Sức sống mới ở vùng quê Thăng Bình
Nông dân xã Bình Định Bắc thu hoạch lúa hè thu. Nằm ở cửa ngõ phía bắc của tỉnh lỵ Quảng Nam, cách TP Tam Kỳ hơn 20 km, huyện Thăng Bình là mảnh đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, với truyền thống cách mạng, nhân dân Thăng Bình đã vượt qua khó khăn, nỗ lực lao động sản xuất và đã giành được những thành tựu nổi bật trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo (XĐGN)...Từ khôi phục mầu xanh...Một ngày cuối tháng tám lịch sử, chúng tôi có dịp về lại Thăng Bình, mảnh đất đã làm nên nhiều kỳ tích anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cứu nước. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu ấn của trận đánh năm xưa của quân ta tiến công vào căn cứ của địch ở: Đồng Dương, Chợ Được, Ngọc Phô, Tuần Dưỡng... vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân nơi đây.Qua trao đổi ý kiến với đồng chí Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi được biết, trong muôn vàn khó khăn lúc bấy giờ, Đảng bộ huyện Thăng Bình đã vận động...
Nông dân xã Bình Định Bắc thu hoạch lúa hè thu. |
Từ khôi phục mầu xanh…
Một ngày cuối tháng tám lịch sử, chúng tôi có dịp về lại Thăng Bình, mảnh đất đã làm nên nhiều kỳ tích anh dũng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cứu nước. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu ấn của trận đánh năm xưa của quân ta tiến công vào căn cứ của địch ở: Đồng Dương, Chợ Được, Ngọc Phô, Tuần Dưỡng… vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân nơi đây.
Qua trao đổi ý kiến với đồng chí Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND huyện, chúng tôi được biết, trong muôn vàn khó khăn lúc bấy giờ, Đảng bộ huyện Thăng Bình đã vận động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các địa phương bắt tay ngay vào việc dựng lại nhà ở; đồng thời tập trung tháo dỡ bom mìn, khai hoang phục hóa; ra quân làm thủy lợi, tổ chức lại sản xuất nhằm sớm ổn định cuộc sống và lợp lại mầu xanh cho quê hương… Tuy nhiên, những năm mới giải phóng, do chưa có nước tưới chủ động, nên năng suất lúa bấp bênh; tình trạng “đói cơm, thiếu mắm” cứ đeo bám mãi người dân Thăng Bình ròng rã gần chục năm trời. Và mãi đến khi công trình Đại thủy nông Phú Ninh được đầu tư xây dựng, đưa nước về ruộng đồng thì cuộc sống người dân trong huyện mới dần dần được hồi sinh.
Điều dễ nhận thấy, là từ khi có nguồn nước tưới chủ động và tiếp cận với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, người dân ở các địa phương đã mạnh dạn đưa các loại giống lúa, cây trồng mới và các loại vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Điển hình trong hành trình vượt nghèo ở xã Bình Giang có hộ anh Đỗ Tấn Quý (thôn Bình Hòa). Anh Quý kể, năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ anh về lại quê hương. Khi mới cưới vợ, gia tài anh chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ba-lô và ý chí người lính Bộ đội Cụ Hồ. Lúc đó, thấy điều kiện sản xuất tại nơi ở cũ khó khăn, thiếu đất sản xuất…, thế là, hai vợ chồng kéo nhau ra vùng đất nhiễm mặn ven sông Trường Giang dựng lều, đắp kênh dẫn nước, khai hoang đất trồng lúa, nuôi lợn, nuôi bò và thả lưới bắt cá sông… Cứ thế, lặn lộn hàng chục năm trời, bây giờ, anh sở hữu một gia sản khá lớn. Nhờ chí thú làm ăn, mỗi năm, trừ chi phí ra anh thu được hơn một trăm triệu đồng từ sản xuất; từ đó xây được nhà ở, mua sắm tư liệu sản xuất và đã trở thành tấm gương tiêu biểu để người dân trong xã noi theo.
… Đến hành trình thoát nghèo, vươn lên giàu
Mấy năm trước, về vùng tây Thăng Bình vào mùa này nắng như đổ lửa, những cánh đồng lúa gieo ở đây thường bị cháy khô. Có năm, hạn quá, người dân phải ra tận sông Rù Rì, xa gần chục cây số gánh nước về tắm rửa, giặt giũ quần áo. Vậy mà, từ ngày công trình thủy lợi Đông Tiển được đưa vào sử dụng, cuộc sống người dân nơi đây đã thay đổi hẳn. Bây giờ, những cánh đồng lúa gieo khô khốc ngày nào đã nhường chỗ cho những cánh đồng lúa hè – thu chín vàng trĩu hạt, như một tấm thảm trải dài từ phía bên trên cầu Hà Châu (giáp giới xã Bình Phú) vòng lên phía chợ Vinh Huy (Bình Trị) rồi đổ xuống dọc theo tuyến quốc lộ 14E, bên chân tháp cổ Đồng Dương.
Thấy chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc Trà Tấn Túc không vội thông tin những thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội và những kết quả đạt được trong công tác XĐGN ở địa phương, mà dẫn chúng tôi vào tận cánh đồng lúa hè – thu đang vào mùa thu hoạch rộ nằm dưới chân đập Đông Tiển. Dừng chân giữa cánh đồng lúa chín vàng mẩy hạt, tôi vừa giương máy chụp vài tấm ảnh thì bất ngờ gặp anh Trần Viết Nhì – một “lão nông dân tri điền” ở vùng này đang thu hoạch lúa. Anh Nhì khoe: Cách đây ba năm về trước, cả cánh đồng Xuân Thái Đông mênh mông này không có nước tưới, cho nên mỗi năm làm một vụ lúa sạ và một vụ lúa gieo dựa vào nước trời, năng suất thấp; có năm nắng hạn bị mất trắng, lúa gạo làm ra không đủ ăn, phải “chạy lên rừng, xuống biển” để kiếm thêm tiền mua gạo, mua mắm. Nhưng từ năm 2009, sau khi đập Đông Tiển hoàn thành đưa vào sử dụng, bà con vùng này bắt đầu làm hai vụ lúa ăn chắc; với năng suất bình quân hơn 50 tạ/ha.
Nói về hành trình XĐGN, đồng chí Phan Nghĩa, Bí thư Huyện ủy bộc bạch: Sau khi kết thúc chiến tranh, Thăng Bình có đối tượng chính sách rất lớn, số hộ nghèo đói chiếm tỷ lệ cao; đất đai cằn cỗi, bạc màu, thiếu nước tưới; hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện… còn nhiều bất cập, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nên làm thế nào để bảo đảm “cái ăn, cái mặc”, ổn định cuộc sống cho người dân là vấn đề luôn quan tâm đặt ra tại các kỳ đại hội Đảng bộ huyện. Và cách đây hơn năm năm, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về XĐGN. Sau khi có nghị quyết, các địa phương đã tranh thủ mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng thiết yếu “điện, đường, trường, trạm”. Đáng chú ý, huyện huy động các nguồn lực tập trung cho bê-tông hóa hơn 400 km đường giao thông nông thôn; đồng thời xây dựng, nâng cấp hàng chục công trình thủy lợi nhỏ, nâng diện tích tưới tiêu chủ động lên hơn bảy nghìn ha. Mặt khác, huyện tiến hành xây dựng các cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư vào mở xưởng may và các cơ sở sản xuất, chế biến nhằm giải quyết lao động, tăng thu nhập cho người dân tại địa phương.
Theo đồng chí Phan Nghĩa, điều khó nhất trong công tác XĐGN, là phần lớn đối tượng nghèo thiếu kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt; nhưng lại e ngại trong việc học tập, tiếp cận thông tin về khoa học kỹ thuật. Do vậy, mới đây, Huyện ủy đã giao cho các cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức các lớp tập huấn riêng cho đối tượng nghèo. Sau đó, giao cho địa phương kiểm tra, giúp đỡ và hướng dẫn họ trao đổi kinh nghiệm trực tiếp với họ hàng, làng xóm để cùng nhau vươn lên trong sản xuất và đời sống. Sắp tới, huyện sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển từng vùng; trên cơ sở đó bố trí lại các loại cây trồng hợp lý; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhằm thu hút đầu tư, phát triển cụm công nghiệp, khôi phục các làng nghề truyền thống và ưu tiên nguồn vốn cho đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ để tăng diện tích tưới chủ động cho cây trồng. Đồng thời, vận động nhân dân mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()