LSO-Khi những tia nắng xuân vàng nhẹ như muôn vàn sợi tơ giăng kín núi rừng, làng bản, gọi rừng đào trên núi Mẫu Sơn thức giấc, khoe sắc hồng quyến rũ là lúc cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) B38 cùng đồng bào các dân tộc trên vùng biên giới đón cái tết về…
|
Tri thức trẻ tình nguyện và chiến sĩ Đoàn B38 cất cao lời ca, tiếng hát đón xuân về |
Xuân về tràn ngập niềm vui
Chiếc xe “nhà lính” xuyên qua lớp sương mù dày đặc, đưa chúng tôi từ thành phố Lạng Sơn, ngược phía bắc theo trục đường số 4 lên với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP B38. Trôi qua bên cửa xe là những mái nhà sàn nằm san sát cạnh nhau như bát mẹ, bát con úp trong cùng mâm. Bao quanh từng ngôi nhà là màu trắng thanh tao của hoa mơ, hoa lê, màu xanh non mơn mởn của chồi non, lộc biếc. Khi xe chạy giữa ăm ắp sắc hồng của rừng đào là lúc chúng tôi đã lên đến Đoàn KTQP B38 nằm trên núi Mẫu Sơn. Nơi nơi trong khuôn viên doanh trại, hoa đào đang “thắp lửa”, hoa hồng, hoa cúc nở rộ tỏa hương thơm vấn vít đất trời. không gian tưng bừng, lộng lẫy dưới nắng xuân ấm áp. Đại tá Phạm Khắc Đức, Đoàn trưởng, sau cái bắt tay thân tình, anh cho biết: “Trong năm qua, cán bộ chiến sĩ toàn Đoàn, đặc biệt là trên các Nông – Lâm trường M96, B61… đã nỗ lực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân các dân tộc đẩy mạnh xây dựng các dự án như: Công trình thủy lợi, hồ chứa nước, bản dân cư biên giới (Bản Song Phe, Co Sâu. Nà Phát), trồng rừng, phát triển kinh tế, tích cực xóa đói, giảm nghèo… Do đó, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và không ngừng được nâng cao, cái đói, cái nghèo đã được đẩy lùi. Khu KT QP có bước phát triển toàn diện, quốc phòng – an ninh được giữ vững, chính trị ổn định. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên cơ sở xây dựng khu KTQP ngày càng được củng cố và phát triển, góp phần không nhỏ vào đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lạng Sơn”. Tâm sự với chúng tôi, Đại tá Hoàng Quang Tiệm, Chính ủy Đoàn hồ hởi nói: “Mùa xuân này, cán bộ chiến sĩ toàn Đoàn phấn khởi, tự hào bởi trong năm qua Đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt công tác, vươn lên dẫn đầu phong trào thi đua của LLVT Quân khu, được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua”. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết, cán bộ, chiến sĩ trong toàn Đoàn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền “nói cho dân hiểu” về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh “làm cho dân tin” bằng cách vận động nhân dân xóa bỏ phương thức canh tác cũ lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chủ động bám dân, bám bản “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào, giúp đỡ đồng bào bằng những việc cụ thể, thiết thực trong đời sống, vì thế “lời nói hay, việc làm tốt” của bộ đội làm cho đồng bào tin tưởng và làm theo”. Qua trò chuyện với các anh trong Đoàn, chúng tôi biết, với nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, trong đó không ít mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ đã thấm đẫm mảnh đất biên cương này, giờ đây bà con nhân dân các dân tộc trong vùng dự án khu KTQP đã tin bộ đội nói, theo bộ đội làm, từng bước thay đổi phương thức sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất sản phẩm hàng hóa, xóa bỏ thủ tục lạc hậu, không phát rừng làm nương rẫy…
Hành trình đầu xuân
Rời sở chỉ huy Đoàn bộ, chúng tôi lên xe hành trình “du xuân” đến các Nông – Lâm trường, lên các bản nơi rẻo cao xa xôi trên núi rừng biên cương. Sau khi xuyên qua những con đường ngầu bụi đỏ, với từng khúc cua tay áo chóng mặt, chúng tôi đến Nông – Lâm trường M96. Trong đoàn đi, ai cũng ngỡ ngàng bởi sự hùng vĩ, đẹp đến nao lòng nơi núi rừng vùng biên viễn xa xôi này. Thượng tá Phạm Xuân Khiển, Chính trị viên không dấu nổi niềm vui trên gương mặt dạn dầy sương gió, tâm sự: “Nông – Lâm trường chúng tôi đứng chân trên khu vực Mẫu Sơn, có 6 tổ đội sản xuất, phụ trách 6 xã thuộc 2 huyện Lộc Bình và Cao Lộc với chiều dài đường biên 48,6 Km. Cán bộ, chiến sĩ luôn đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng bằng những việc làm thiết thực, “đằm mình” cùng bà con xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như chăn nuôi tập trung, trồng lúa nước, trồng cây ăn quả, trồng rừng…đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống của bà con nhân dân các dân tộc đã thực sự “thay da, đổi thịt”. Mùa xuân này chúng tôi cùng bà con xây dựng bản làng được hơn 10 năm rồi”. Khi chúng tôi đến Tổ đội sản xuất số 2, đứng chân trên địa bàn xã Mẫu Sơn (Cao Lộc), tâm sự về sự khởi sắc trong phát triển kinh tế, ông Triệu Sáng Lèn, Chủ tịch xã phấn khởi nói: “Các anh bộ đội vất vả với bà con nhiều đấy, giúp đồng bào thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Xuân này đồng bào đón cái tết thật vui”. Cũng chung tâm sự ấy, ông Dương Trùng Xuẩn, dân tộc Dao, Trưởng thôn Co Loi, nắm mãi tay chúng tôi cảm động: “Người Dao mình ơn Đảng, chính phủ và “Bộ đội Cụ Hồ” lắm”.
Tiếp theo hành trình, chúng tôi đến Nông – Lâm trường B61 đóng quân ở xã Bính Xá, huyện Đình Lập. Nơi đây, không gian thật đẹp với những khu rừng thông trập trùng, xanh ngăn ngắt trải rộng đến tận chân trời. Thượng tá Nguyễn Tiến Thu, Giám đốc Nông – Lâm trường, cười thật tươi, nói với chúng tôi: “Cán bộ, nhân viên chúng tôi ở 6 tổ đội sản xuất, đang vui mừng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con chuẩn bị đón cái tết mới, xuân về”. Trong không gian tràn ngập nắng xuân, ông Tô Văn Dũng, Bí thư xã Bính Xá phấn khởi chia sẻ: “Tết đến nơi rồi, bộ đội cùng nhân dân năm nay tổ chức vui xuân mới thật đầm ấm, vui vẻ mà tiết kiệm”. Khi chúng tôi xuống Đội sản xuất số 1, ở xã Bắc Xa (Đình Lập), Trung tá Vũ Hồng Hưng, Đội trưởng đưa chúng tôi xuống gia đình ông Vi Văn Khà, ở bản Tắp Tính. Trong gian nhà khang trang, rộng rãi ông Khà bộc bạch: “Năm nay nhà mình vừa trồng được thêm 4 hecta thông non theo dự án, bây giờ cây lên tốt rồi. Cái tết này nhà mình vui đấy, thu nhập trong năm qua từ trồng trọt, chăn nuôi được nhiều mà”.
Khi cái nắng ấm áp của mùa xuân đã theo mặt trời xuống núi, sương chiều từ từ dâng trên các bản làng, cũng là lúc chúng tôi tạm biệt cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP B38 cùng đồng bào nhân dân các dân tộc trên vùng núi Mẫu Sơn thắm đỏ hoa đào để trở về. Trong tôi cảm nhận được niềm vui rạng ngời trên từng ánh mắt của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những đổi thay của các bản làng đã tạo nên một diện mạo mới, sức sống mới nơi miền biên giới xa xôi. Chúng tôi thầm hẹn một ngày không xa nhất định sẽ trở lại.
Ý kiến ()