và máy nông cụ tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập. Nếu như trước đây, nhân dân độc canh cây ngô, lúa thì nay đã đa dạng được nhiều mô hình sản xuất như trồng nấm, trồng rừng, chăn nuôi dê, bò… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ riêng Tri Phương, có dịp đến các vùng đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn huyện, chúng tôi mới thấy rõ hết sự đổi thay to lớn. Đây là kết quả của việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện, đặc biệt là CT 135.
Ông Triệu Hữu Hương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tràng Định cho biết: “khó khăn lớn nhất tại các xã vùng 3, thôn ĐBKK là cơ sở vật chất thiếu vốn, vì vậy nguồn vốn CT 135 đã giúp cơ sở hạ tầng tại đây thay đổi rõ rệt”. Giai đoạn 2009 – 2014, huyện được đầu tư 51,5 tỷ đồng để xây dựng 71 công trình gồm 51 đường giao thông, 10 công trình thủy điện, 3 trạm y tế và nhiều công trình nhà văn hóa, nước sinh hoạt; thực hiện duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường sạt lở với kinh phí gần 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, hợp phần hỗ trợ sản xuất (CT 135) tiếp tục được huyện triển khai với nguồn hỗ trợ tăng từ 300 triệu đồng/xã lên 450 triệu đồng/xã, từ 50 triệu đồng/thôn ĐBKK lên 75 triệu đồng/thôn ĐBKK.
Theo đó, toàn huyện đã có 4.800 hộ nghèo được hỗ trợ trực tiếp bằng phân bón, vật nuôi, giống cây trồng… với tổng kinh phí gần 6,8 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này đã mang lại lợi ích thiết thực cho các hộ nghèo được thụ hưởng, không chỉ được hỗ trợ về công cụ, nguyên liệu sản xuất mà thông qua nhiều lớp tập huấn đã giúp bà con từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững. Cũng trong nguồn vốn CT 135, dự án “Đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ cấp xã, thôn bản và cộng đồng” được triển khai và thực hiện hiệu quả. Từ năm 2009 đến nay, đã đào tạo, bồi dưỡng cho trên 2.400 người, mở 9 lớp tập huấn cho gần 360 cán bộ xã, trưởng thôn và bí thư chi bộ tham gia.
Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng đã trang bị cho đội ngũ cán bộ có kiến thức trong việc quản lý, quy hoạch và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho đồng bào DTTS hiệu quả hơn. Có thể nói, giai đoạn 2009 – 2014, việc triển khai nhiều chính sách dân tộc, trong đó CT 135 đã mang lại nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo nên diện mạo mới, sức sống mới vùng DTTS. Điều này được chứng minh qua việc đến nay toàn huyện Tràng Định có trên 90% số hộ được sử dụng điện và nước hợp vệ sinh, 98% thôn bản đường giao thông đi lại, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25% (năm 2010) xuống còn 10% (năm 2014), thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng/người/ năm, tăng 2,1 lần so với năm 2009. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS tại vùng ĐBKK.
Bài, ảnh: Khánh Trang
Ý kiến ()