Sức sống mới ở Bản Chắt
LSO- Bản Chắt là thôn đặc biệt khó khăn của xã Bính Xá, huyện Đình Lập, toàn thôn có 94 hộ dân, 417 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Trong những năm qua, Chi bộ thôn đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, định hướng và vận động nhân dân phát triển kinh tế, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Diện mạo của thôn ngày càng khang trang.
Đến thôn Bản Chắt những ngày giữa tháng 9/2015, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi đầu tiên ở Bản Chắt so với 3 năm trước đây là nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, thay thế cho những ngôi nhà cũ nát; một số đoạn đường đất lầy lội trước đây đã được bê tông hóa.
Ông Hoàng Ngọc Đường, Trưởng thôn Bản Chắt cho biết: Trước đây nguyên nhân nghèo nằm ở nhận thức của người dân còn hạn chế, không biết làm ăn, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả không cao. Vẫn còn có người lười lao động, thậm chí có hộ có đồi thông non cũng khai thác sớm bán để ăn đong, không tính toán lâu dài nên rất khó thoát được nghèo. Trước thực tế đó, Chi bộ thôn xây dựng và đưa vào nghị quyết chỉ đạo định hướng và vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì kinh tế lâm nghiệp vẫn là thế mạnh mà thôn tập trung vận động nhân dân phát triển, trong đó thông là cây trồng chủ lực.
Người dân Bản Chắt bán nhựa thông cho tư thương
Ông Hoàng Văn Tôn- người dân của thôn cho biết: gia đình tôi có hơn 20 ha rừng, toàn bộ diện tích đã được gia đình trồng thông. Hiện đã có khoảng 10 ha cho khai thác nhựa, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Khoảng 5 năm về trước do kinh tế còn khó khăn, gia đình không chú trọng đến việc chăm sóc, bón phân cho cây thông, cứ trồng xuống rồi để đấy. Hơn nữa, nhiều cây thông non mới trồng được 6 năm đã khai thác nhựa, điều này đã khiến giá trị kinh tế của cây thông thấp. Vì vậy, sau khi được các cấp tuyên truyền, từ kinh nghiệm thực tế, gia đình tôi tập trung chăm sóc rừng, phát quang, phòng chống cháy rừng, nhất là không cạo nhựa thông khi chưa đến tuổi khai thác. Từ đó, giá trị mang lại cao hơn hẳn, khoảng 3 năm tới, toàn bộ diện tích trồng thông cho khai thác nhựa sẽ là nguồn thu nhập giúp gia đình vươn lên làm giàu.
Hiện nay, toàn thôn có khoảng 500 ha rừng thông, đến nay có khoảng 100 ha đến tuổi cho khai thác nhựa. Và từ phát triển cây thông, nhiều hộ đã thoát nghèo và từng bước làm giàu, có những hộ thu nhập 300 triệu đồng/năm từ khai thác nhựa thông. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của thôn chiếm trên 70% thì đến nay giảm xuống còn 50%.
Tâm sự với chúng tôi, Trung tá Hoàng Văn Tư, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chi Lăng cho biết: Bản Chắt là thôn vùng biên, thuộc khu vực Đồn Biên phòng Chi Lăng quản lý, so với 5 năm trước đây, Bản Chắt hôm nay đã có nhiều đổi thay. Nhiều ngôi nhà khang trang kiên cố được xây dựng, nhiều vật dụng gia đình như ti vi, xe máy, tủ lạnh,… đã được người dân mua sắm. Nhất là ý thức trong phát triển kinh tế rừng đã có nhiều chuyển biến, việc khai thác thông non đã cơ bản không còn, ý thức về chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng được chú trọng.
Tín hiệu vui với Bản Chắt, tháng 5/2014 cặp chợ đường biên khu Bản Chắt được nâng lên thành cửa khẩu phụ Bản Chắt. Hiện nay đã được quy hoạch và đang xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà khu liên hợp, bãi đỗ xe,… sau khi hoàn thiện sẽ là cơ hội thuận lợi để Bản Chắt phát triển kinh tế, nhất là kinh tế cửa khẩu. Đó là động lực để Bản Chắt thoát nghèo và từng bước phát triển giàu mạnh.
Bài, ảnh: ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()