Sức sống mới ở xã vùng sâu tỉnh Hậu Giang
Vĩnh viễn là xã vùng sâu còn lắm khó khăn của huyện Long Mỹ, Hậu Giang nhưng với truyền thống cách mạng, sự cần cù chịu khó, Đảng bộ và nhân dân nơi đây không ngừng phấn đấu vươn lên, nhất là năm 2006, xã được tỉnh chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Đến nay, sau bốn năm tập trung xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Vĩnh Viễn đã trở thành một trong ba xã đầu tiên của Hậu Giang được công nhận là xã nông thôn mới theo 13 tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.Có được thành quả như ngày hôm nay, những năm qua, Vĩnh Viễn đã quan tâm đầu tư với tổng mức kinh phí khoảng 98 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Nhà nước, huy động sức dân và các chương trình dự án tài trợ khác. Nếu mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Vĩnh Viễn vào năm 2005 khoảng 5,5 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên 12,779 triệu đồng/ người/năm. Có kết quả này là nhờ địa phương biết vận dụng và phát huy...
Có được thành quả như ngày hôm nay, những năm qua, Vĩnh Viễn đã quan tâm đầu tư với tổng mức kinh phí khoảng 98 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Nhà nước, huy động sức dân và các chương trình dự án tài trợ khác. Nếu mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Vĩnh Viễn vào năm 2005 khoảng 5,5 triệu đồng/người/năm, thì nay đã tăng lên 12,779 triệu đồng/ người/năm. Có kết quả này là nhờ địa phương biết vận dụng và phát huy tiềm năng, thế mạnh nền tảng kinh tế nông nghiệp. Không thể phủ nhận rằng, sự quan tâm, hỗ trợ tích cực về khoa học – kỹ thuật của ngành chuyên môn tỉnh, huyện, trong đó có công tác cải tạo, gia cố, nâng cấp hệ thống đê bao khép kín, các tuyến kênh thủy lợi nội đồng, các tuyến kênh chính để dẫn ngọt, rửa phèn, phục vụ tưới tiêu, bảo vệ ruộng đồng tạo điều kiện thuận lợi trong canh tác, từ đó năng suất lúa tăng lên đáng kể.
Từ vùng đất sản xuất mộtvụ lúa/năm, năng suất trung bình khoảng 3-4 tấn/ha, nhưng đến nay phần lớn diện tích đất trồng lúa trong xã có thể canh tác được cả ba vụ lúa, năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha. Ngoài ra, nhiều người dân Vĩnh Viễn còn dựa vào điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, chuyển sang làm ăn hợp tác, mạnh dạn chọn lựa và nhân rộng mô hình canh tác cây trồng, vật nuôi phù hợp, có lợi nhuận kinh tế cao, thay vì độc canh cây lúa. Đáng kể nhất là phong trào nuôi trồng thủy sản, với những loại thủy sản đặc trưng của vùng đất Hậu Giang, như cá rô đồng (cá rô đầu vuông) đầy triển vọng, có thể thu được lợi nhuận kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa trên cùng diện tích canh tác.
Về cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu cuộc sống, sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí cho người dân nông thôn cũng được quan tâm đầu tư khá hoàn chỉnh. Toàn xã hiện có gần 74 km đường điện trung, hạ thế phục vụ cho hơn 96% hộ dân nông thôn, phòng khám đa khoa khu vực, cùng bốn trường tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, trong xã có 16 km đường nhựa, gần 58 km đường bê-tông, đá cấp phối và 67 cây cầu bê-tông bảo đảm nhu cầu đi lại bằng xe hai bánh về đến các xóm, ấp. Với mạng lưới giao thông nông thôn khá đồng bộ, công tác duy tu, sửa chữa và xây dựng mới các tuyến đường giao thông đã góp phần thu hút và kêu gọi đầu tư, vực dậy tiềm năng, thế mạnh thương mại – dịch vụ của xã nông nghiệp vùng sâu. Từ chợ nông thôn (hình thành từ năm 1985), chủ yếu buôn bán hàng tự tiêu tự sản, nhưng sau nhiều năm quy hoạch xây dựng, chợ xã Vĩnh Viễn đang trở thành khu chợ khá sầm uất, là nơi trưng bày và buôn bán tập trung nhiều sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, may mặc, điện gia dụng… của hàng trăm tiểu thương, người dân trong và ngoài xã. Ngoài ra, Khu dân cư thương mại Vĩnh Viễn với diện tích 0,4 ha, với khoảng 50 căn hộ khang trang, góp phần làm thay đổi diện mạo cho trung tâm xã.
Ông Nguyễn Văn Ninh, Trưởng ấp 2, xã Vĩnh Viễn, cho biết: 'Thông qua các phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng con đường đẹp… hầu hết người dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Vì họ nhận thức được ý nghĩa thiết thực của các phong trào mang lại đối với quê hương, xóm, ấp mà trước hết là bản thân mình'. Chứng kiến cảnh đổi thay rõ nét của quê hương, ông Phạm Văn Chinh, ở ấp 3 nhìn nhận: 'Bộ mặt nông thôn của xã có nhiều thay đổi, nổi bật nhất là đường giao thông. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, nên ai nấy đều đồng tình và quyết tâm cùng xây dựng nông thôn mới'…
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn, đồng chí Hồ Thị Mỹ Thôn, thì khẳng định: 'Đạt được kết quả như ngày hôm nay là niềm tự hào của xã, nhưng không vì thế mà chúng tôi thiếu tập trung. Hơn lúc nào hết, bây giờ cần phải luôn giữ 'lửa' trong mọi hoạt động, để tiếp tục hành trình xây dựng xã nông thôn mới'.
Khó khăn hiện nay của xã là chưa thể xây dựng sáu tuyến đường giao thông huyết mạch, có tổng chiều dài khoảng 25 km đạt theo chuẩn của Bộ Giao thông vận tải, vì đòi hỏi kinh phí khá lớn, chưa kể hệ thống cầu tuyến giao thông chính của xã chỉ có tải trọng khoảng một tấn, nên rất khó đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa. Đặc biệt là tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch (sử dụng đất, phát triển hạ tầng, khu dân cư…), vì công tác này sẽ giúp tạo nên 'hình hài' xã nông thôn mới. Một khi quy hoạch từng vùng phù hợp cây trồng, vật nuôi sẽ khai thác tốt tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp, cũng như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Điều này rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong tỉnh có liên quan, vì đội ngũ cán bộ của xã hiện nay vẫn chưa đạt chuẩn theo yêu cầu…
Để hoàn thành 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2015, ngoài sự quan tâm đầu tư, đôn đốc của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, tỉnh, quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, cùng đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()