Thứ 5, 13/02/2025 01:28 [(GMT +7)]
Sức sống mới ở vùng na
Thứ 6, 24/06/2011 | 08:56:00 [(GMT +7)] A A
Về Chi Lăng những ngày này khi huyện vừa xong kỳ bầu cử, nhân dân các dân tộc như phấn khởi, tin tưởng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kinh tế-xã hội còn lại. Với những tiền đề sẵn có Chi Lăng sẽ bứt phá đi lên xứng đáng là mảnh đất anh hùng nơi biên ải.
LSO-Với trên 1.100 ha na, đất Chi Lăng lịch sử được nhiều người nhắc với cái tên “vùng na”. Từ cây na đã làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân. Và giờ đây không chỉ có na, nhân dân còn thâm canh nhiều cây trồng khác, phát triển công nghiệp, dịch vụ tạo thế đi lên để làm giàu.
![]() |
Nông dân xã Chi Lăng làm đường GTNT |
Tiếp chúng tôi, chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Vi Văn Thuận thống kê nhanh bức tranh kinh tế xã hội địa phương, và chỉ trong giây lát hình ảnh Chi Lăng như một cuốn phim sinh động được bày ra trước mắt. Huyện Chi Lăng với địa hình phức tạp một nửa là núi đất, nửa kia là những ngọn núi đá sừng sững, điểm khởi đầu của dãy Cai Kinh tạo một bức tường đá sừng sững che chở cho người dân Chi Lăng quanh năm suốt tháng cần cù. Cái thế thành quách ấy lợi trong thời chiến nhưng lại khó trong phát triển ở thời bình. Mới cách đây có vài năm thôi người Chi Lăng còn phải thồ từng gánh củi, theo tàu chở từng bao than về xuôi để đổi gạo, đổi rau. Trong bộn bề gian khó ấy, Đảng bộ huyện Chi Lăng lần thứ XVIII đã đề ra hướng phát triển kinh tế, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Xác định gần rừng phải dựa vào rừng, Đảng bộ nhân dân Chi Lăng tập trung vào khai thác rừng và cây ăn quả. Bao nhiêu giống cây trồng được thử nghiệm, thành công có, thất bại có và cuối cùng mỗi cây na là hợp với đất Chi Lăng. Chỉ trong một nhiệm kỳ đại hội, na Chi Lăng đã được nâng diện tích từ trên 300 ha lên trên 800 ha, và hiện nay diện tích đã đạt 1.176 ha. Từ cây na đã mang lại thu nhập cho người dân mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Có cái ăn cái để, sẵn với kinh nghiệm, cần cù, huyện tập trung vào khai thác thế mạnh của nông lâm nghiệp và dịch vụ. Lấy nông nghiệp là thước đo với tiêu chí: “Phi nông bất ổn”. Phải đảm bảo an ninh lương thực, mỗi năm Chi Lăng gieo cấy trên 2 ngàn ha cây trồng các loại. Tập trung vào giống mới huyện khai thác thế mạnh của ngô lai, lúa lai, xây dựng cánh đồng 50 triệu, 70 triệu. Kết hợp trồng cây công nghiệp ngắn ngày, ổn định khai thác diện tích đất trồng theo hướng hai lúa 2 màu. Vì vậy sản lượng lương thực toàn huyện đã đạt trên 31 ngàn tấn, chia bình quân mỗi khẩu đạt trên 400 kg/năm. Rất nhiều diện tích khi đưa lúa lai vào sản xuất đã đạt năng suất 55 tạ/1ha. Riêng với cây ngô, ở vùng núi đá khô hạn, cây ngô như một cây trồng chủ yếu, mỗi năm huyện khai thác tầm 800 ha mang lại một lượng lương thực cho sản xuất chăn nuôi. Theo anh Vi Văn Thuận, từ lương thực đảm bảo kéo theo chăn nuôi hàng hóa, trao đổi hàng hóa cũng từ đó mà phát triển. Nếu như trước đây ngô vẫn dùng làm lương thực thì giờ đây người ta trồng ngô để bán, giá trị không kém sản phẩm nông nghiệp khác. Đấy là tiền đề cho sản xuất hàng hóa. Không dừng ở sản xuất nông nghiệp, để chuyển dịch cơ cấu lao động huyện chỉ đạo tập trung khai thác diện tích rừng núi đất bằng trồng rừng sản xuất, hiện mỗi năm huyện phát triển mới thêm 1.500 ha rừng, nhiều diện tích rừng ở các xã Văn An, Chiến Thắng, Bắc Thủy, Nhân Lý đã cho thu hoạch. Không ít gia đình có thu nhập 100 triệu đồng/ năm bằng nghề rừng. Tạo cơ chế linh hoạt trong cơ cấu kinh tế, huyện đã khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, hiện trên địa bàn huyện các cơ sở công nghiệp ngày càng nhiều, như Xi măng Đồng Bành, Công ty Thượng Thành, Công ty Thành Linh, tới đây là Công ty sản xuất nồi hơi…Qua đó giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định đã đạt gần 80 tỷ đồng mỗi năm. Con số tuy chưa lớn nhưng đã khẳng định thế mạnh của vùng núi đá trong xu thế đi lên. Cũng trong câu chuyện anh Vi Văn Thuận “khoe” giờ đây 100% xã xóm có điện, từ đấy đã tạo đà cho văn hóa xã hội phát triển, nhân dân được nghe đài, xem ti vi mở rộng kiến thức áp dụng vào thực tiễn, vì thế đã có hợp tác xã na, hợp tác xã nấm, các cơ sở dịch vụ ngày càng nhiều và chiếm ưu thế trong cơ cấu GDP. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế hài hòa là mục tiêu của huyện, cho đến nay huyện đã thu ngân sách đạt trên 70% chỉ tiêu pháp lệnh, là một trong những huyện đi đầu về thuế.
Về Chi Lăng những ngày này khi huyện vừa xong kỳ bầu cử, nhân dân các dân tộc như phấn khởi, tin tưởng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kinh tế-xã hội còn lại. Với những tiền đề sẵn có Chi Lăng sẽ bứt phá đi lên xứng đáng là mảnh đất anh hùng nơi biên ải.
Đông Bắc
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()