Chủ nhật, 24/11/2024 23:04 [(GMT +7)]
Sức sống mới ở vùng biên
Chủ nhật, 22/01/2012 | 09:25:00 [(GMT +7)] A A
Ngày nay, trong dòng chảy bộn bề của cuộc sống, việc giữ gìn được một nét đẹp trong phong tục ngày tết của cha ông cũng là điều thực sự đáng quý. Điều đó thể hiện sự giao thoa văn hóa nhưng không bị mai một mà vẫn được thế hệ ngày nay lưu truyền, gìn giữ. Từ những đổi thay trong phát triển kinh tế - xã hội của Yên Khoái cùng những nét đẹp trong ngày xuân của đồng bào dân tộc nơi đây như càng khẳng định một sức sống mới mãnh liệt đã, đang và sẽ mãi trường tồn nơi vùng biên cương của Tổ quốc.
LSO-Đến Yên Khoái vào những ngày cuối cùng của năm Tân Mão, không khí lao động sản xuất của bà con nhân dân nơi đây dường như tích cực hơn, khẩn trương hơn để đón chào năm mới. Trên những thôn bản của mảnh đất vùng biên này, giờ đây đã mọc lên nhiều ngôi nhà cao tầng kiên cố, khang trang thể hiện sự đổi thay của một trong những xã điểm của huyện Lộc Bình trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Niềm vui được mùa của người dân xã Yên Khoái (Lộc Bình)
Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái hồ hởi chia sẻ: mấy năm trở lại đây, đời sống của nhân dân xã vùng biên này được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, đường làng ngõ xóm cơ bản được bê tông hóa, một số thôn hầu như đạt 100% bê tông hóa đến tận gia đình, hệ thống thủy lợi đảm bảo cho tưới tiêu sản xuất. Đối với giáo dục, bà con nhân dân ý thức và thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục rất tốt, trường Tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia năm 2008, trường THCS đạt chuẩn quốc gia năm 2009. Trong năm học 2011-2012, xã và nhà trường cùng sự nỗ lực của phụ huynh hiện đang đầu tư cơ sở vật chất cho trường Mầm non của xã nhằm phấn đấu đạt chuẩn trong năm học này.
Xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình có 8 thôn với 675 hộ dân, chủ yếu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, một số ít hộ của thôn Chi Ma làm nghề kinh doanh dịch vụ tại khu vực cửa khẩu Chi Ma. Trong sản xuất nông nghiệp, Yên Khoái tập trung vào một số cây mũi nhọn như cây lúa, cây khoai tây, thuốc lá, sắn, dưa hấu và mới đưa cây mía giống Trung Quốc vào trồng được 7,7ha. Tuy nhiên, do thời tiết biến đổi khắc nghiệt nên cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng của các loại cây trồng, đặc biệt là cây có hạt. Theo thống kê của xã, năm 2011, tổng sản lượng cây có hạt toàn xã thu được trên 1.048 tấn, đạt 79% so với kế hoạch, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng của xã Yên Khoái thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Theo Nghị quyết phấn đấu thực hiện khoảng 15 ha thì thực tế năm 2011, bà con nhân dân trên địa bàn xã đã trồng được 20 ha rừng thông. Cùng với đó, xã luôn quan tâm chú trọng đến công tác bảo vệ phòng cháy rừng, thường xuyên tuyên truyền lồng ghép các văn bản pháp luật về công tác bảo vệ rừng đến từng thôn bản, vận động nhân dân phát đường băng cản lửa trên những diện tích đã trồng rừng.
Hàng hóa tấp nập qua cửa khẩu Chi Ma, xã Yên Khoái huyện Lộc Bình
Là một xã biên giới, Yên Khoái có “thế mạnh” trong phát triển thương mại – dịch vụ từ cửa khẩu Chi Ma. Trong vài năm trở lại đây, tiến độ xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Chi Ma đã được đẩy nhanh hơn, song thực sự để hoàn thiện và cư dân kinh doanh buôn bán ổn định vẫn còn một khoảng thời gian khá dài. Hiện nay, nhờ có cửa khẩu nên trên địa bàn xã xuất hiện xu hướng phát triển nghề dịch vụ vận chuyển vật liệu, hàng hóa. Toàn xã hiện có trên 10 chiếc xe vận tải Cửu Long, có gia đình có tới 2 chiếc để kinh doanh loại hình dịch vụ này. Đó cũng là một tín hiệu vui cho diện mạo đổi thay của xã nhà trong thời gian tới.
Đến thăm một số hộ gia đình được xem là khá giả của xã Yên Khoái, chúng tôi thực sự mừng cho bà con, bởi giờ đây nếp nghĩ về gieo trồng, sản xuất, chăn nuôi cũng như phát triển kinh tế của bà con đã thay đổi nhiều, bà con đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ở thôn Bản Khoai, gia đình ông Mã Văn Thơ thực sự là một tấm gương về xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu. Từ hai bàn tay trắng và ý chí làm giàu của mình, ông đã nghiên cứu nhiều cách làm ăn, đến nay mô hình kinh tế tổng hợp của ông đã thực sự phát huy kết quả. Ông có 2 mẫu ruộng đủ cung cấp lương thực cho gia đình. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi lợn, vịt, kinh doanh dịch vụ, cung ứng phân bón cho bà con nhân dân trong vùng, kết hợp với nguồn thu từ 2 ô tô chở vật liệu, hàng hóa, hàng năm có thu nhập trên 100 triệu đồng. Không chỉ có gia đình ông Thơ, hiện nay ở Yên Khoái, toàn xã có khoảng trên 20 hộ gia đình khá giả có nhà xây kiên cố và các vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác như xe máy, ti vi, tủ lạnh, các vật dụng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Những nỗ lực đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 87 hộ năm 2010 xuống còn khoảng dưới 50 hộ năm 2011.
Cây mía giống mới được đưa vào đồng đất xã Yên Khoái |
Ông Lê Văn Hòa cho biết: mấy năm gần đây, đời sống nhân dân cũng đã được no đủ hơn nên Tết đến xuân về dường như nhà ai cũng vui vẻ hơn. Bà con xóm làng đi chúc Tết nhau, mừng một năm mới thắng lợi được mùa, mừng nhau sức khỏe dồi dào, con cháu hiếu thảo, giỏi giang. Chúng tôi cùng nhau đi lễ thổ công, một nét sinh hoạt cộng đồng rất ý nghĩa và đầy tính nhân văn. Ở Lộc Bình, đặc biệt là xã Yên Khoái rất ít lễ hội do đó, hội Háng Đắp vào ngày 30 tháng Giêng được nhân dân chúng tôi háo hức chờ đón, nam thanh nữ tú đặc biệt trẻ em chờ mong để được cha mẹ cho đi chơi hội. Ngày Tết ở vùng quê biên giới này thực sự giản dị nhưng thấm đầy tình nghĩa.
Ngày nay, trong dòng chảy bộn bề của cuộc sống, việc giữ gìn được một nét đẹp trong phong tục ngày tết của cha ông cũng là điều thực sự đáng quý. Điều đó thể hiện sự giao thoa văn hóa nhưng không bị mai một mà vẫn được thế hệ ngày nay lưu truyền, gìn giữ. Từ những đổi thay trong phát triển kinh tế – xã hội của Yên Khoái cùng những nét đẹp trong ngày xuân của đồng bào dân tộc nơi đây như càng khẳng định một sức sống mới mãnh liệt đã, đang và sẽ mãi trường tồn nơi vùng biên cương của Tổ quốc.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()